(VLO) “Nói tới gốm đỏ Vĩnh Long phải nhắc ba người tìm tòi đầu tiên, đó là ông Ba Nghĩa, Ba Khiêm và Sáu Lộc. Nếu không có họ sẽ không có nghề gốm”- ông Đoàn Văn Đực (thường hay gọi Hai Đực, 81 tuổi, chủ cơ sở gạch, gốm Thanh Đức) chắc như đinh đóng cột. Và trong thời gian rất ngắn, nghề làm gốm bùng nổ với 120 cơ sở sản xuất rầm rộ, cả trăm miệng lò phả khói ngày đêm, hàng ngàn công nhân từ khắp nơi đổ về làng nghề nhộn nhịp…
Bước qua những thăng trầm, cùng với chủ trương bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, “di sản” làng nghề gạch gốm đang đứng trước cơ hội đổi thay. |
Thời hoàng kim của ngành gốm mở ra từ những năm cuối thế kỷ XX vắt sang thập niên đầu thế kỷ XXI.
Thiên nhiên ưu ái, dòng sông đưa nước về biển cả phải mang theo phù sa tưới mát ruộng đồng. Trên cơ sở đó, người Vĩnh Long hình thành nên làng nghề gạch, gốm đỏ.
Không chỉ đơn thuần là món quà do thiên nhiên ban tặng, di sản này còn là kết tinh của lao động sáng tạo mà nhiều thế hệ “hiểu đất” chắt lọc trong suốt những năm tháng đau đáu hướng về vùng đất của quê hương, góp phần tạo nên thương hiệu, hình ảnh đặc trưng của địa phương.
“Bộ ba” mở đường cho sản phẩm gốm đỏ
Nếu so nghề gạch ngói hàng chục năm trước, “tuổi đời” của ngành gốm mỹ nghệ Vĩnh Long hãy còn rất trẻ. Nhưng như một chàng trai lực điền tài không đợi tuổi, gốm đỏ đã nhanh chóng trưởng thành, căng tràn sức sống…
Những sản phẩm gốm đầu tiên ra lò từ làng gạch ngói năm 1983, do một doanh nghiệp thử nghiệm nung lò dài, đốt gỗ tạp. Mãi đến năm 1992, một công ty của Đức liên doanh với Xí nghiệp Gốm mỹ nghệ thành lập liên doanh UP (United Poteries), sản xuất gốm đỏ theo công nghệ Đức.
Mẻ gốm mới ra lò, không đỏ tươi, đỏ rực mà lại “đỏ hồng loang lổ xám trắng”. Nhưng khách hàng nước ngoài ai nấy gật gù, rất thích. Chính cái nền “đỏ hồng loang lổ xám trắng” đẹp và lạ- có nét tương đồng dòng gốm Ý, mở đường cho những sản phẩm gốm đất đỏ độc đáo, vươn ra thế giới mạnh mẽ sau này.
Nhưng công nghệ họ giữ rất kỹ, không người Việt Nam nào có thể tiếp xúc được. Đến năm 1996, khi vị thế chiếm lĩnh thị trường của gạch ngói “nguội dần”, người làng nghề lao đao vì giá thấp.
“Không lẽ gạch ngói bể tại đây. Lò gạch phải chịu tắt bếp?” Những người con của làng nghề lúc đó- đều là chủ các cơ sở gạch ngói nổi tiếng- là “bộ ba”: Ba Nghĩa (Nguyễn Tấn Nghĩa- doanh nghiệp Cửu Long), Ba Khiêm (Hồ Hữu Lộc- doanh nghiệp Mỹ Đức Hưng), Sáu Lộc (Nguyễn Phước Lộc, doanh nghiệp Nam Hưng) khăn gói lên miệt gốm Lái Thiêu, Sông Bé dốc tâm học hỏi tìm hướng đi mới cho làng nghề gạch ngói.
“Họ đã miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm nung gốm trong lò gạch truyền thống. Mẻ này thất bại, lại làm mẻ khác. Phải mất cả năm trời mới thành công. Tỷ lệ hao hụt khi nung giảm đáng kể”- ông Hai Đực bảo. Họ đã phổ biến công nghệ, truyền kinh nghiệm… người này dẫn bước người kia chuyển từ gạch sang gốm.
Cùng với “bộ ba” tiên phong, những cơ sở của những tên tuổi như: Tư Thạch, Năm Vàng, Sáu Mừng, Mười Mai, Hai Đực, Tư Châu, Năm Lượm, Hiệp Lợi… đã trở thành những doanh nghiệp trụ cột của làng nghề.
Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp- Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức, đã dùng từ “bùng nổ” để diễn tả sự chuyển đổi nhanh chóng làng nghề từ sản xuất gạch ngói sang sản xuất gốm chỉ trong thời gian ngắn, từ 5-7 cơ sở chuyển sản xuất gốm năm 1997, từ năm 2000, có thời điểm đã tăng lên 120 cơ sở, doanh nghiệp với hàng ngàn miệng lò.
“Ngành sản xuất gốm Vĩnh Long ra đời vào năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997 trở lại đây, với hàng ngàn mẫu mã khác nhau, các sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt ở khắp các châu lục và quốc gia trên thế giới như EU, Mỹ, châu Úc, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản,… với sản lượng sản xuất tăng lên gần 50 triệu sản phẩm/năm và dần trở thành thế mạnh, đặc trưng của tỉnh.
Nổi tiếng với thương hiệu “Gốm đỏ Vĩnh Long”, sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh”- bà Ngọc Diệp nói và cho biết thêm: “Số lò gạch, gốm chủ yếu tập trung tại huyện Mang Thít và Long Hồ. Thời hoàng kim, ngành gạch gốm có gần 3.000 miệng lò hoạt động xuyên suốt. Nhưng hiện số lò gạch gốm còn lại khoảng hơn 1.000 lò”.
Đi qua những nốt thăng trầm
Theo bà Đoàn Thị Ngọc Diệp, thời cực thịnh, giá trị ngành gạch gốm chiếm đến gần 50% giá trị toàn ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất gạch ngói đã trở thành thế mạnh của tỉnh, nhiều chủ cơ sở sản xuất gạch gốm ăn nên làm ra. Có thời điểm ngành sản xuất gốm chiếm khoảng trên 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giải quyết việc làm trên 12.000 lao động, đóng góp ngân sách tỉnh khá lớn.
“Thời làm đông ken, mỗi cơ sở có vài trăm lao động. Mỗi ngày ra lò 4, 5 xe tải. Nhiều cơ sở nở nồi, mở thêm cơ sở sản xuất”- ông Hai Đực nhớ lại.
Sản phẩm gốm đất sét nung của Vĩnh Long “ăn hàng” vì có màu đỏ đặc trưng và độc đáo rất được thị trường châu Âu ưa chuộng.
Qua đôi tay nhào nặn khéo léo, tài hoa của người thợ tạo ra những sản phẩm rất đẹp và mang tính nghệ thuật cao.
“Mà quyết định chất lượng, màu sắc đặc trưng của gốm Vĩnh Long là từ nguyên liệu đất sét, đốt bằng trấu và nung ở nhiệt độ 900OC. Nếu ở nhiệt độ hơn 1.000OC (như gốm Lái Thiêu), đốt củi, đốt gas sẽ không ra màu gốm đỏ”- ông Hai Đực đúc kết.
Tận dụng đất và trấu là 2 nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, rất dồi dào. Nhiều cánh đồng cần cải tạo đất mặt bán rẻ như cho, không gì “rẻ như trấu” nên giá thành sản xuất thấp đem lại lợi thế cạnh tranh của sản phẩm gốm lúc bấy giờ. Từ đây mở ra một cơ hội mới cho ngành gốm đỏ Vĩnh Long phát triển mạnh hơn về số lượng và chất lượng, vươn ra thị trường thế giới.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Về những đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong việc vực dậy làng nghề trong thời gian qua là rất đáng trân trọng, thể hiện lòng yêu nghề, yêu quê hương, đất nước thông qua việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển một ngành nghề truyền thống đã được ông cha ta từ bao thế hệ dày công vun đắp và lưu truyền đến ngày nay.
Trong đó, đáng chú ý là Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long đã có nhiều đóng góp cho phát triển ngành sản xuất gạch gốm tỉnh nhà. Hiệp hội là cầu nối giúp các doanh nghiệp sản xuất gạch gốm phản ánh những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng đến với các cơ quan quản lý nhà nước để từ đó giúp cơ quan quản lý nhà nước tham mưu ban hành các chính sách gắn với thực tế, sát với nhu cầu, khả năng thực hiện để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Nhìn lại quá khứ hình thành và phát triển, trên nền gạch gốm, các doanh nghiệp thỏa sức vọc đất, thỏa sức sáng tạo, thỏa sức làm giàu và… cả thất bại.
Nhiều người thành đạt, nhưng cũng không ít đành phải “bỏ cuộc chơi”. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 tác động nhanh và mạnh đến làng gốm; trong khi hầu hết sản phẩm bán qua các doanh nghiệp trung gian tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp.
Sự phát triển quá nóng, với kiểu làm ăn bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu liên kết khiến sản phẩm gốm có thời điểm giá bán rơi tự do xuống mức thấp…
Một dấu mốc đáng nhớ là vào tháng 6/2011, ngành gốm đã được cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Gốm đỏ Vĩnh Long”. Người làng gốm muốn chứng tỏ nguồn gốc của mình và Gốm đỏ Vĩnh Long là một thương hiệu thật sự. Gốm đỏ Vĩnh Long đã đi vào thị trường, thế giới có nhu cầu thật sự.
Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn ngành gốm đối mặt hàng loạt khó khăn mang tính sống còn. Năm 2012, chỉ còn khoảng 30 cơ sở hoạt động; sản lượng liên tục sụt giảm mạnh.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm nhiên liệu thì nguy cơ làng nghề truyền thống gạch gốm bị lụi tàn là khó tránh khỏi.
Theo Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, giai đoạn phát triển và hưng thịnh của gốm đỏ là từ 1997-2007 và giai đoạn 2008-2017 sản xuất làng nghề rơi vào suy yếu.
Tuy nhiên, như những mê đất lặng thầm từ bàn tay nhào nặn của người thợ chuyển hóa thành viên gạch, tấm ngói hay cái chậu gốm đỏ, nghề làm gốm đã có lúc bùng nổ nhưng rồi rất nhanh chóng lắng xuống.
Nhìn lại bước thăng trầm đã đi qua, người làng gốm tiếc nuối thập kỷ vàng son, nhưng cũng khiến những người tâm huyết nhất với nghề cha truyền con nối phải tìm cách thay đổi để giữ gìn và vực dậy sản phẩm làng nghề.
Bước qua thăng trầm, từ năm 2017, làng gốm bước vào giai đoạn “tìm lại vị thế”, vững vàng và ổn định hơn.
Ông Đoàn Văn Đực- chủ cơ sở gạch, gốm Thanh Đức: Nói tới gốm đỏ Vĩnh Long phải nhắc ba người tìm tòi đầu tiên, đó là ông Ba Nghĩa, Ba Khiêm và Sáu Lộc. Nếu không có họ sẽ không có nghề gốm. |
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin