“Bức tranh” đổi mới của đồng bào Khmer Vĩnh Long

15:56, 12/05/2025

Những ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi về với các xã đông đồng bào dân tộc (ĐBDT) Khmer sinh sống ở Vĩnh Long. Trong không khí rộn ràng “điệu lâm thôn”, những phum sóc còn khó khăn trước đây, nay xe bon bon qua trên những con đường thẳng tắp, băng qua những căn nhà cấp 3, cấp 4 “mái thái đỏ, xanh” khá hiện đại.

Đó là thành quả của nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ ĐB dân tộc thiểu số (DTTS) thời gian qua. Còn trong tư duy của bà con Khmer Vĩnh Long hôm nay “cho con học hành đến nơi, đến chốn” là để xây dựng quê hương; giữ gìn phát huy giá trị văn hóa dân tộc, quyết tâm vượt khó, thoát nghèo xây nông thôn mới...

Thành quả hôm nay, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mà những người có uy tín trong đồng bào Khmer như “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”, dẻo dai kết nối ý Đảng lòng Dân qua bao thế hệ.

Kỳ 1: Khi ý Đảng hợp lòng Dân

Ky 1. 1: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trần Tiến Dũng thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long và chùa Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm).
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trần Tiến Dũng thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long và chùa Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS. Người chủ trương phải có sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Thực hiện tư tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, đề án hỗ trợ ĐBDT với quan điểm bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển.

Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, đồng bào Khmer Vĩnh Long tin tưởng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Viết tiếp trang sử hào hùng

Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, ĐBDT Khmer Nam Bộ tự giác đấu tranh, tình đoàn kết giữa các dân tộc được củng cố, tăng cường.

Theo báo cáo số 10/1976 của Ủy ban Mặt trận giải phóng tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long và Trà Vinh), trong quá trình đấu tranh cách mạng, đồng bào và sư sãi Khmer đã đóng góp hàng triệu giạ lúa, hàng trăm triệu bạc, hàng ngàn thanh niên nam nữ và sự sãi bỏ áo cà sa, từ giã chùa, phum sóc lên đường làm nghĩa vụ. Trong đấu tranh đã xuất hiện nhiều đồng chí cán bộ chiến sĩ xuất sắc, hy sinh rất dũng cảm.

Bà Thạch Thị Ba (xã Loan Mỹ- Tam Bình) dân tộc Khmer được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Chồng mẹ là liệt sĩ Thạch Cà Hom và con gái Thạch Thị Phen cũng hy sinh khi làm giao liên. Chồng, con hy sinh, mẹ tiếp tục hoạt động nuôi chứa cán bộ cách mạng. Dù mẹ đã đi xa nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ mãi lời mẹ kể: “Nhà mẹ có gì, mẹ nuôi cán bộ bằng cái đó. Hết gạo thì mẹ đi xin, đi mượn cho mấy chú về ăn. Cái thời bình này quý lắm mấy bây ơi, phải ráng mần ăn, biết quý nó”.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giúp diện mạo nông thôn vùng ĐBDT Khmer thay đổi tích cực.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giúp diện mạo nông thôn vùng ĐBDT Khmer thay đổi tích cực.

Gia đình bà Thạch Thị Của (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, TX Bình Minh) là gia đình có truyền thống cách mạng. Cha bà là liệt sĩ, mẹ là thương binh 1/4. Điều đáng quý ở gia đình bà Của là không có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực làm kinh tế để vươn lên. Trong xây dựng NTM, gia đình bà đã hiến 2.000m2 đất để cùng Nhà nước kiên cố hóa thủy lợi nội đồng kết hợp giao thông. Bà tâm sự: “Tui cũng hiểu những chủ trương của Đảng, Nhà nước đều chăm lo cho dân, với lại chiến tranh gia đình mình hy sinh xương máu rồi hỏng lẽ thời bình mình không hy sinh đất, mà mình hiến đất nhiều người được nhờ lắm, nước không lên phèn, nên trồng cây gì cũng trúng, khi thu hoạch chở lúa về khỏe re, bán cũng được giá hơn”.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, nhiều ngôi chùa của bà con Khmer đã trở thành cơ sở cách mạng. Chùa Tòa Sen (xã Đông Thành, TX Bình Minh) là 1 trong 6 chùa Khmer Vĩnh Long là cơ sở cách mạng, là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị bám trụ hoạt động cách mạng. Chùa có vị trí hết sức quan trọng của xã Đông Thành cũng như của TX Bình Minh và tỉnh Vĩnh Long, có lúc còn là của cả khu Tây Nam Bộ.

Đến thời bình, phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, những ngôi chùa Khmer trở thành nơi giữ gìn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần bảo tồn những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Mới đây, nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay, tại chùa Tòa Sen, các hoạt động trong Tết Quân dân và Ngày hội Văn hóa, thể thao đồng bào Khmer 2025 đã để lại những kỷ niệm và những ấn tượng tốt đẹp đối với quân và dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nói chung, xã Đông Thành, TX Bình Minh nói riêng.

Thượng tọa Thạch Bước- Ủy viên Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Tòa Sen phấn khởi: “Người dân tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ sôi nổi vừa góp phần giữ gìn nét văn hóa, ẩm thực của đồng bào Khmer, đồng thời tạo không khí phấn khởi ngày Tết Chol Chnam Thmay ở địa phương, làm tăng thêm tình làng nghĩa xóm, gắn kết hơn nghĩa tình quân dân”.

Chủ trương, chính sách của Đảng hợp lòng Dân

Sau 50 năm đất nước thống nhất, vùng ĐBDT Khmer ở Vĩnh Long thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng nâng lên. ĐBDT Khmer tại Vĩnh Long hiện có hơn 22.600 người, chiếm 2,21% so tổng dân số của tỉnh tập trung ở các huyện Trà Ôn, Bình Minh, Tam Bình và Vũng Liêm.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện nhiều chính sách của Trung ương, địa phương về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần làm thay đổi đáng kể vùng ĐBDT Khmer trong tỉnh.

Ông Sơn Ry Ta (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, TX Bình Minh)- nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhớ lại, sau giải phóng, các xã có đông ĐBDT Khmer sinh sống ở tỉnh khó khăn nhiều mặt. Đường sá, cơ sở vật chất thiếu đủ thứ. Đường bộ thì chủ yếu theo lối mòn của mặt đê, bờ vùng, mưa xuống phải “bấm chân mà đi” để không bị trượt té. Người dân đi rất xa mới tới trạm y tế. Trường học thì mái lợp lá, vách cây. Nhà cửa rất thô sơ, chủ yếu là nhà lá hoặc che tấm bạt ở tạm, nhà dột nát rất nhiều…  

“Trong quá trình phát triển tỉnh nhà, ĐBDT Khmer luôn có sự quan tâm và hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Các chính sách đúng đắn và đầy nhân văn Trung ương và địa phương về công tác dân tộc như: Chương trình 134, 135, xây dựng nông thôn mới… đời sống đồng bào Khmer ngày một đổi thay. Tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế-xã hội, người dân được học tập, chăm sóc y tế, thụ hưởng đời sống vật chất tinh thần, qua đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo Đảng.”- ông Sơn Ry Ta cho biết.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trình độ dân trí, ý thức cho con học hành đến nơi đến chốn của đồng bào Khmer được nâng lên.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trình độ dân trí, ý thức cho con học hành đến nơi đến chốn của đồng bào Khmer được nâng lên.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn một từ năm 2021-2025, Vĩnh Long triển khai thực hiện 9 dự án, với tổng kinh phí hơn 157,5 tỷ đồng.

Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân.

Qua đó, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS. Bên cạnh là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Ông Sơn Ry Ta phấn khởi: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Chỉ riêng xã Đông Bình, tính đến nay có 33 tuyến đường liên xã liên ấp và ngõ xóm với tổng chiều dài hơn 30 km đều được nhựa hóa, bê tông hóa và có đường chiếu sáng đạt 100%. Bà con Khmer chí thú mần ăn, kinh tế phát triển; đầu tư chuyện học cho con cháu nên trình độ trí thức được nâng lên rất nhiều. Tinh thần đoàn kết giữa 2 dân tộc luôn giúp đỡ, yêu thương như người một nhà”.

Ông Sơn Ry Ta cho biết thêm: “Là gia đình liệt sĩ, đảng viên về hưu, sinh hoạt chi bộ tại địa phương, tôi luôn nêu gương vận động gia đình và bà con xây dựng quê hương, theo đó khi nhà nước có nhu cầu gia đình tôi hiến gần công đất để làm tuyến đường liên xã Đông Bình-Đông Thạnh”.

Ông Thạch Dương- Quyền Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, nhận định: “Đồng bào dân tộc Khmer luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp, chung sức, đồng lòng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chuẩn bị vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc”.   

Sự phát triển của vùng ĐBDT Khmer khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng đối với công tác dân tộc, sự đầu tư nguồn lực có hiệu quả của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngày càng sát với thực tiễn và thể hiện sự vận dụng chính sách dân tộc năng động, có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự đồng tình ủng hộ của người dân trong tỉnh và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chung trong cả nước.

Chùa Tòa Sen từng là căn cứ cách mạng, nay là không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer xã Đông Thành.
Chùa Tòa Sen từng là căn cứ cách mạng, nay là không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer xã Đông Thành.

Đến thăm và chúc Tết Chol Chnam Thmay đồng bào dân tộc Khmer, đồng chí Trần Tiến Dũng- Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh luôn dành sự quan tâm đối với đời sống của đồng bào DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn đồng bào Khmer không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động của xã hội, xây dựng cộng đồng đoàn kết và vững mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Hiệu quả cụ thể từ một số CTMTQG tại Vĩnh Long, như: mức thu nhập bình quân của người DTTS là 76,5 triệu đồng, tăng 2,5% mức thu nhập so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,9%; có 3/5 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. 5/5 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được thảm nhựa, 100% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế đã được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế.

Bài, ảnh: NHÓM PV VĂN HÓA  

>> Kỳ 2: “Trồng người” trên phum sóc

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh