Hải trình hơn 50 hải lý từ Cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) kéo dài gần 2 giờ 30 phút, con tàu rẽ sóng chở 50 người tù kháng chiến và thân nhân gia đình liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long đến với huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) vào những ngày cuối tháng 3. Trở lại nơi “địa ngục trần gian” năm xưa, làm sống dậy những ký ức bi hùng và đong đầy niềm vui về ngày mới tươi đẹp của Tổ quốc.
![]() |
Đoàn Hội Người tù kháng chiến tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Hàng Keo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). |
Đoàn khách “đặc biệt”
Trong những ngày tháng lịch sử năm ấy, Côn Đảo được xem là “địa ngục trần gian”; là nơi tôi luyện chất thép của những người chiến sĩ cách mạng. Ngày nay, trên vùng đất thiêng Côn Đảo, di tích Nghĩa trang Hàng Dương với 1.992 ngôi mộ, chỉ có 714 phần mộ có lưu rõ danh tính, quê quán. Đền thờ Côn Đảo ghi danh 2.284 liệt sĩ lên bia đá; là nghĩa cử của những người con Việt Nam dâng lên các bậc tiền nhân.
Và trên mảnh đất thiêng liêng này, có biết bao đồng đội, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước đã vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà vĩnh viễn nằm xuống. Trong đó, có nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Năm và nhiều liệt sĩ quê ở Vĩnh Long. Xương máu của những người tù yêu nước, trong đó có những người con của quê hương Vĩnh Long, đã thấm đẫm trên từng tấc đất Côn Đảo.
Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam (30/4); giải phóng Côn Đảo (1/5), Hội Người tù kháng chiến tỉnh đã tổ chức đưa đoàn cựu tù, thân nhân gia đình liệt sĩ bị địch bắt tù đày về lại Côn Đảo. Đoàn khách có phần “đặc biệt” này đến thăm lại Côn Đảo không vì du lịch, mà để thăm lại những chứng tích ghi dấu tháng ngày bi hùng, để cựu tù về lại nơi họ từng “thi gan” với kẻ thù, tranh đấu vượt qua nỗi đau thể xác và để thế hệ trẻ thêm hiểu rõ giá trị của nền độc lập, tự do.
![]() |
Chú Trần Văn Xậm (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) chia sẻ với vợ về chứng tích lịch sử tại Bảo tàng Côn Đảo. |
Là lần thứ 3 chú Trần Văn Xậm (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) trở lại thăm Côn Đảo nhưng lần này có phần đặc biệt hơn khi là lần đầu tiên chú về thăm lại “địa ngục trần gian” cùng với vợ của mình. Đứng bên cạnh bức tranh tái hiện cảnh khổ sai của các đồng đội năm xưa trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo, chú Xậm chia sẻ: “Mỗi lần ra thăm lại chiến trường xưa là tôi lại nhớ đồng đội vô cùng. Những lần trước về thăm lại nơi đây, tôi ám ảnh mãi tội ác của địch mà không ngủ được”.
Gần 50 năm kể từ ngày giải phóng Nhà tù Côn Đảo, đất nước đổi thay, ngày càng phát triển, chú Xậm cùng vợ bồi hồi nhìn lại những ký ức bi hùng năm xưa để vững niềm tin hướng về thời đại mới.
Trong lần trở lại Côn Đảo đầy cảm xúc này, các cựu tù năm xưa, thân nhân liệt sĩ đã đến Nghĩa trang Hàng Keo, Nghĩa trang Hàng Dương thắp nén nhang và gửi lời tri ân những đồng đội đã nằm xuống trong những năm tháng hào hùng ấy. Rồi họ cùng nhau quay về chính nơi mình bị giam cầm, tra tấn ngày xưa để ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt ở Bảo tàng Côn Đảo, Trại Phú Tường, chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ…
![]() |
Lặng dòng cảm xúc khi các cựu tù về thăm lại chuồng cọp kiểu Pháp tại Trại Phú Tường. |
Lời nhắn nhủ thế hệ mai sau
Trong suốt 113 năm, Côn Đảo đã từng nên danh là “Địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 50 năm sau ngày đất nước giành được độc lập, Côn Đảo hôm nay là khúc ca hòa quyện giữa tinh thần bất khuất, kiên trung, gan góc của những chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước; của tình đồng chí, đồng đội chốn lao tù và của khát vọng dựng xây vì một Côn Đảo tươi đẹp hôm nay.
Lặng mình tại Nghĩa trang Hàng Keo- nơi có khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại tại Nhà tù Côn Đảo từ đầu thế kỷ XX cho đến giai đoạn khủng bố trắng 1940-1941; chú Lê Hoàng Dân (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) cho hay lần này trở lại thăm Côn Đảo là đã 60 năm kể từ ngày chú bị địch bắt tù đày.
“Hồi bị bắt năm 19 tuổi là tôi đang đánh trận Quang Diệu (huyện Vũng Liêm). Khi bị địch bắt hỏi thì tôi nói tôi tòng quân đi theo cách mạng. Những ngày ở tù gian khổ, tôi được gặp anh em, được học tập đường lối, cùng nằm gai nếm mật để biểu tình. Trở lại thấy Côn Đảo thay đổi nhiều, tôi nhớ những đồng đội ngày xưa lắm và vui khi đất nước mình ngày càng vươn lên. Mong lớp trẻ sẽ ngày càng phát triển”- chú Hoàng Dân xúc động nói.
Về Côn Đảo thêm yêu Tổ quốc, chị Lê Ngọc Hương (TP Vĩnh Long) không kìm được nước mắt khi xem các chứng tích lịch sử nơi khu di tích quốc gia đặc biệt này; thêm khâm phục ý chí sắt đá, tinh thần kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạnh bị địch bắt tù đày; đọng lại sự biết ơn vô bờ bến đối với các thế hệ cha ông.
“Các cô chú cựu tù đã vượt qua được các hình thức tra tấn dã man của địa ngục trần gian. Thật lòng biết ơn khi thế hệ trẻ hôm nay được sống trong nền độc lập dân tộc. Tin rằng thế hệ trẻ luôn biết ơn sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông để tiếp nối, giữ gìn, phát triển đất nước mình ngày càng tốt đẹp hơn”- chị Ngọc Hương chia sẻ.
![]() |
Xúc động hình ảnh dò tìm tên từng đồng đội đã nằm xuống trong chiến tranh trên danh sách liệt sĩ lưu dấu tại Đền thờ Côn Đảo. |
Ông Phan Thanh Hiệp- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người tù kháng chiến tỉnh, cho biết: “Chuyến đi về thăm Côn Đảo lần này là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, thể hiện sự nỗ lực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, hội viên hội người tù kháng chiến các cấp trong tỉnh”.
Đắm mình trong hương vị nồng nàn của biển xanh Côn Đảo, trong những cơn gió lồng lộng thổi tràn ký ức hào hùng của các cô chú cựu tù yêu nước, hiểu thêm về truyền thống đấu tranh kiên trung, bất khuất, giàu lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, xin được tỏ lòng biết ơn đối với những hy sinh của các thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Bài, ảnh: TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin