Gạch gốm đỏ và câu chuyện hồn đất, tình người bên dòng Cổ Chiên

07:32, 05/11/2024

Vùng đất Nam Bộ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho lượng nước phù sa dồi dào, tươi mát từ dòng Mekong hùng vĩ. Khi qua địa phận Vĩnh Long, dòng phù sa châu thổ kết tinh tạo nên một nguồn tài nguyên đất sét quý giá và sớm được người dân khai thác để sản xuất gạch gốm.


Trải qua bao thăng trầm, bằng tình yêu nghề của những người thợ thủ công truyền thống, sự đầu tư, cải tiến của các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp, làng nghề gạch gốm đỏ Vĩnh Long viết tiếp câu chuyện “hồn đất, tình người” bên dòng Cổ Chiên thơ mộng.


Kỳ 1: Làng gạch gốm bên dòng kênh Thầy Cai

Làng nghề gạch, gốm dọc hai bên kênh Thầy Cai đẹp như một bức tranh.
Làng nghề gạch, gốm dọc hai bên kênh Thầy Cai đẹp như một bức tranh.

Làng nghề sản xuất gạch- gốm ở kênh Thầy Cai (huyện Mang Thít) tồn tại hàng trăm năm được mệnh danh là “Vương quốc gạch- gốm” bởi nơi đây sản xuất gạch, gốm nổi tiếng và lớn nhất ĐBSCL. Thời hưng thịnh, làng nghề này đã giúp cho nhiều người dân nơi đây có “của ăn của để” với các sản phẩm gạch, gốm được xuất đi khắp các châu lục. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tuy có lúc thịnh lúc suy nhưng làng nghề gạch gốm nơi đây vẫn giữ được nét đẹp rêu phong cổ kính và giá trị lịch sử được nhiều thế hệ nơi đây gầy dựng nên. Đây là kho báu di sản đương đại đặc sắc mà không nơi nào có được cần được bảo tồn và phát triển làng nghề gạch- gốm.
 

Làng nghề trăm năm


Theo ghi chép của học giả Huỳnh Minh trong cuốn “Vĩnh Long xưa và nay”, thì làng nghề làm gạch đã hình thành dọc bờ sông Cổ Chiên hàng trăm năm trước. Đến khoảng năm 1950, Vĩnh Long có 40 lò gạch hoạt động. Sau đó, những hộ dân làm gạch mở rộng sản xuất vào kênh Thầy Cai và những kênh rạch sâu bên trong nội đồng.


Cũng từ đó, kênh Thầy Cai trở thành địa danh gắn liền với làng nghề sản xuất gạch gốm ở Vĩnh Long. Con kênh dài khoảng 2 cây số, nối từ sông Cổ Chiên đến ngã ba kênh Thầy Cai, điểm giao với chi lưu của sông Măng Thít.
Theo những lão nông tri điền nơi đây, thì tên của con kênh có nguồn gốc từ việc người vận động đào kênh là ông Cai tổng Huỳnh Đình Ngộ (1876-1946). Ông được bổ nhiệm làm cai tổng dưới thời Pháp thuộc. Là người luôn gắn bó, gần gũi với bà con nên khi nhận thấy việc sản xuất của người dân không đạt hiệu quả do nguồn nước không được lưu thông, ông đã vận động đào kênh dẫn nước vào nội đồng phục vụ làm nông, sinh hoạt. 

Chân dung ông Cai tổng Huỳnh Đình Ngộ.
Chân dung ông Cai tổng Huỳnh Đình Ngộ.

Bà Nguyễn Thanh Liêng (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít)- con dâu út Cai tổng Huỳnh Đình Ngộ, nhớ lại: “Con kênh hồi đó nhỏ, rộng chừng thước mấy hà, nhưng nó cạn lắm. Ghe xuồng vô không được thông thoáng. Nước vô thì bị phèn mặn nên không có làm ruộng được. Lúc đó ông làm việc, ông mới động viên dân chúng đào kênh, dẫn nước vô cho nó hạ phèn để làm đồng”.


Anh Dương Chí Hiền (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) được người dân gọi thân mật “Người kể chuyện làng gốm”, cho hay: “Mình nghe ông nội kể là người dân nơi đây thường gọi ông là ông Cai Ngộ. Ngày trước nước ở ngoài sông Măng Thít thì nhiều nhưng mà vào trong này nước ít, thoát ra cũng rất chậm, bà con làm ruộng thất mùa. Ông Cai Ngộ mới kêu gọi người dân đào kênh cỡ 1,5 thước, phóng qua phóng lại được, nhưng vì nước chảy quá nên bị lở lâu ngày thành con sông như hiện tại”.

Ngôi mộ ông Cai tổng Huỳnh Đình Ngộ (tại xã Nhơn Phú) bình dị nằm cách con kênh mang tên ông khoảng 300m luôn được con cháu chăm sóc chu đáo.
Ngôi mộ ông Cai tổng Huỳnh Đình Ngộ (tại xã Nhơn Phú) bình dị nằm cách con kênh mang tên ông khoảng 300m luôn được con cháu chăm sóc chu đáo.


Thời gian lùi xa, giờ đây không ai còn nhớ rõ con kênh được đào chính xác vào năm nào. Trên phần mộ, nơi yên nghỉ của ông Huỳnh Đình Ngộ ghi ông từ trần năm 1946, cho phép suy luận con kênh do ông vận động đào trước năm 1946. 


Ngoài việc làm cai tổng, ông Huỳnh Đình Ngộ còn bốc thuốc giúp chữa bệnh cho người nghèo, nên bà con mến mộ gọi ông là Thầy, cái tên Thầy Cai ra đời từ đó.


Vàng son “vương quốc đỏ”


Hơn thế kỷ trước, những cư dân bên bờ Cổ Chiên đã khai thác mỏ đất sét để sản xuất gạch ngói, hình thành nên làng nghề làm gạch tập trung sung túc với quy mô lớn bậc nhất tại ĐBSCL.


Ông Lê Văn Lớn- chủ lò gạch ở xã Nhơn Phú (huyện Mang Thít) nhớ lại. “Lò gạch sản xuất đầu tiên cho tới bây giờ là hơn trăm năm. Song giai đoạn những năm 1990-1991 là làm có ăn và có lời nhiều nhất. Khu vực sản xuất gạch của mình ở đây là sản xuất nhiều, đủ mặt hàng cho người ta lựa chọn. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ, kể cả Cà Mau cũng lên đây mua. Lúc đó buôn bán nhộn nhịp lắm”.


Còn theo ông Nguyễn Văn Buôi- chủ Cơ sở Sản xuất gạch, ngói Tân Hiệp Phát II (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít): “4 giờ sáng là bắt đầu người ta làm rồi. Lớp in ngói, lớp in gạch tiểu. Làm thủ công, nên nhân công đông lắm, cỡ là 40-50 người mới làm nổi. Người nông dân mà làm đồng xong họ cũng sang làm gạch kiếm thêm. Không khí làng nghề khi đó phải nói là trong lò rầm rộ, dưới bến tấp nập tàu, ghe. Trước năm 1990, gạch tàu xuất khẩu sang Campuchia rồi. Tôi đi ghe, mua mỗi lần hàng trăm muôn, chở lên TP Hồ Chí Minh đưa sang Campuchia, rồi đưa gạch tàu, gạch thẻ lên Biên Hòa, Bình Dương bán”.


Song với sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường các sản phẩm gạch, ngói hiện đại, làng nghề sản xuất gạch ngói Vĩnh Long gặp rất nhiều khó khăn.


Trước bước ngoặt thay đổi để tồn tại, những gia đình gắn bó nhiều thế hệ với làng nghề gạch ngói quyết tâm tìm cách để giữ cho miệng lò đỏ lửa. Nhiều người Vĩnh Long đi ngược lên Bình Dương học kỹ thuật, công nghệ làm gốm mới, đem về làng nghề của mình sản xuất rồi chào hàng ra nước ngoài. 


Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp- Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, tự hào: “Tuy cùng kỹ thuật nung nhưng gốm đỏ Vĩnh Long đã tạo nên sự kỳ diệu và được khách hàng thích thú đó là nét ửng đỏ, xen lẫn màu phấn trắng tạo cho gốm có sắc màu hồng phấn. Đấy là sự ưu đãi đối với gốm Vĩnh Long.”


Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX. Từ vài lò ban đầu đã tăng dần lên qua từng năm. Tăng mạnh nhất vào những năm đầu thế kỷ XXI khoảng 2.300 lò. 


Riêng ngành sản xuất gốm ra đời vào năm 1983, nhờ đó đã giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động và đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài nước như EU, Mỹ, châu Úc, Nhật Bản,…


Với lượng sản xuất tăng lên gần 50 triệu sản phẩm/năm, doanh thu bình quân hàng năm của các doanh nghiệp ngành gạch, gốm ước khoảng 700 tỷ đồng. Dần trở thành thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, nổi tiếng với thương hiệu “Gốm đỏ Vĩnh Long”. 

Làng nghề được hình thành và giữ gìn qua bao thế hệ người dân địa phương.
Làng nghề được hình thành và giữ gìn qua bao thế hệ người dân địa phương.
 


Sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Có thời điểm ngành sản xuất gạch gốm chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp ngân sách tỉnh khá lớn, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương và nâng cao đời sống người dân trong khu vực”.


Hiện nay, tuy đã qua thời vàng son của nghề gạch, gốm nhưng “di sản” làng nghề vẫn còn đó. Các lò gạch, gốm rêu phong phủ màu thời gian tạo nên vẻ đẹp độc đáo, khác biệt cho vùng đất được mệnh danh là “vương quốc đỏ” của Vĩnh Long.


Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TẤN TÂN

(Còn tiếp) 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh