Chuyện về một ngôi đình

15:35, 09/02/2025
Đường vào đình Rắn. Ảnh: TL
Đường vào đình Rắn. Ảnh: TL

Theo quan niệm người xưa thì rắn là biểu tượng của sự toan tính, mưu mẹo và xảo quyệt. Rắn cũng là loài vật cực kỳ nguy hiểm bởi nọc độc của một số loài rắn có thể làm tổn thương hoặc gây chết người. Rắn vừa có khả năng sống trên cạn, trên cây lẫn dưới nước nên chúng có thể được bắt gặp ở nhiều nơi từ rừng sâu, núi cao, vườn ruộng đến trong nhà...


Vào năm 1993, có một ngôi đình làng ở vùng ĐBSCL mang tên loài động vật bò sát này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-TT-DL) quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đó là đình Rắn ở ấp Định Nhơn, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.


Xung quanh ngôi đình hơn 150 năm tuổi này là những câu chuyện vừa mang tính lịch sử vừa mang màu sắc tâm linh, huyền bí. Câu chuyện truyền miệng kể rằng vào những năm đầu thế kỷ XVIII, khi những lưu dân từ đàng ngoài đi ghe bầu vào phương Nam mưu sinh lập nghiệp, họ đã bỏ nhiều công sức khai phá vùng đất hoang vu dọc bên bờ sông Cửu Long còn lắm thú dữ như cọp, beo, cá sấu, rắn độc...

Khi lưu dân bắt tay vào khai phá đất hoang, họ thường bắt gặp một cặp rắn to bằng cái khạp da bò, dài hơn chục thước, thoát ẩn thoát hiện, tuy nhiên rắn không tấn công người mà ăn thịt những con ác thú như hùm beo và độ hộ cho dân làng. Sau đó bà con dựng lên một ngôi đình nhỏ trên gò đất cao để thờ “thần Rắn”. Kể từ khi ngôi đình được dựng, không biết từ đâu, các loài rắn lớn nhỏ lũ lượt kéo về trú ngụ, sinh sản dưới nền đình thành ổ.


Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, nhưng đế quốc Mỹ và tay sai chẳng những không thực thi hiệp định mà còn thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Với “Luật 10/59” chúng đã tiến hành đàn áp, khủng bố Nhân dân, giết hại những người yêu nước, đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng.

Có thể nói, đây là giai đoạn máu và nước mắt; địch cho xây dựng các khu trù mật để gom dân, đóng đồn bót ở khắp các địa bàn. Đồng thời, liên tục đánh phá cơ sở cách mạng, bắn giết, bắt bớ, giam cầm, những người kháng chiến và đồng bào ta.
Nhân dân sống trong cảnh máu và nước mắt, tang tóc, đau thương không sao kể siết.

Lòng căm thù giặc sôi trào, dồn nén trong lòng mọi người. Để chuyển tình thế cách mạng miền Nam trước tình hình đen tối, BCH Trung ương Đảng (khóa II) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích những đặc điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”.


Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 15 của Trung ương, vận dụng vào tình hình thực tế ở Bến Tre, cán bộ và lực lượng vũ trang tỉnh tăng cường hoạt động. Đình Rắn là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc họp của cán bộ ta. Lúc này trong dân râm ran tin đồn: Cặp “rắn thần” ngày xưa đã trở về đình!

Nhiều người quả quyết đã trông thấy cặp rắn này. Rắn đi rạp lúa, thành lằn lớn, dài cả cây số! Sự thật, sau này có người cho biết đó là vết đẩy xuồng của bộ đội ta! Câu chuyện “rắn thần” đã trở về ở đình làng Định Thủy nhằm mục đích hù dọa những người nhát gan, tránh những cặp mắt tò mò để họ không dám bén mảng vào địa điểm cán bộ cách mạng ẩn náu hoạt động.


Tin “Việt cộng” về hoạt động trong khu vực đình Rắn rồi cũng đến tay các đơn vị lính Việt Nam Cộng hòa. Đầu năm 1960, qua mật báo, lính Việt Nam Cộng hòa nắm được tin nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh Bến Tre, trong đó có bà Nguyễn Thị Định về đình Rắn họp (đó là một buổi họp do Tỉnh ủy triệu tập bàn triển khai kế hoạch Đồng Khởi dự kiến diễn ra tại 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, huyện Mỏ Cày). Địch liền ra lệnh cho một đại đội lính Bảo an bí mật tiến vào đình Rắn bắt “Việt cộng”.

Nhưng khi toán lính lần mò đến gần ngôi đình bỗng một tên lính phát hiện có rắn bò lổn nhổn trước mặt. Hoảng sợ, y ném lựu đạn vào đám rắn. Tuy nhiên lựu đạn dội ngược trở lại nổ vào đội hình, làm một số chết và bị thương, cộng với việc bị bộ đội và du kích bắn tỉa nên cả đại đội Bảo an phải tháo chạy tán loạn.

 


Sau này, mỗi khi bọn lính bén mảng đến khu vực đình là quân ta sử dụng các loại hầm chông, bẫy gài, phục kích bắn tỉa để đối phó. Còn binh lính địch mỗi khi nhận lệnh đi càn vào đây tâm lý càng hoang mang lo sợ, vì thỉnh thoảng thấy rắn xuất hiện dưới chân, sợ quá bỏ chạy rồi vướng lựu đạn gài, bị sập hầm chông, bị bắn tỉa, thậm chí có tên còn bị rắn độc cắn…

Nhiều lần như vậy, chúng đâm ra tin rằng trong ngôi đình huyền bí kia có “rắn thần” thật sự. Quân địch trở nên e dè, né tránh mỗi khi buộc phải hành quân qua chốn này. Không dám tiến vào, chúng đã cho máy bay dội bom, bắn pháo nhiều lần hòng hủy diệt ngôi đình.


Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người cao niên ở đây bắt tay tôn tạo, dựng lại ngôi đình bằng cây lá đơn sơ để thờ cúng theo tập tục địa phương. Năm 1993, đình Rắn- “Địa chỉ đỏ” từng phục vụ cách mạng trong kháng chiến được tỉnh Bến Tre lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 
Ngày nay, đình Rắn đã được chính quyền địa phương cho xây dựng lại to đẹp khang trang hơn trên nền đất cũ, nhưng vẫn theo lối kiến trúc cổ đình làng Nam Bộ.

Vào các ngày 14, 15, 16 tháng 5 âl hàng năm, nơi đây tổ chức lễ cúng đình, thu hút nhiều du khách gần xa về đây chiêm bái, tham quan đình Rắn- một ngôi đình với tên gọi độc đáo ở vùng ĐBSCL, kèm theo những câu chuyện vừa mang tính lịch sử, truyền thống cách mạng vừa có yếu tố tâm linh, huyền bí. Những câu chuyện dù thể hiện ở khía cạnh nào cũng đều góp phần ca ngợi công lao của ông cha từ những ngày đi mở cõi, cùng sự tài tình, khéo léo của quân dân ta trong cuộc chiến tranh nhân dân, đánh đuổi kẻ thù giải phóng quê hương.

ANH TIẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh