Vùng di sản gạch gốm với hơn 3.000ha đất là tâm huyết của các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Long và bao thế hệ người dân làng nghề trong việc bảo tồn hệ thống lò gạch gốm thuộc “vương quốc đỏ”. Đưa nơi đây trở thành điểm du lịch hàng đầu của du khách trong, ngoài nước khi đến Vĩnh Long.
Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh lần thứ I năm 2024 sẽ là bước đệm quan trọng quảng bá hình ảnh gạch, gốm đỏ và vùng đất, con người Vĩnh Long đến với bạn bè trong khu vực. |
Sản phẩm du lịch “độc nhất” ĐBSCL
Những mái lò san sát, từng hàng gạch, gốm đỏ au nối dài hòa cùng thiên nhiên sông nước đặc trưng đã tạo nên cảnh sắc nghệ thuật nhuốm màu huyền bí cho vùng đất được mệnh danh là “vương quốc đỏ” của Vĩnh Long. Chị Phạm Ngọc Trinh- Giám đốc Công ty Du lịch Mekong Travel cho hay, chị đã nhiều lần tổ chức các chương trình tham quan cũng như các đoàn famtrip đến đây để trải nghiệm thì “tâm lý chung của du khách là ngạc nhiên, họ rất thích thú và tò mò khám phá nơi này”.
Sau khi tháp tùng cùng đoàn famtrip “Bất ngờ Vĩnh Long” đến thăm làng gốm vào những ngày đầu tháng 10/2024, ông Nguyễn Văn Mỹ- Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt, chuyên gia tư vấn du lịch cộng đồng đã phải khẳng định chắc nịch rằng: “Vĩnh Long có những thứ mà nhiều tỉnh không có, riêng cái lò gạch làm được bao nhiêu chuyện về du lịch. Bản chất của du lịch là trải nghiệm, còn hiệu quả của du lịch là cần sự khác biệt tích cực. Cả mấy trăm cái lò gạch, lò gốm, mình có thể tính toán làm sao như làm quán cà phê, bảo tàng mini, nơi lưu trú. Lưu trú trong lò gạch hoang, cả thế giới không có, Vĩnh Long có thể làm được”.
Bên cạnh, không gian làng gốm đặc trưng, căn nhà 3 gian 2 chái bằng gốm đỏ, công trình “Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam” được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2024 hướng đến thị trường du lịch, nhiều cơ sở cũng đã bắt tay vào sản xuất các sản phẩm gốm đỏ mini. Những lò gốm thu nhỏ, con vật, bình hoa,… chứa đựng hồn cốt của gốm đỏ với màu đặc trưng giúp du khách có thể chiêm ngưỡng, mang về như món quà sau mỗi chuyến du lịch.
Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, phấn khởi chia sẻ: “Chúng ta tự hào và khẳng định đây là di sản đặc trưng của Vĩnh Long và cả nước chỉ có chúng ta có. Các chuyên gia cũng khẳng định điều này. Hiện nay, Vĩnh Long còn tồn tại hơn 700 cái lò thì rất quý hiếm. Mục tiêu của chúng ta là quảng bá cho làng nghề, khẳng định thương hiệu Vĩnh Long tập trung đi lên và làm du lịch từ sản phẩm đặc trưng riêng có. Chúng tôi muốn đưa làng nghề vào bảng đồ du lịch của Việt Nam, để khẳng định Vĩnh Long chúng ta có làng nghề rất hay, rất lâu đời mà không phải đâu cũng có”.
Dù không còn nguyên vẹn so với thời hoàng kim nhưng những lò gạch, gốm dọc sông Cổ Chiên vẫn là những nét chấm phá vững chắc, tự tin khẳng định giá trị về làng nghề truyền thống được bao thế hệ người dân gìn giữ qua hàng trăm năm và đang được đánh thức bởi tiềm năng du lịch “độc đáo và duy nhất ở ĐBSCL”.
Nhiều kỳ vọng mới
Vào thời điểm năm 2010, làng nghề sản xuất gạch, gốm có hơn 2.000 lò tròn truyền thống hoạt động, qua đó giải quyết việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương và đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tháng 6/2011, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể gốm đỏ Vĩnh Long”.
Theo ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh, cho rằng: “Đăng ký nhãn hiệu gốm đỏ Vĩnh Long có 5 ý nghĩa lớn. Đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ tỉnh Vĩnh Long được toàn quyền thực hiện hoạt động bảo vệ danh tiếng của mình trên thị trường, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng đối với những sản phẩm không được bảo hộ. Nâng cao giá trị của gốm đỏ Vĩnh Long và giá trị của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo giá trị pháp lý thu hút đầu tư ở nước ngoài”.
Để ngành sản xuất gạch gốm đỏ phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp. Năm 2013, Vĩnh Long ban hành Đề án “Tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long”. Năm 2016 Vĩnh Long ban hành Đề án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2016-2020” và giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, ban hành Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được xây dựng dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060ha phân bố trên địa bàn 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh.
“Sau khi công bố đề án kết hợp quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho các kết quả ngoài mong đợi. Chỉ cần điền cụm “vương quốc gốm đỏ” trên các công cụ tìm kiếm sẽ có rất nhiều hình ảnh đẹp, thông tin về nơi này hiện ra. Nhờ đó, đã có rất nhiều công ty lữ hành, các địa phương tổ chức đến tham quan làng gốm. Và chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ mọi điều kiện thuận lợi để du khách có được trải nghiệm thú vị nhất”- ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh, cho hay.
Ngày 10/7/2024, HĐND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thông qua Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Với mục tiêu đưa nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt du lịch của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh lần thứ I năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 16-23/11/2024 cũng là bước đệm quan trọng quảng bá hình ảnh gạch, gốm đỏ và vùng đất, con người Vĩnh Long đến với bạn bè trong khu vực.
Những lò gạch, gốm là những nét chấm phá vững chắc, tự tin khẳng định giá trị về làng nghề truyền thống được bao thế hệ người dân gìn giữ qua hàng trăm năm. |
Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khẳng định, festival lần này là sự kiện quan trọng được tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị chu đáo với nhiều hoạt động nổi bật, hấp dẫn. Đồng thời, đặt nhiều kỳ vọng “sự kiện sẽ hun đúc, khơi gợi thêm tình yêu, quyết tâm giữ nghề, làm giàu bền vững từ làng nghề của cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; nâng cao nhận thức chung của các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn về trách nhiệm bảo tồn và phát triển các tiềm năng to lớn của làng nghề”. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ liên kết với các tỉnh, thành lân cận, phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo của quê hương Mang Thít nói riêng, tỉnh Vĩnh Long nói chung.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TẤN TÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin