Trước ngày 30/4/1975, đời sống của đại đa số đồng bào Khmer Vĩnh Long rất cơ cực, lạc hậu. 90% cư dân Khmer trong tỉnh thuộc thành phần bần nông. Vì lẽ đó, trong những ngày tháng đầu tiên kiến thiết đất nước, Đảng và Nhà nước cùng với nhiều chủ trương chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, dân tộc Khmer nói riêng.
Qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng, vượt khó vươn lên, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDT Khmer theo lời Bác dạy.
![]() |
Gia đình chú Kiên Sô Thanh có 40 năm gắn bó với nghề làm cốm dẹp. |
Vượt khó thoát nghèo
Trước ngày 30/4/1975, đời sống của đại đa số đồng bào Khmer trong tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long và Trà Vinh) rất cơ cực, lạc hậu. 90% cư dân Khmer trong tỉnh thuộc thành phào bần nông, sống trong tình trạng thiếu hoặc không có đất canh tác, thường phải làm thuê mướn ở dạng lao động nặng nhọc.
Mấy mươi năm qua với rất nhiều dự án cho đồng bào DTTS được triển khai, như vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế; chương trình hỗ trợ bò giống; chương trình 134, 135... chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện rộng khắp các lĩnh vực nhằm nâng cao đời sống, kinh tế- xã hội của đồng bào Khmer.
Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 2.095 hộ DTTS nghèo, chiếm tỷ lệ 29,48%. Đến năm 2024, hộ nghèo DTTS được kéo giảm, hiện còn 0,95% tương đương 83/8.735 hộ. Xã Loan Mỹ (Tam Bình) có là 1.430 hộ dân tộc Khmer với hơn 5.300 nhân khẩu (chiếm 41,9% dân số số hộ toàn xã). Đảng và Nhà nước các cấp luôn quan tâm sâu sắc trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều chính sách ưu đãi về vốn, đào tạo nghề-giải quyết việc làm cũng như an sinh xã hội, đặc biệt là giải quyết chính sách cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn. Nhờ đó đến cuối năm 2024, toàn xã có 33/28 hộ Khmer thoát nghèo, đạt gần 118% so với chỉ tiêu đề ra.
Bà Huỳnh Thị Diễm- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ chia sẻ: “Để đạt được kết quả này, chúng tôi thường xuyên khảo sát, thống kê lại số hộ có khả năng thoát nghèo, nguyên nhân nghèo, nguyện vọng để thoát nghèo. Từ đó, có định hướng vận động hộ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế làm ăn có hiệu quả đảm bảo cuộc sống thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, cần có kế hoạch quan tâm đến các hộ vừa mới thoát nghèo để hộ có điều kiện vươn lên khá giàu, không để tái nghèo”.
Theo ông Thạch Dương- Quyền giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn lồng ghép các chương trình dự án tỉnh đã hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc. Chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo trong tạo việc làm, phát triển sản xuất được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Cũng từ sự hỗ trợ kịp thời này, cùng với sự cần cù chịu khó lao động nên nhiều hộ Khmer đã vươn lên thoát nghèo với những mô hình làm ăn có hiệu quả.
Trong căn nhà tường khang trang vừa được bàn giao đúng dịp Tết Chol Chnam Thmay, anh Thạch Tống (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) cười tươi: “Đi mần xa, dành dụm, tích cóp cất được căn nhà kế nhà ba mẹ vợ để cho con gái đang học lớp 9 ở và lễ tết cả nhà về sum họp”.
Chị Thạch Thị Con Na- vợ anh Tống tiếp lời: “Trước đây, vợ chồng tui mần mướn kiếm sống qua ngày lo cho cha mẹ già và con nhỏ. Nhận được sự hỗ trợ, động viên của địa phương, vợ chồng anh quyết chí phải đi lên bằng chính sức mình để thay đổi cuộc sống. Làm công nhân ở Bình Dương vợ chồng tui tích cóp có số vốn ra buôn bán bún, phở tại chợ và bỏ mối cho bạn hàng. Cuộc sống cũng ổn định, lo cho con cái ăn học”.
Từ khi có được căn nhà kiên cố khang trang, đảm bảo thêm động lực cho nhiều gia đình vươn lên phát triển sinh kế bền vững. Là 1 trong 14 hộ Khmer ở xã Loan Mỹ được hỗ trợ cất nhà, ông Thạch Nhơn (xã Loan Mỹ, Tam Bình) phấn khởi: “Cũng nhờ Nhà nước, đoàn thể quan tâm nên gia đình tui mới có nhà tường mới ở, quá là mừng vui không lời nào nói được, tui mang ơn lắm”.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến tháng 4/2025, Vĩnh Long có 3/5 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó, 2 xã Đông Bình và Đông Thành (Bình Minh) là xã nông thôn mới kiểu mẫu; xã Loan Mỹ (Tam Bình) về đích nông thôn mới năm 2021. Phấn đấu đến cuối năm 2025, 2 xã đồng bào của huyện Trà Ôn là Tân Mỹ và Trà Côn sẽ về đích nông thôn mới.
Xã Đông Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017; đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021 và chính thức được nhận bằng công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu tháng 3/2025.
Điểm sáng của xã nông thôn mới kiểu mẫu Đông Bình là thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 xã đạt 79,21 triệu đồng/người/năm. Về chỉ tiêu mô hình ấp thông minh, cán bộ ấp có ứng dụng các nền tảng phục vụ chuyển đổi số của chính quyền; đồng thời, thực hiện công tác thông tin, truyên truyền trong ấp. Về sản xuất, xã có mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm chủ lực chanh không hạt. Về cảnh quan môi trường, xã có 2 tuyến đường hoa: Đường Đông Bình-Đông Thạnh dài 1,9km; tuyến đường ấp Đông Bình dài 1,6km trồng hoa, cây cảnh nổi để thu hút khách tham quan...
Gia đình chú Kiên Sô Thanh-Phó trưởng ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình (Bình Minh) là một tấm gương vượt khó vươn lên trong xã. Nhờ siêng năng chịu khó, vợ chồng chú Sô Thanh vừa trồng trọt, chăn nuôi vừa tận dụng vốn vay chính sách phát triển nghề làm cốm dẹp.
“Cỡ 40 năm trước lúc mới ra riêng là hộ nghèo không có đất đai gì, rồi vợ chồng học nghề làm cốm dẹp, nhờ cốm dẹp mà có nhà, có đất này. Không chỉ nhà tui mà nhiều nhà trong xóm này cũng phất lên nhờ làm cốm dẹp này. Tui tính sơ sơ, mỗi lao động làm cốm kiếm được 200.000đ/ngày”- chú Sô Thanh chỉ tay một vòng từ trước nhà ra sau vườn.
![]() |
Nông thôn mới kiểu mẫu Đông Bình, sáng xanh sạch đẹp. |
Cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội địa phương, đời sống người dân được nâng lên và nghề làm cốm dẹp cũng có nhiều đổi mới. Từ làm cốm thủ công hoàn toàn sang máy móc thay thế năng suất cao hơn, giảm sức lao động, giảm giá thành và vệ sinh an toàn thực phẩm hơn.
“Hồi đó, 3-4 giờ sáng vợ chồng tui thức dậy làm cốm dẹp tới cỡ 9-10 giờ đượm nắng đem phơi. Từ 40 ký nếp sau khi làm thành cốm cỡ 20 kg. Giờ có máy móc rồi, từ rang, tới chày đập cốm tui mà cho máy chạy nguyên ngày thì mỗi ngày hết 1 tấn nếp như chơi. Thời gian, nhân công làm cốm dẹp ít hơn nên tôi mua thêm cốm dẹp của lối xóm, bỏ mối trong ngoài tỉnh”.
Hiện nay, gia đình chú Sô Thanh làm cốm dẹp bình quân 80kg/ngày, cùng với mua đi bán lại thì thu nhập bình quân từ khoảng 300 triệu đồng/năm. “Có được đời sống như hiện nay, tui không quên những đồng vốn vay từ ngân hàng chính sách mấy mươi năm trước. Tôi nhớ lần đầu vay 1 triệu đồng, tiền đó là vốn mua nếp làm cốm, làm ăn nở nồi hơn, không riêng nhà tôi mà bà con Khmer trong ấp cũng được vay vốn phát triển nghề, trong đó không ít người sử dụng vốn vay hiệu quả”. Chú Sô Thanh chia sẻ thêm: “Tui thấy những chính sách hỗ trợ cho đồng bào Khmer cũng như DTTS rất là tuyệt vời. Dù bà con làm kinh tế gì cũng được hỗ trợ để phát triển, yêu cầu là bà con chịu học hỏi, chịu làm thì sẽ vượt khó vươn lên khá giả hơn”.
Chú Kiên Sô Thanh cho biết: “Nhờ những nguồn vốn vay ưu đãi, người dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích kinh tế gia đình tiến lên rất rõ rệt. Ví như xóm này mới đôi ba mươi năm trước thôi, từ những căn nhà lá xập xệ, đường đất, đường rải đá, rải xà bần lầy lội bây giờ đường lộ nhựa, đường đan, nhà tường, nhà lầu đều có. Mới đây ấp được hỗ trợ xây sửa 21 căn nhà, vậy là Phù Ly 2 không còn nhà tạm bợ nữa”.
Để giúp đồng bào Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống xây dựng nông thôn mới cần triển khai đồng bộ, phù hợp, hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng; song song đó, là khơi dậy ý thức tự lực tự cường trong đồng bào Khmer, để đồng bào chí thú làm ăn, thoát nghèo, vươn lên khá giàu cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước.
Chủ tịch UBND xã Đông Bình- ông Nguyễn Văn Chín, cho biết: “Những năm qua cấp ủy Đảng, Chính quyền thị xã, xã Đông Bình luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc Khmer giải quyết tất cả chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc, từ hỗ trợ vốn sinh kế, giải quyết việc làm các mô hình chăn nuôi, …Qua đó mang lại hiệu quả tích cực trong việc phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, đối với Đông Bình thực hiện rất tốt cuộc vận động Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đã được công nhận”. |
Bài, ảnh: NHÓM PV VĂN HÓA
>> Kỳ cuối: Đại đoàn kết toàn dân tộc, chung khát vọng xây dựng quê hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin