Quê tôi- một vùng đất yên bình, nơi những lò gạch gốm đỏ rực như trái tim của làng quê. |
Quê tôi- một vùng đất yên bình nằm bên dòng sông Cổ Chiên, nơi những lò gạch gốm đỏ rực như trái tim của làng quê, ngày đêm thả từng làn khói lững lờ tạo nên một bức tranh sống động mà ai đi xa cũng nhớ mãi. Đó là làng gạch gốm Mang Thít- nơi tuổi thơ tôi in hằn trong từng viên gạch, những chậu gốm, từng nhịp sống mộc mạc của người dân quê.
Ngày đó- những ngày hè, khi ánh nắng tràn ngập khắp đồng, tôi thường theo chân nội ra lò gạch. Mùi đất sét “hắt ngai ngái”, mùi khói nồng từ những lò nung đỏ lửa, và cả tiếng lách cách của máy cắt gạch, tiếng cười nói rôm rả của người nặn khuôn làm gốm- tất cả hòa quyện, tạo nên một không gian thân thuộc mà tôi chẳng bao giờ quên. Nội thường nói “nghề làm gạch gốm ở đây đã có từ lâu lắm, mỗi viên gạch được nắn từ bàn tay khéo léo của người thợ, thấm đẫm mồ hôi và tình yêu quê hương…”.
Tuổi thơ tôi gắn liền với những ụn đất sét chất cao. Lũ trẻ trong xóm thường rủ nhau nhào nặn, tạo hình đủ thứ từ đất sét- nào là con trâu, con thuyền, hay cả những ngôi nhà nhỏ xinh, rồi mấy con “xe hơi sang chảnh”... Chúng tôi cười đùa dưới ánh mặt trời, bàn tay lem nhem đất nhưng trái tim thì vui sướng lạ thường.
Có những buổi chiều, tôi hay ngồi bên bờ sông, ngắm nhìn dòng nước trôi lững lờ, những chiếc ghe chở đầy gạch lặng lẽ xuôi dòng. Dòng sông như người bạn tri kỷ, chứng kiến bao thăng trầm của nghề, bao nụ cười và cả những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán người thợ.
Ngày đó, tôi nhớ như in khung cảnh làng nghề lúc nào cũng tấp nập “trên xe dưới ghe”, diễn tả một thời hoàng kim của làng nghề. Lúc đó, có nhiều “đại gia”gạch gốm nổi lên như một hiện tượng làm kinh tế trong thời đại mới, phát triển không ngừng. Viễn cảnh cảm nhận như làng gạch gốm quê tôi đã trở thành một khu kinh tế phát triển không ngừng…
Ngày nay, mỗi lần nhớ quê, tôi lại nhớ đến hình ảnh những lò gạch thân thuộc, những con người chân chất cần mẫn với nghề. Làng gạch gốm Mang Thít không chỉ là nơi nuôi lớn tôi, mà còn là nơi tôi học được bài học về sự chăm chỉ, kiên nhẫn và lòng yêu thương quê hương. Mang Thít- miền đất của gạch gốm và kỷ niệm- mãi mãi là mảnh ghép đẹp đẽ trong trái tim tôi, nơi mà mỗi lần nghĩ về, lòng tôi lại ấm áp và rạo rực như ngọn lửa cháy sáng trong lò nung ngày ấy.
…
Giờ đây- Mang Thít- không chỉ là nơi tôi lớn lên, mà còn là nơi mang trong mình một nét đẹp riêng, một dấu ấn khó phai của nghề gạch gốm truyền thống. Đó là những lò gạch đỏ rực lửa, những viên gạch vuông vức, những sản phẩm gốm đỏ đa dạng được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ, mà còn là cả niềm tự hào của quê hương tôi.
Người dân quê tôi vẫn thường nói, đất sét Mang Thít là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Đất ở đây dẻo, mịn, mang một màu nâu đỏ đặc trưng, là nguyên liệu chính để tạo nên những sản phẩm gạch gốm bền chắc và đẹp mắt. Từ những viên gạch xây dựng đến các sản phẩm gốm nghệ thuật, tất cả đều phản ánh sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh thần yêu nghề của người dân.
Người dân Mang Thít không chỉ làm ra những sản phẩm để mưu sinh mà còn làm ra cả niềm tự hào. Nghề gạch gốm đã trở thành một biểu tượng, một di sản của quê hương. Đi xa đến đâu, chỉ cần nhìn thấy một viên gạch mang màu đất đỏ ấy, lòng tôi lại rộn ràng nhớ về quê nhà- nơi những lò gạch vẫn ngày đêm đỏ lửa, nơi những con người vẫn miệt mài lao động để giữ gìn một nghề truyền thống đang dần mai một.
Niềm tự hào ấy không chỉ đến từ giá trị vật chất mà nghề gạch gốm mang lại, mà còn từ giá trị văn hóa, giá trị tinh thần mà nghề đã vun đắp qua bao thế hệ. Đó là sự kiên trì, bền bỉ của người thợ, là tình yêu quê hương, và là nỗ lực không ngừng để giữ gìn và phát triển một nghề truyền thống giữa dòng chảy hiện đại hóa.
Càng tự hào hơn, khi tại lễ khai mạc “Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã khẳng định: Đây là bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đổi mới sáng tạo của Vĩnh Long. Phó Thủ tướng cũng kỳ vọng thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn, sẽ vươn xa ra thế giới.
Những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời nơi đây không những tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng ĐBSCL, là đặc trưng văn hóa của vùng chúng ta mà còn là địa chỉ hấp dẫn du khách lu lịch muôn phương…
Dịp này, UBND tỉnh cũng đã công bố Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Đồ án nhằm thực hiện hóa chủ trương xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển di sản làng nghề gạch, gốm Mang Thít đã có lịch sử truyền thống hơn 100 năm qua. Đây cũng là cơ sở đưa làng gạch, gốm đỏ Mang Thít trở thành di sản văn hóa đương đại trong tương lai.
…
Mang Thít- làng gạch gốm quê tôi- là niềm tự hào mà tôi luôn mang theo trong tim. Đó là nơi tôi đã sống, đã yêu, và đã học cách trân trọng những giá trị giản dị nhưng vô cùng quý giá của quê hương… Để giờ đây, tôi có thể tự hào cho bản thân mình về quê hương gạch gốm đỏ Mang Thít- từ miền tuổi thơ đến niềm tự hào di sản!
Những sản phẩm gốm đỏ phải trải qua quá trình sản xuất thủ công, tỉ mỉ của người thợ lành nghề. |
Làng gạch gốm quê tôi
Bên dòng Cổ Chiên nước lững lờ
Quê tôi đỏ thắm tự bao giờ
Làng gạch ngút khói chiều bảng lảng
Đất sét ngàn năm hóa ước mơ
Nắng trưa hắt bóng nung đỏ lửa
Người thợ cần cù đổ mồ hôi
Viên gạch vuông, dài in hình đất
In dấu bàn tay, đượm tình người
Tuổi thơ…
Ghe chở gạch xuôi theo dòng chảy
Chở cả niềm tin lẫn tự hào
Dòng Thầy Cai tưới mát làng quê nhỏ
Như dòng sữa mẹ hiền nuôi lớn đàn con
Mang Thít quê tôi, nơi miền đất hứa
Đất hóa gạch đỏ, đất thành gốm hoa
Đời cho ta một kiếp người nung lửa
Đất hóa yêu thương, vụt sáng những mái nhà !!!
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin