Miền Tây một thuở:
Bồ lúa nằm sâu ký ức

14:59, 01/04/2025

Bồ lúa gắn liền với ký ức của người miền Tây qua những vụ mùa, ví lúa vào bồ tích trữ để hết gạo lại chà lúa (xay xát) để dành ăn quanh năm, lúc kẹt tiền bán vài giạ xoay xở hay ví để chờ giá lên bán cất nhà, cưới vợ cho con. Bồ lúa còn là một góc ký ức ngọt ngào của lũ trẻ nơi kẹt bồ lúa, nóc bồ lúa. 

 


Giờ những đứa trẻ đâu biết bồ lúa là gì khi những người lớn trong nhà ngồi nhắc đến. Đi tìm đỏ con mắt họa hoằn mới có một hai nhà ví lúa bằng bồ lúa. Chớ ngày trước hình như nhà nào cũng có ít nhất 1 đến 2, 3 bồ lúa. Nay nhà cô Ba còn giữ nguyên nét xưa, với chiếc bồ ví đầy lúa.


Bồ lúa được làm từ chiếc mê bồ. Không khó để mua được chiếc mê bồ, cứ bơi xuồng ra chợ mua là có ngay hay đến mùa lúa người ta rao bán ở bến sông, có tiền thì mua bằng tiền, không tiền thì đổi bằng lúa, một mê bồ đổi từ 8-12 táo lúa (2 táo bằng 1 giạ) tùy vào loại lớn nhỏ. 


Để tiết kiệm và độ bền kéo dài hơn, người ta làm mê bồ bằng tre gai, chặt ngâm vài hôm vớt lên chẻ nan, tre gai chắc hơn, bền hơn nhiều so với trúc vì trúc đan tấm mê bồ yếu hơn nên dễ bị thụng. 


Đầu tiên phải làm nan, đây cũng là công đoạn cực nhất. Với những đôi tay khéo léo vót ra những chiếc nan vừa cật (da) vừa ruột, độ dày vừa phải, vì cứng khó đan còn mỏng thì mê bồ yếu. Mê bồ không “chịu” “đời chắp vá”, nếu nan chắp nối thì chiếc mê bồ không sử dụng được lâu, không được chắc chắn. Với những người khéo tay làm ra những nan tre dài khoảng 1,6-1,8m. Còn bề dài mê bồ đan khoảng 12m, tha hồ ví lúa. Mỗi bồ chứa được đến vài trăm giạ lúa.


Khi mê bồ thực hiện xong thành một tấm hoàn chỉnh, công đoạn kế tiếp là trét những khe hở để lúa không lọt ra ngoài. Đa phần người dân dùng phân trâu trét một lớp bên trong lẫn bên ngoài mê bồ. Rồi đem phơi một đến hai nắng, khi tấm mê bồ khô, phân trâu không còn bóc mùi và có độ dẻo dai, bền chắc và mê bồ không bị con mối con mọt ăn. 


Kế tiếp, là đến công đoạn chân bồ. Người dân miền Tây sử dụng lá dừa nước chằm thành tấm lá dài đúng với độ dài của chiếc mê bồ. Cọng hom để chằm không phải là hom dừa nước vì cọng hom dừa nước rất cứng, phải làm bằng cọng hom trúc hoặc hom tre. Tấm lá được chằm hai nuộc lạt hoàn thành được nẹp lại thành hình tròn vừa với chiếc mê bồ. Đổ lớp trấu xuống để giữ lúa không bị mốc hư, dùng bao may lại thành tấm đệm lót để không lẫn lúa vào trấu. Chẻ trúc hoặc tre vót mỏng nẹp vào mê bồ cho chắc chắn không bị bung bể bụng.


Việc còn lại là xúc lúa đổ vào ví. Nếu lúa đổ vào tràn bồ thì cơi thêm tấm mê bồ. Có lúa vào thì khi này mới gọi là bồ lúa đây. Rất rạch ròi, đâu ra đâu chớ không đâu ra đó à nghen. Có những nhà bồ lúa đụng nóc thì khách nhìn thấy biết độ giàu của nhà đó vì lúa đầy bồ thì tiền đầy túi, biết ruộng đất cò bay thẳng cánh. 


Những mùa lúa trúng đậm được gọi là lúa trúng “bể bồ”. Việc chứa lúa bằng bồ không sợ chuột ăn, gà mổ, ẩm mốc… Nên ngày xưa người dân miền Tây rất hay trong cách trữ lúa để làm “việc lớn”, họ ví lúa để dành xây nhà mới, cưới vợ cho con,… từng mùa tích cóp dần bồ lúa cũng nở ra.


Còn nhớ lúc nhỏ mỗi lúc chơi trốn tìm chúng tôi hay leo lên bồ lúa trốn, leo lên nóc bồ lúa để lụm trứng gà vì những con gà mái lại hay tìm và làm ổ đẻ trên nóc bồ lúa hay những ngày nhà có đám, lũ nhóc chúng tôi lén lụm bánh thuẫn, bánh ít đem vào kẹt bồ lúa trốn ăn. 


Giờ nông dân bán lúa trực tiếp cho thương lái tại ruộng, còn số ít thì trữ bằng bao, bồ lúa dần đi vào quên lãng. Những người hoài niệm họ mua chiếc mê bồ nho nhỏ về làm bồ đổ lúa hoặc trấu vào để nhớ một thời “lúa trúng bể bồ”. Cô Ba chỉ tay vào chiếc bồ lúa cho biết, chiếc mê bồ này má cô mua cách đây hơn bốn mươi năm rồi, lúc đó đổi bằng 7 giạ lúa. “Giờ ở trong xóm còn có nhà tôi là ví lúa bằng bồ thôi”.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG 
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh