Giỗ Tổ Hùng Vương- Tự hào nguồn cội

19:46, 09/04/2025

Từ lịch sử xa xưa, dân tộc Việt Nam ta đã có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hướng về nguồn cội. Đó là một giá trị văn hóa vững bền được trao truyền qua các thế hệ. Trong trái tim mỗi người Việt Nam, ngày mùng 10 tháng 3 âl- Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là một cột mốc linh thiêng hướng về nguồn cội và tự hào dân tộc. 

Dâng lễ vật, sản vật của địa phương thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ bậc tiền nhân.
Dâng lễ vật, sản vật của địa phương thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ bậc tiền nhân.

Sức mạnh cội nguồn

Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách đây hàng ngàn năm, ông cha ta đã kiên cường, dũng cảm gây dựng nên bờ cõi, non sông đất nước, lập nên một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Các Vua Hùng từ đời này qua đời khác, đã xây dựng nên nước Văn Lang với nền văn minh lúa nước, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân. 

Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, tất cả người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước. Với ý nghĩa và giá trị độc đáo, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012.

Kể từ năm 2008 đến nay, tại Nhà Xưa Bảo tàng Vĩnh Long, chúng ta đã an vị nơi thờ tự dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, tạo điều kiện cho Nhân dân tỉnh nhà được trực tiếp ngưỡng vọng anh linh Quốc Tổ, tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân. Đây là một phần đời sống tinh thần và tâm linh của người dân Vĩnh Long hướng về cội nguồn dân tộc. Việc tri ân công đức các Vua Hùng đã trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài, là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng sâu sắc.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Trong giờ phút đầy thiêng liêng, xúc động hướng về cội nguồn dân tộc, bằng tấm lòng thành kính tưởng nhớ tri ân công đức tổ tiên, những người con đất Vĩnh Long tụ hội về tưởng niệm các Vua Hùng, dâng lên tổ tiên những vật phẩm đặc sắc của quê hương. Cùng thắp nén hương lên bàn thờ Tổ, nơi thờ tự các bậc tiền nhân có công dựng nước với tấm lòng thành kính tri ân và tự hứa với bản thân mình sống có trách nhiệm với đất nước, quê hương. 

Hành động thiết thực tri ân công đức tổ tiên

Tại Bảo tàng tỉnh, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay được tổ chức trang trọng, kết hợp hài hòa phần lễ và các hoạt động văn hóa- văn nghệ, vừa tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng, hướng về cội nguồn dân tộc, vừa phục vụ nhu cầu giải trí của Nhân dân; kết hợp được những nội dung truyền thống với hiện đại, có tính giáo dục và thẩm mỹ cao.

Cô giáo Võ Lê Hoàng Phương cùng các em học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Vĩnh Long) đến Bảo tàng dâng hương Quốc Tổ và xem triển lãm chuyên đề “Thời kỳ Hùng Vương qua tư liệu hình ảnh” với trên 100 tư liệu, hình ảnh; xem trình diễn múa rối nước và cùng tham gia chương trình giáo dục tìm hiểu về “Thời kỳ Hùng Vương qua tư liệu hình ảnh”.

Cô Hoàng Phương xúc động: “Qua nhiều hoạt động thú vị, các em học sinh háo hức tìm hiểu truyền thống lịch sử. Các em tâm sự, đây là buổi học ngoại khóa mà các em rất thích vì được tiếp xúc, tìm hiểu và cảm nhận những giá trị lịch sử của dân tộc một cách tự nhiên và sinh động. Qua những hoạt động, các em dần hiểu và thêm yêu, thêm tự hào dân tộc”. 

Em Võ Quốc Huy- Lớp 9/3 Trường THCS Lương Thế Vinh, chia sẻ: “Lần đầu tiên trong đời em mới được xem múa rối nước, quá thú vị. Qua chương trình tìm hiểu kiến thức, em được khắc sâu hơn những trang sử hào hùng của dân tộc. Từ đây em cảm thấy biết ơn thế hệ ông cha đi trước và nỗ lực hơn nữa học tập cho thật tốt”.

Theo ông Lê Hoàng Nam- quyền Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến du lịch Vĩnh Long, lễ giỗ hàng năm tổ chức dâng hương, dâng lễ vật tri ân các Vua Hùng. Lần đầu tiên có hoạt động múa rối nước với câu chuyện ca ngợi công đức của các Vua Hùng, truyền thống cách mạng. Qua các hoạt động giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ghi nhớ công đức của các Vua Hùng, mở ra một miền ký ức hào hùng, nơi người trẻ có thể cảm nhận được lòng tự hào, sự biết ơn và trách nhiệm gìn giữ những gì cha ông để lại, cùng góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. 

Tổ chức múa rối nước với câu chuyện ca ngợi công đức của các Vua Hùng, truyền thống cách mạng.
Tổ chức múa rối nước với câu chuyện ca ngợi công đức của các Vua Hùng, truyền thống cách mạng.

Khắc ghi và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Vĩnh Long ngày càng vững tin trong quá trình hội nhập, xây dựng kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát triển. 

Mãi mãi hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên, cha ông đã dựng xây nên đất nước này để nhân lên trong mỗi người chúng ta tình yêu, sự kiên trung và sức mạnh vì sự vững bền và cường thịnh của Tổ quốc ta, hôm nay và mai sau.

Trong bài văn khấn các Vua Hùng, ông Lê Hoàng Nam nhấn mạnh quyết tâm: “Chúng con tỉnh Vĩnh Long: Nhớ lại tổ tông. Các dân tộc hướng về nguồn cội… Chúng con nguyện: Cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sáng muôn đời Hồng Lạc tinh hoa. Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế!”.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- PHƯƠNG THƯ
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh