Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng những giá trị, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc. Chính vì thế, Người đề nghị:“Ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hóa của các dân tộc”.
Đồng bào Khmer có nền văn hóa phát triển đa dạng gắn liền với những tín ngưỡng mang sắc thái riêng, đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Vĩnh Long luôn nỗ lực cho những việc làm thiết thực gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào Khmer.
![]() |
Đồng bào Khmer bảo tồn chữ viết và truyền dạy qua các thế hệ. |
Gìn giữ vốn quý của dân tộc
Những năm qua, ngành Văn hóa-TT-DL đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động, việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Long đang tích cực triển khai Dự án 06, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, kết hợp với phát triển du lịch bền vững.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; có 50% ấp có đội văn nghệ truyền thống thường xuyên, có chất lượng. Tổ chức trên 40 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ 5 dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; hỗ trợ 4 sân bi sắt, 9 thiết chế văn hóa, thể thao có đông đồng bào DTTS; hỗ trợ trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao ấp.
Quan tâm yếu tố gắn kết phát huy bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, ông Phan Văn Giàu- nguyên Giám đốc Văn hóa-TT-DL tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nếu chỉ làm tốt công tác bảo tồn là chưa đủ. Do đó, yêu cầu đặt ra là làm thế nào để các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và giá trị văn hóa của đồng bào Khmer nói riêng được khai thác, phục vụ nhu cầu phát triển sinh kế bền vững.
Đây là một quá trình “kinh tế hóa” các giá trị văn hóa, trong mối tương quan văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời vừa bảo tồn, thích nghi và chống các hiện tượng thương mại hóa, làm phai nhạt hoặc biến chất các giá trị văn hóa truyền thống.
![]() |
Đời sống tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên. |
Trong quá trình phát triển, người Khmer đã hun đúc, sáng tạo nên các loại hình nghệ thuật truyền thống vô cùng tinh túy, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn.
Trong đó, tiêu biểu là tập tục đi tu, chữ viết, văn học, âm nhạc, múa, sân khấu biểu diễn, kiến trúc, điêu khắc... Tỉnh chú trọng phát huy giá trị các loại hình âm nhạc, lễ hội, ẩm thực, nghề truyền thống và trò chơi dân gian để vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, lan tỏa tinh thần bảo tồn các giá trị truyền thống, đồng thời tạo thêm sản phẩm du lịch, điều kiện cho đồng bào có công việc ổn định tại nơi cư trú.
Với khoảng 1.400 lễ hội, mỗi lễ hội đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như: Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn, lễ Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok... Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên, sinh hoạt văn hóa tâm linh, là cơ hội quảng bá văn hóa địa phương tới du khách trong và ngoài nước. Năm 2020, “Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn” được Bộ Văn hóa-TT-DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Lê Hoàng Khải- Trưởng Ban quản lý Di tích Lăng Ông chia sẻ, ông Nguyễn Văn Tồn (tên thật Thạch Duồng) là người Khmer (Trà Vinh), là người có công khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Mang Thít (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh) và thành lập xóm làng.
“Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn” thể hiện lòng tri ân sâu sắc của người Kinh, Hoa, Khmer đối với vị tướng có công với dân, với nước. Lễ hội cũng khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó của 3 dân tộc là “sợi dây” gắn kết cộng đồng, tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc giúp con người hướng đến những giá trị chân- thiện- mỹ.
Phát triển văn hóa trong dòng chảy hội nhập
Hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, kho tàng văn nghệ dân gian, các nghi lễ tôn giáo, nghi lễ truyền thống được đồng bào Khmer bảo tồn và kế thừa qua các thế hệ.
Những năm gần đây, tiếng Khmer không chỉ được dạy rộng rãi trong các chùa Khmer mà còn được dạy trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường có đông đồng bào dân tộc Khmer. Từ năm học 2013- 2014 Vĩnh Long đã có 5 trường tiểu học dạy tiếng dân tộc Khmer; đến nay, Vĩnh Long có 9 trường dạy tiếng Khmer cho học sinh.
Với em Nguyễn Quỳnh Khánh Băng- học sinh lớp 10A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, được học tiếng của dân tộc mình em rất vui. Chữ viết của em hiện tại chỉ ở mức cơ bản, không viết được hết các chữ có thể nói. Nhưng Quỳnh quyết tâm xong 3 năm học tại trường, em sẽ viết được chữ dân tộc mình.
Về những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống hôm nay, những công trình thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang từ xã đến các ấp. Xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) có khoảng 42% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã cũng được thiết kế đặc sắc hơn khi phần nóc mái có kiến trúc truyền thống của đồng bào Khmer. Sự giao thoa văn hóa và tình gắn kết giữa hai dân tộc Kinh- Khmer ngày càng thêm bền chặt thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao.
Bà Thạch Thị Thúy Liễu- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao Tân Mỹ cho biết: “Không gian trung tâm văn hóa là nơi bà con tập thể dục, trẻ em vui chơi. Cứ mỗi chiều, đội bóng đá của các em học sinh trường THCS Tân Mỹ đều đặn “lăn bóng”. Các em học sinh có ý thức chung tay dọn dẹp, tắt đèn, giữ gìn trung tâm sạch đẹp”.
Bên cạnh những phong tục tập quán vẫn giữ được sức sống bền bỉ thì có một số nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng đã và đang đối mặt với nguy cơ mai một. Nhiều loại hình nghệ thuật được xuất phát trong dân gian, mang tính cộng đồng cao của đồng bào Khmer cũng gặp khó trong việc bảo tồn. Số lượng đội, nhóm văn nghệ dù được quan tâm phát triển, nhưng chất lượng truyền dạy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với các loại hình nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật, sự am hiểu sâu.
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 4 Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) dân tộc Khmer được Nhà nước vinh danh. Tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ các vị sư sãi, nghệ nhân và người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer, qua đó góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước và chung tay truyền dạy, giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
NNƯT Sơn Trong ngụ ấp Trung Trạch, xã Trung Thành (Vũng Liêm) là một trong những nghệ nhân trình diễn nhạc ngũ âm tiêu biểu. Sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm từ năm 1976 đến nay, gần 50 năm gắn bó với lớp trống KarVai, Đon Her, Chuoch, đánh được gần 100 bài nhạc cổ truyền như: Đonh đáp, Mahôri, KaLom… NNƯT Sơn Trong đã trao truyền kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của mình cho đội nhạc ngũ âm chùa Hạnh Phúc Tăng. Nghệ nhân Sơn Trong là người đồng bào dân tộc duy nhất của tỉnh được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong năm 2025.
Bộ Văn hóa-TT-DL đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Kế hoạch yêu cầu thực hiện đồng bộ giữa nghiên cứu, bảo tồn văn hóa với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống; đề cao vai trò, năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các hoạt động đa dạng như: sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, nghề thủ công… cho thanh niên để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lớp kế thừa.
Với các chính sách đúng đắn và sự chung tay của cộng đồng, văn hóa Khmer không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để văn hóa thấm sâu vào đời sống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS là thực hiện chủ trương phát huy sức mạnh mềm của dân tộc.
![]() |
Tết quân dân tạo điều kiện gắn kết và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. |
BOX 1: NNƯT Sơn Trong tâm niệm: “Tôi sẽ tiếp tục truyền nghề cho con, cháu, anh em, bạn bè có niềm đam mê và muốn học nhạc cụ này. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi quyết không bao giờ từ bỏ nhạc ngũ âm, vì niềm đam mê nghệ thuật, tôi sẽ hết lòng và cố gắng hơn nữa để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc”.
BOX 2: Cô giáo Thạch Thị Oanh Thia- giáo viên dạy tiếng Khmer Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, cho hay: “Mỗi tuần các em được học 3 tiết tiếng Khmer. Tùy theo trình độ học sinh mà tôi dạy kiến thức cơ bản hay nâng cao để các em không chỉ biết nói mà còn biết viết chữ dân tộc mình. Tôi nghĩ mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng góp phần làm đa dạng văn hóa chung của dân tộc Việt Nam và chúng ta cần giữ gìn, phát huy”.
Bài, ảnh: NHÓM PV VĂN HÓA
>> Kỳ 4: Vượt khó, thoát nghèo xây nông thôn mới
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin