(VLO) Xuôi dòng Cổ Chiên hiền hòa, làng nghề gạch, gốm đỏ tại Vĩnh Long vẫn lặng lẽ tồn tại, bền bỉ cùng thời gian. Dù trải qua bao thăng trầm, tưởng chừng như đã lụi tàn, tắt ngúm, miệng lò thôi nghi ngút khói hay thưa bóng ghe, xuồng chở đất mê, trấu, gạch thành phẩm, thì vẫn có những lò nung âm thầm đỏ lửa đến tận hôm nay.
Theo một cách lạ kỳ nào đó, “vương quốc” gạch, gốm đỏ vẫn đang âm ỉ cháy, lửa lò liên tục được nhóm lên từ nhiệt huyết và tình yêu nghề của bao thế hệ. Gạch xưa, gốm mới ra đời theo một phương thức khác: Không náo nhiệt, không phô trương mà lại gây mê hơn.
“Vương quốc” gạch, gốm đỏ tại Vĩnh Long phát triển thăng trầm qua nhiều thế hệ. |
Đó là chút phác thảo chúng tôi cảm nhận khi trở lại “vương quốc” gạch, gốm đỏ- một làng nghề độc đáo gần như vẹn nguyên hơi thở cuộc sống gắn với văn hóa sông nước đồng bằng tồn tại bao đời. Qua hành trình ký sự, chúng tôi mong muốn cùng bạn đọc lật giở từng lớp gạch ngói thời gian, để hiểu hơn về đời người- đời đất gắn bó hình thành và tạo tác nên vùng đất trứ danh.
Từ câu chuyện của các nhân vật luôn tự hào “quào đất, vọc sình” bám nghề, dù ba chìm bảy nổi gian khó vây quanh vẫn luôn “giữ lửa lò”, nhạy bén tìm ra con đường mới cho “vương quốc” trên hành trình đi tới cứ nối dài… Đây cũng là vấn đề đặt ra của tỉnh Vĩnh Long trong nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của làng nghề trăm năm.
Kỳ 1: “Nghề ngủ ngay cửa lò”
Sau khi “nhập tịch” vào Việt Nam, dòng Mekong đổ về hạ lưu chia thành hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, không chỉ bồi đắp phù sa cho vùng ĐBSCL để nuôi dưỡng những cánh đồng lúa bạt ngàn, tưới tốt miệt vườn xanh tươi, hơn thế nữa phù sa còn lắng đọng vào sâu trong lòng đất, tạo thành những mỏ đất sét quý. Nhờ đó, người dân Vĩnh Long đã khéo léo tận dụng nguồn tài nguyên này để đắp nặn nên từng viên gạch, ngói đầu tiên, đặt nền móng cho làng nghề gạch, gốm đỏ đã tồn tại và phát triển suốt nhiều thập kỷ.
Giữ lửa lò không tắt
Trên tuyến ĐT902, từ huyện Long Hồ đi tới huyện Mang Thít, dễ dàng nhận ra làng nghề gạch, gốm với đủ loại gạch thẻ, gạch ống, chậu gốm nhiều kích cỡ chất dãy ven đường và những mái lò hình vòm nhấp nhô, san sát nhà dân- bắt đầu những miệng lò nằm rải rác từ xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) đến khung cảnh “lò nối lò” ở các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) như mở ra không gian tìm về “vương quốc” gạch, gốm đỏ Vĩnh Long, cánh cổng mang quá khứ đến gần hơn với hiện tại.
Muốn tìm câu trả lời về nghề gạch có từ bao giờ, phải đến tận vùng lõi của làng nghề gạch, gốm đỏ, nơi có mật độ lò gạch xuất hiện dày đặc nhất dọc theo chiều dài gần 3km của kênh Thầy Cai.
Đó cũng là nơi được mệnh danh là “vương quốc đỏ”, khu vực trung tâm di sản đương đại Mang Thít, nơi chứng kiến sự ra đời của những viên gạch, ngói đầu tiên cho đến dòng gốm mang sắc đỏ mỹ miều đặc trưng của Vĩnh Long.
Theo những tài liệu còn lưu lại, ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long từ đầu thế XIX. Đến giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động với khoảng 800 lao động. Đến khoảng đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch nung tăng mạnh, tập trung nhiều nhất ở huyện Mang Thít; còn lại là huyện Long Hồ và Vũng Liêm.
Gạch tàu, gạch ống, ngói… là những sản phẩm nổi tiếng một thời, nghề làm gạch tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. |
Giai đoạn hưng thịnh nhất của nghề gạch, ngói Vĩnh Long là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Hồi ấy, chỉ tính riêng huyện Mang Thít, sản lượng gạch đã vượt mức 300 triệu viên/năm, đáp ứng nhu cầu xây dựng cho cả vùng ĐBSCL và được thị trường Campuchia ưa chuộng.
Người kể chuyện về những viên gạch đầu tiên là ông Tào Xíu Châu (hay còn gọi ông Tư Châu, sinh năm 1949, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ)- là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống sản xuất gạch, gốm đỏ lâu đời tại Vĩnh Long.
Ông Tư Châu bảo, ngày xưa ông nội của mình là ông Tào Hỉ (hay còn gọi là Chín Hỉ) khi đặt chân đến vùng đất Vĩnh Long đã xác định nguồn đất tại đây thích hợp để làm gạch, nên ông xây lò gạch và lập nghiệp tại đây.
“Sau đó, ba tôi kế thừa công việc này vào thời kỳ Pháp thuộc. Những năm đó, việc sản xuất gạch, ngói bị cấm, lò gạch bị tháo dỡ, ba tôi mang theo nhân công đến chợ Giồng Nhỏ (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) tiếp tục sản xuất, giữ cho lửa nghề không tắt.
Thời điểm đó, ông tự mày mò, thử nghiệm các chất đốt khác nhau từ củi cây mắm biển, củi tạp trong vườn đến đốt trấu để đảm bảo chất lượng, màu gạch”- ông Tư Châu kể lại.
Trong hồi ức miên man về những ngày tháng theo chân ba để “quào đất, vọc sình”. Người đàn ông 75 tuổi càng tự hào hơn khi khoe rằng: “Sở dĩ gạch, ngói Vĩnh Long được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi nguyên liệu là nguồn đất sét đỏ quý có độ kết dính cao, màu sắc đẹp mắt; kỹ thuật tạo tác đã được kế thừa, tích lũy qua nhiều thế hệ tạo nên những mẻ gạch nung chắc, bền theo thời gian”.
Là một trong những nhân tố đầu tiên chứng kiến quá trình phát triển của nghề gạch, ngói Vĩnh Long, theo ông Tư Châu, nghề gạch, ngói phát triển hưng thịnh nhất từ những năm 1963-1989, một phần nhờ vào sự hỗ trợ về các chính sách của địa phương khi đó cũng như ý thức liên kết sản xuất của những người trong nghề.
Khởi đầu từ 4-5 tổ hợp sản xuất gạch, ngói đầu tiên với mỗi tổ 5-7 thành viên đã không ngại sẻ chia kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất cho bà con trong vùng góp phần tạo nền tảng tốt cho ngành nghề sau này.
Biết ơn món quà từ đất
Sở hữu nguồn nguyên liệu đất sét quý được thiên nhiên ưu ái, cùng sự đồng lòng trong liên kết sản xuất cũng như sự định hướng phát triển từ các quy định được ban hành tại thời điểm đó, các lò gạch nung được sắp xếp “một cách tự nhiên” dọc theo các tuyến sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai, Nhơn Phú, Hòa Tịnh… đã cải thiện đời sống của người dân trên những vùng đất gò không trồng lúa được hoặc trồng lúa hiệu quả thấp.
Có thể thấy, ngành sản xuất gạch, ngói khi ấy ra đời để “tiêu thụ” nguồn đất cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp để trồng lúa, góp phần mở ra ngành sản xuất công nghiệp lúc ấy đang manh nha hình thành.
Cũng là người kế thừa công việc sản xuất gạch, ngói của gia đình từ năm 1983, ông Đoàn Văn Đực (thường gọi Hai Đực, sinh năm 1943, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) hoài niệm một thời sản xuất gạch, ngói nhộn nhịp ngày đêm: “Ba của tôi khởi sự từ 3 lò gạch nung truyền thống, thời hoàng kim có tận 8 lò.
Khi đó thương lái đi ghe từ chợ Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) tấp nập đến vùng này mua gạch, ngói về bán cho người dân ở Campuchia, lúc đỉnh điểm xưởng của tôi sản xuất lên đến 200-300 tấn gạch, lò bích lò, ghe xuồng neo dài cả khúc sông”.
“Hồi xưa, nơi đây chuyên làm gạch, ngói phổ thông như: gạch tàu, gạch tiểu, ngói đại, ngói móc, gạch ống chủ yếu bằng phương pháp in thủ công với dụng cụ khuôn gỗ thô sơ. Sau những năm 1980, mọi thứ mới được cơ giới hóa, sử dụng máy chạy gạch để sản xuất hàng loạt, giúp nâng sản lượng, tăng năng suất lao động”- ông Hai Đực kể lại.
Trong xưởng gốm đỏ, ông Tư Châu kể chuyện làng nghề gạch gốm, mà ông là thế hệ thứ ba trong gia đình “giữ lửa lò” xuyên suốt. |
Dù tuổi đã cao nhưng ông Hai Đực vẫn có thể kể vanh vách quy chuẩn về kích thước, công dụng khác nhau của từng loại gạch. “Sau này có máy móc hỗ trợ nên không còn in gạch thủ công, chỉ có các loại gạch dùng để xây lò thì mới phải in tay. Một lò gạch thường có chiều cao trung bình 8-9m.
Thời chưa có thiết bị đo nhiệt độ bên trong lò, người giữ lò sẽ ngủ ngay cửa lò để canh lửa, chốc lát phải xách đèn leo lên đỉnh lò để coi meo, coi đường lửa.
Ngày đó tất cả công đoạn đều dựa vào kinh nghiệm và đôi mắt để coi gạch “chín hay khét”, gạch phải có màu đỏ son thì mới đạt chất lượng. Cũng có lúc mệt quá nên ngủ quên gần 2 tiếng, mở mắt ra thì hư hết mẻ gạch”- ông Hai Đực cười nhớ về kỷ niệm vui.
Những người như ông Tư Châu, Hai Đực theo nghề cha truyền con nối dù nghề gạch vất vả, nhưng luôn tự hào đã chọn “nghề ngủ ngay cửa lò”, mỗi chu kỳ gạch vào- ra lò kéo dài cả tháng, người kỹ tính luôn theo dõi suốt quá trình đó “hổng cho ai rớ dô hết”.
Những mẻ gạch ngói đỏ lừng làm lòng người sung sướng, quên hết gian nan, quệt đi lớp bụi trấu liền lộ ra dấu mộc in rõ tên cơ sở mình trên viên gạch. Ông Hai Đực bảo rằng, những cơ sở gạch ngói uy tín từ rất sớm đã ý thức làm thương hiệu, mối lái tứ xứ cứ theo dấu mộc đó mà tìm tới tận lò.
Hoạt động sản xuất gạch, ngói không chỉ phản ánh một diễn trình lịch sử, mà còn là biểu tượng cho mối gắn kết hài hòa giữa đất, lửa và con người.
Bởi theo thời gian, những kỹ thuật được truyền lại dần kết tinh điêu luyện, bằng đôi tay, sự cần cù và sáng tạo không ngừng nghỉ của những người thợ yêu nghề, mến đất, họ đã đắp nặn nên một cuộc đời mới cho đất sét Vĩnh Long với tên gọi “Gốm đỏ Vĩnh Long”.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, ở khu vực Nam sông Cổ Chiên. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.300 lò; riêng ngành sản xuất gốm ra đời vào năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997 đến nay, với hàng ngàn mẫu mã khác nhau, các sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt ở khắp các châu lục, quốc gia trên thế giới và dần trở thành đặc trưng của tỉnh, nổi tiếng với thương hiệu “Gốm đỏ Vĩnh Long”, sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương và nâng cao đời sống người dân trong khu vực. |
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin