(VLO) Như dòng sông nhẫn nại chuyên chở phù sa bồi đắp bãi bờ, những người tự nhận mình nặng tình với đất luôn tìm cách giữ lửa lò liên tục cháy. Nhưng yêu thôi chưa đủ, trước nhiều sức ép của thời đại, họ cần hành động mạnh mẽ để tìm hướng đi mới cho sản phẩm làng nghề, đồng thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất sét đang cạn dần.
Ông Tư Buôi giới thiệu ngôi nhà gốm đặc trưng và độc đáo từ sản phẩm gốm đỏ. |
Nhịp điệu thường ngày trong xưởng gốm
Làng nghề sản xuất gốm hôm nay không còn nhộn nhịp, tấp nập như thời gian trước, nhưng tại các xưởng gốm vẫn tất bật khi mùa Halloween vừa qua lại đến mùa Noel, quay qua lo vụ sản xuất cuối năm.
Ngày nay máy móc đã thay thế nhân công ở một số công đoạn sản xuất, nhưng nhiều khâu đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ vẫn cần đôi tay của người thợ gốm lành nghề. Họ vì “mê nặn đất”, “ông chủ đối xử với công nhân rất tốt”… nên gắn bó không rời.
Trong không khí bận rộn tại xưởng sản xuất gốm của Công ty TNHH MTV Nam Hiệp Hưng, 10 lò nung liên hoàn đang hoạt động liên tục để kịp đáp ứng đơn hàng xuất khẩu gốm cuối năm.
Cô Lý Thị Lệ, 55 tuổi, bắt đầu công việc “xu” gốm từ 6 giờ 30 phút sáng đến 4 giờ chiều. Xu là một công đoạn người thợ dùng tay cắt gọt sản phẩm trước khi mang đi phơi nắng và đưa vào lò nung.
Gắn bó với xưởng này đã hơn 2 thập kỷ, xu các loại chậu với đủ kích cỡ, cô Lệ vừa “vuốt ve” mỗi cái chậu thật mịn màng, vừa nói: “Công đoạn này đa số là phụ nữ làm, bởi phụ nữ có sự nhẫn nại và khéo léo hơn cánh đàn ông. Trung bình mỗi ngày tôi xu được khoảng 60 cái chậu”.
Nghỉ trưa, cô Lệ và các chị em trong xưởng cùng nhau ăn cơm, nghỉ ngơi tại chỗ. “Xưởng trang bị cho mỗi hai người thợ một bếp ăn nhỏ. Bữa nay tôi nấu, mai chị kia nấu, thay phiên nhau đi chợ và trổ tài nấu ăn, vậy mà vui…” cô Lệ cười tươi, ánh mắt lấp lánh niềm vui giản dị.
Trong xưởng gốm có các khu: chế biến đất mê; sản xuất với các công đoạn in, ráp, xay, xu, phơi nắng, nung và khu thành phẩm.
Ông Trần Quốc Sơn- Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Hiệp Lợi 3, đưa chúng tôi tham quan xưởng sản xuất gốm tại chi nhánh xã An Phước (huyện Mang Thít), vừa đặc biệt giới thiệu tên tuổi, công việc từng người thợ ở công ty.
“Bây giờ kiếm thợ mới khó lắm. Nhiều sản phẩm, chẳng hạn kiểu chậu xí ngầu, đồ lớn, phải nhờ bàn tay người thợ giỏi mới ra thành phẩm.
Tôi trân quý người lao động gắn bó với mình, càng phải duy trì hoạt động với lượng hàng ổn định”- ông Sơn nói như tâm sự và giới thiệu chú Lưu Văn Tám (60 tuổi) là “thợ in tay, chuyên làm đồ khó và là… hàng hiếm” của doanh nghiệp.
Chú Tám đang bận tay đo ni, cắt đất vừa vặn in vào khuôn chậu, bảo: “Tui làm thợ in hơn 30 năm. Nghề này phải mê đất lắm, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng mới được. Tùy vào kích cỡ chậu lớn, nhỏ mà ra đất cho vừa. Chậu nhỏ mà cắt đất dày, vào khuôn in dễ bị xà mâu, qua khâu người xu làm rất cực. Ngày trước thợ in làm tiền lắm.
Thợ in tiền công gấp mấy lần lao động công nhật, có thể mua đôi ba chỉ vàng một tháng. Tui đeo nghề vì đam mê, còn do chủ lò đối xử công nhân tốt, hiểu người thợ. Chủ làm nhà trọ cho ở. Tháng nào làm lãnh lương nhiều chủ mừng, lương yếu chủ lo cho mình”…
Công đoạn xu gốm thường do phụ nữ đảm nhận. |
Trong không gian xưởng gốm, nhịp điệu làm việc cứ đều đều. Chiếc điện thoại phát ra câu vọng cổ, trích đoạn cải lương ngọt ngào, da diết. “Nghe riết cũng hát lõm bõm theo được vài khúc”- anh Chín Hoàng cũng là thợ in, vừa quệt mồ hôi trên trán vừa cười hồn hậu.
Bên trong xưởng sản xuất này, không thiếu hình ảnh những cặp vợ chồng cùng làm nghề, có người bồng theo cả con nhỏ. Trong tiếng “ru” êm ái từ lời ca vọng cổ phát ra từ chiếc điện thoại của ba, tiếng bàn gỗ xoay chậu re re của má, đứa trẻ nhỏ thiếp đi giữa giấc mộng trưa.
Đang thoăn thoắt đôi bàn tay trên chiếc bàn xoay, chị Mai Tư An, một người thợ làm gốm lâu năm, chia sẻ: “Thường thì công đoạn in và xu chậu được chủ trả chung, nên vợ chồng bắt cặp làm cùng nhau. Ai là người dưng thì chia tiền, chứ chồng tui làm thì tiền về túi tui hết”- chị Tư An bẽn lẽn cười.
Công việc không bó buộc thời gian, làm ăn sản phẩm nên làm nhiều thì ăn nhiều, ít ăn ít. Những người thợ luôn tìm được niềm vui từ những điều bình dị, dễ thương…
Cứ thế, ngày này qua ngày khác, lời ca vọng cổ, âm thanh xoay chậu, tiếng nói cười pha lẫn mùi đất tạo nên nhịp sống đặc trưng. Những con người cần cù, gắn bó với nghề gốm đã viết tiếp câu chuyện đầy sức sống của làng nghề, nơi mỗi viên gạch, mỗi chiếc chậu đều chất chứa tâm huyết và mồ hôi của bao thế hệ.
Người “đổi đời” cho gốm đất đỏ
Trong hành trình ký sự, chúng tôi dường như lạc vào một thế giới khác lạ bên những câu chuyện chừng đã xưa cũ nhưng vẫn hiện hữu sống động đến hôm nay. “Vương quốc” gạch, gốm đỏ đã và đang có những con người đương đại đầy khát vọng vực dậy làng nghề, mang tới cho sản phẩm gốm một đời sống mới.
Từ trăn trở về tương lai của làng nghề gạch, gốm đỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Buôi (Tư Buôi)- DNTN Tân Hiệp Phát II, mong muốn “đổi đời” cho “nắm đất” của quê hương. Ngôi nhà gốm Tư Buôi nổi tiếng 300m² tại Phường 5, TP Vĩnh Long, được làm từ gốm đỏ- sản phẩm bước ra từ làng nghề gạch, gốm nổi tiếng Vĩnh Long.
Ngôi nhà gốm được xây dựng theo lối kiến trúc Nam Bộ, những vật dụng được ông Tư Buôi sưu tầm hoặc đặt hàng thiết kế theo một chủ đề thống nhất, từ tranh vẽ, bích họa, sản phẩm điêu khắc đến vật dụng sinh hoạt tái hiện sinh động cảnh sắc làng quê Nam Bộ, cảnh thu hoạch lúa, sinh hoạt đời thường, những con vật quen thuộc như heo, mèo, chuột, rắn…
Các bức tranh và bích họa tại nhà gốm được sáng tác hầu hết bởi họa sĩ của Vĩnh Long. Ông Tư Buôi tâm đắc: “Ông bà mình xây được nhà kiểu gì thì tôi xây được kiểu đó, điêu khắc được con gì thì tôi cũng điêu khắc được y chang bằng gốm. Đó là cách tôi lưu giữ nghề làm gạch, gốm truyền thống của vùng đất Vĩnh Long”.
Chia sẻ về câu chuyện giữ gìn và nâng cao giá trị cho sản phẩm gốm của địa phương, ông Tư Buôi so sánh: “Nếu viên gạch làm từ 2kg đất có giá tối đa 1.500-1.600 đồng, thì chỉ cần 200g đất là có thể tạo hình được một con heo có giá 50.000 đồng, hoặc lớn hơn là những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị văn hóa vùng miền như bức tranh, bình hoa… có giá từ vài triệu đồng trở lên”.
Ngoài tâm huyết với nghề gốm, ông Tư Buôi còn sở hữu khu du lịch tại xã Đồng Phú (huyện Long Hồ) và bắt đầu làm du lịch từ năm 2005.
Phơi gạch ở “vương quốc” gạch, gốm. |
“Lúc đó, tôi nghĩ nếu muốn làm du lịch thì phải tạo được sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Tôi đi ra từ làng gốm, nên tôi nghĩ cứ lấy đó mà phát triển lên. Đầu tiên là lấy khu du lịch của mình làm nơi trưng bày sản phẩm gốm. Trang trí bằng chính cái mình có thì nó mới quý, tạo thế mạnh cho mình”- ông Tư Buôi nói.
“Qua thời gian nghiên cứu và thử làm những sản phẩm đơn lẻ có kích thước khác nhau như cột chịu lực (vỏ ngoài bằng gốm với lõi bằng bê tông), kèo, mái ngói… tôi phát hiện đất Vĩnh Long có những đặc điểm phù hợp làm gốm xây dựng, có thể thay thế gỗ để làm ra một ngôi nhà theo phong cách Nam Bộ, thân thiện với môi trường, có độ bền cao và đặc biệt mát mẻ”- ông Buôi chia sẻ.
Mặc dù quá trình hiện thực hóa ý tưởng của ông Tư Buôi tiêu tốn rất nhiều thời gian và tài lực, nhưng kết quả mà nó mang đến đã góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm giá trị gốm đỏ. Đồng thời, cũng giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn vật liệu thay thế trong lĩnh vực xây dựng hiện nay.
Cùng những người thợ lành nghề gắn bó, những ông chủ lò nặng lòng với đất vực dậy làng nghề, sản phẩm gốm đất đỏ đang trong quá trình chuyển đổi phù hợp thời đại.
Nói như ông Tư Buôi: “Muốn phát triển làng gốm đương đại thì phải có sản phẩm gốm đương đại. Để làm được điều đó thì sản phẩm tạo ra phải kết hợp cả hai yêu tố mới và cũ, như trên mảnh đất mới thì nhà gốm được cất lên theo lối kiến trúc xưa và vật liệu bằng gốm đặc thù của vùng đất Vĩnh Long”.
Và hơn thế nữa, trên nền tảng nghề truyền thống cùng kinh nghiệm của cha ông, đã có một thế hệ tiếp nối đầy tâm huyết, sáng tạo phả làn gió mới trên “vương quốc” gạch gốm trăm năm.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin