Bánh trái quê nhà sau nghe thân thương, gắn bó với người dân quê bao đời trong dòng chảy của cuộc sống. Văn hóa bánh trái với sự vô tận của đời sống con người, đâu dễ gì quên được những miếng bánh men, bánh thuẫn, bánh tét… với kỷ niệm, tình yêu gắn bó một thuở.
Những chiếc bánh men trắng tròn nóng hôi hổi, được lấy ra từ vỉ bánh. Cắn vào giòn ngọt và béo nước cốt dừa. |
Tết đến, gia đình tôi lại đem những khuôn bánh, vỉ bánh ra chà chà phơi khô để nướng bánh. Vì khuôn bánh đã bám bụi theo thời gian, lâu lâu Tết nhứt, giỗ chạp mới đem ra nướng. Những loại bánh trái quê nhà đã gắn bó bao đời với gia đình tôi. Từ đời bà cụ truyền cho nội, rồi nội truyền cho các con, giờ đến thế hệ chúng tôi.
Những đứa trẻ giờ không mê những thứ bánh trái quê nhà này nữa. Chúng thích ăn những loại bánh hamburger, bánh snack… Chỉ có những người gắn bó tuổi thơ bên diệm bột, bên cối xay bột mới thích ăn và nghe ngon ơi là ngon, ngon nhức cả một vùng ký ức xưa.
Nhớ những ngày bên bà làm bánh bán. Với những ngày châm dầu lửa để mồi lửa chiếc lò xô 16 tim nướng bánh men. Thích nhất lúc nướng bánh, trong chiếc thùng thiếc nhìn qua cửa kiếng, những cục bột đều tăm tắp trong khuôn đang nổi phồng lên. Những chiếc bánh men trắng tròn nóng hôi hổi, được lấy ra từ vỉ bánh. Cắn vào giòn ngọt và béo nước cốt dừa.
Lang thang trong miền nhớ, cái hồi đi giỗ bằng quả thiếc. Mỗi khi trong xóm có đám giỗ là nội làm bánh bán không ngơi tay. Mới lấy cái diệm đánh bánh tàng ong. Những chiếc bánh tàng ong cắt ra thành hình trái tim cắn giòn rụm. Lại tiếp đó, nội ngồi bên chiếc diệm đánh trứng bộc bộc từng mẻ bánh thuẫn.
Cái nồi gang nóng bởi than hồng, với những chiếc bánh thuẫn nở tay đều đẹp mắt. Cái bánh đậu vo tròn, gắn hạt đậu phộng rang trên đó với một nghệ thuật của đứa trẻ của chúng tôi ngày ấy. Gắn hạt đậu phộng sau cho cái bánh vừa nứt nhẹ nướng cái bánh mới đẹp à nghen. Nhẹ tay thì bánh còn nguyên không nứt, lỡ tay đè mạnh một tí xem như là bỏ công vò bột lại cho tròn rồi gắn đậu lại. Mới đó, nội lại quay sang nạo dừa làm nhưn, nhồi bột cán bánh quai vạc.
Bột dẻo ai mới học cán là cán phồng rộp cả tay chứ chơi đâu. Nội lấy miếng lá chuối đã được lau sạch, đặt cụt bột lên lá chuối, dùng ống tầm vông nhỏ gọn, bóng loáng cán thành lớp mỏng. Nội đặt nhưn lên và ốp lại, dùng bánh xe răng cưa cắt nên rìa bánh rất đẹp. Nướng bánh ngon là bột phải nhiều lớp, giòn và nhưn thơm ngon của dừa và đậu xanh.
Nội đã làm bánh bán hơn sáu mươi năm, ngày trước nội làm rất nhiều loại bánh, nào là bánh bông bần, bánh thuẫn, bánh gai, bánh bông lan, bánh tàng ong… Nội sắm vài chục cái quả thiếc, quả giấy để cho người ta mượn đi đám tiệc, giỗ quải. Chỉ còn lại trong trí nhớ với những chiếc bánh được sắp đẹp mắt trong chiếc quả, được mở nắp đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Giờ những chiếc quả được thay bằng bao thư, thùng bia, thùng nước ngọt… cho tiện nên phong tục đi quả đã dần mai một.
Giờ lâu lâu chúng tôi lấy chiếc diệm, cây đánh trứng đánh những mẻ bánh tàng ong. Chẳng biết nhớ tiếng đánh bánh “bộc bộc” phát ra từ chiếc diệm đã gắn bó một thời thơ hay nhớ nội. Tết, gia đình tôi năm nào cũng làm vài loại bánh trước để cúng ông bà, để biếu bà con và để con cháu về có cái mà ăn.
Hai mươi mấy Tết là lụi hụi nhồi bột, đánh trứng nướng. Rồi gia đình xúm xít gói bánh tét. Người lựa đậu, người lau lá, người rút nếp,… Giờ mấy đứa nhỏ có mấy đứa biết làm bánh đâu. Rọc lá, phơi lá còn chưa biết nói đến chi buộc bánh, gói bánh tét. Làm bánh để có giây phút lang thang trong những vùng thương nhớ của một thuở bánh trái quê nhà
.
Nhưng không ai làm ngon như nội vì nội xem từ tim bột lên chưa để đổ bánh bò có rễ mới ngon, đổ bánh thuẫn phải có tay, bánh tét phải dẻo nếp nhừ đậu… nội chăm chút từng cục than, cây củi. Ngày thường, cuối tuần thì gia đình tôi làm bánh bò, bánh nắn lá, bánh chuối, bánh lá dừa, bánh canh…
Người bảo, “Giờ ra chợ mua là có làm chi cho cực thân, cho mất thời gian”. Nhưng gia đình tôi muốn làm vì cực mà vui, và cắn chiếc bánh ngọt cả vùng ký ức. Cô tôi cười hiền đáp, “Nghề của má truyền lại, làm trước cúng ông bà, cúng má, sau con cháu về có cái mà ăn”.
Đổ mồ hôi bên những bếp than hồng để làm ra những chiếc bánh là một kỳ công, là niềm vui trong sự cực. Dù cực nhưng vẫn nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những bàn tay khéo léo đã làm ra những chiếc bánh thơm ngon, bàn tay nhăn nhúm truyền lại cho bàn tay khéo léo non tơ. Đúng vậy, không truyền sau được vì đó là cả một nền văn hóa quê nhà.
Ở phố, đôi lúc đi tìm những chiếc bánh dân gian ăn xem có giống vị miền Tây quê mình. Cắn cái bánh đúng vị để thấy mình vẫn là người miền quê chân chất, người quê mùa… miền Tây. Vẫn như ngày nào tở mở khi được bà, được mẹ tặng cái bánh cam, bánh còng. Bánh trái từ xa xưa đã làm nên nét ẩm thực riêng của người dân miền Tây một thuở. Cái thuở ở miệt vườn sông nước, bà hay mẹ đi chợ về là phải có bánh trái trong giỏ, thứ quà vặt quê cho lũ trẻ mỗi buổi chợ tan.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin