Nắng tháng ba vàng ngọt như múi sầu riêng đương chín. Cầu mũi phà phơi mình giữa sông rộng trời cao. Sông Tiền mênh mông nước. Thế mà vẫn có lúc không tránh khỏi cạn lòng vì con nước ròng, làm cho việc di chuyển lên xuống phà gặp không ít khó khăn.
Chuyến phà nào cũng có vài chiếc xe máy chở trái cây sang bên kia bờ. Người ta dùng một đòn tre gác ngang yên sau, rồi treo hai bên những giỏ xách đựng vài chục ký cây trái vừa mới hái. Thường thì sẽ có một người phụ nữ ngồi sau, chân dang ngang hoặc gác lên đòn gánh với dáng ngồi không thoải mái. Người xa quê lâu ngày, nhìn hình ảnh này sẽ nhớ lắm, bởi cái đặc trưng không phai không lẫn với bất cứ xứ nào.
Tôi ở phía sau cái xe chở đầy sầu riêng. Hương sầu riêng nồng nàn. Cũng không biết hương ấy từ cái xe phía trước hay từ trái sầu riêng treo trên xe của tôi. Tôi biết khi cắt bán cho bạn hàng, nhà vườn cắt những trái già thôi. Riêng trái của tôi thì chắc chắn là đã chín.
Tôi hầu như không mua sầu riêng ngoài chợ hoặc những chỗ không quen. Cộng thêm có người bác là chủ vườn sầu riêng lớn ở Vũng Liêm nữa. Cứ vào mùa, cả nhà về tại vườn ăn, rồi còn được mang về.
Hôm nay tan trường, đứa trò nhỏ hỏi:
- Ăn sầu riêng không cô? Nhà con bán!
Cô bé giải thích thêm:
Sầu riêng ở nhà là thương hiệu nổi tiếng đó cô. Con là cháu ông Sáu Ri.
Nghe đến đây thì tôi gật đầu ngay: “Cô mua!”. Mỗi khi chạm tay vào một mảnh hồn quê, tôi cảm thấy lòng mình rộn rã. Từ ngày về xứ cù lao dạy, tôi được tưới tắm mát lòng bởi văn minh miệt vườn của vùng đất chênh vênh giữa bốn bề sông.
Cô bé tiếp tục kể: “Nhà giờ còn gốc sầu riêng bự lắm cô. Mẹ con nói là gốc cây đầu tiên ngày xưa ông Sáu tự lai tạo giống. Sầu riêng nhà con có lịch sử trên 30 năm lận đó. Ông Sáu giỏi lắm, tánh ông lại thương người nữa. Mẹ con nói có một lần ông đã không màng nguy hiểm, nhảy xuống sông cứu người bị chìm ghe chỗ phà Đình Khao”.
Tôi nhìn con bé. Mái tóc xoăn tự nhiên cùng cái miệng chúm chím. Nó cười tươi lắm khi kể về ông của mình. Khoe những điều xứng đáng làm cho nụ cười nó rạng rỡ hơn. Tôi ăn không được nhiều sầu riêng nhưng thích mùi thơm của nó. Thứ mùi thơm chẳng thể giấu vào bên trong.
- Này về ăn liền được chưa con?
- Dạ được, vừa chín rụng luôn cô! Bao ngon! Bao sạch! Cô búng vào vỏ mà nghe tiếng bộp là sầu riêng chín vì giữa cơm sầu riêng và vỏ có khoảng trống. Tiếng bộp càng lớn thì trái càng chín muồi.
Vậy là tôi có một trái sầu riêng chín treo ở xe. Cái kiểu thơm lấn át mọi thứ xung quanh như sầu riêng dễ khiến người mê, kẻ ghét. Cây trái là tặng vật của trời đất, người nâng niu sẽ được hưởng phước lành. Nghề làm vườn bây giờ không dễ, giữ cho nông sản sạch càng khó khăn. Tôi nhớ có năm, vùng đất được xem là trù phú an lành của ĐBSCL như Vĩnh Long cũng chịu hạn và bị xâm nhập mặn. Đoạn sông khúc bến phà có khi chẳng thể dùng để tưới tiêu vì nhiễm mặn. Nhà vườn mang nỗi “sầu riêng”, nhìn cây rụng lá mà xót lòng.
Nhưng dù có như thế nào, mùa vẫn thơm. Xứ cù lao đâu thể thiếu trái ngọt cho đời. Có trái cây, miệt vườn mới là chính nó. Có mùi sầu riêng sực nức mới rõ đất lành.
Tôi nghĩ về những đứa học trò trên dải đất cù lao này. Chúng đều từ vườn mà lớn lên. Chúng hái chôm chôm, hái nhãn, sầu riêng đổi tri thức. Đầu lưỡi thấm vị ngọt An Bình. Ai cũng vậy, đi lên từ gian khó, con người ta sẽ nghị lực hơn. Riêng con bé cháu ông Sáu, nó còn được nuôi bằng một nền tảng rất đẹp. Ông Sáu không chỉ gieo mầm cây. Mồ hôi của một người nông dân giỏi tốt bụng đã nhỏ trên đất vườn. Tôi chắc chắn rằng đó là suối nguồn dinh dưỡng không chỉ nuôi cây mà còn nuôi cả tâm hồn bao thế hệ con cháu trong gia đình.
HUỲNH NHỊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin