Đêm lung linh gạch, gốm đỏ, thắp lên khát vọng làng nghề

06:26, 19/11/2024
Chương trình văn nghệ Lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024.
Chương trình văn nghệ Lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024.

Sau lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, lần đầu tiên làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít thực sự được tôn vinh một cách trọn vẹn nhất, đẹp đẽ nhất, tự hào nhất.

Đêm khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 (16/11), gần như cả chiều dài lịch sử về “mối lương duyên” giữa đất và người đã được tái hiện qua những sắc màu vừa lung linh, huyền ảo, vừa rất chân thật đời thường, vừa lộng lẫy, kiêu sa thời đại. 


Những con người cần cù một cách lặng lẽ mà vô cùng tài hoa đã mang đến cho những hạt phù sa kết tinh dòng đất sét đỏ, một cuộc đời khác để làm đẹp, có ích cho đời. Rồi trao truyền cho hôm nay tiếp nối, nuôi dưỡng giấc mơ và cùng thắp lên một khát vọng làng nghề hướng đến tương lai.


Tuyên ngôn mạnh mẽ về giá trị văn hóa dân tộc


Festival mở đầu với phần “lễ” bằng những nghi thức trang trọng, các vị lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đánh giá về tiềm năng, giá trị di sản đặc biệt của làng nghề; đồng thời thể hiện tâm huyết, nỗ lực lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long sẽ đưa làng nghề lên một tầm cao mới. Cũng là sự ghi nhận, tri ân những bậc tiền nhân, những thế hệ nghệ nhân nối tiếp, cùng lớp lớp những người lao động đã đổ bao công sức, trí tuệ, mồ hôi và nước mắt để lại một gia tài kỳ vĩ bên những con sông, dòng kênh trên địa bàn Mang Thít hôm nay. 


Tham dự Lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 (16/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, tuyên bố: “Đây không chỉ là lễ hội văn hóa, quảng bá, giới thiệu giá trị làng nghề gạch, gốm đỏ hàng trăm năm tuổi của địa phương mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về cam kết của chúng ta hướng đến một tương lai phát triển xanh, bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc”.


Một sự khẳng định, đánh giá cao của Chính phủ về ý nghĩa vừa mang tính thời đại, vừa thể hiện sâu sắc giá trị văn hóa, nhân văn của một lễ hội làng nghề ngay trong lần đầu tiên được tổ chức. Chứng minh cho tầm nhìn phát triển của tỉnh Vĩnh Long phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam với thế giới về phát triển “xanh”, bền vững, cân đối trong định hướng tôn trọng, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc làm nền tảng, động lực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc: “Những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời nơi đây không những tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng ĐBSCL, là đặc trưng văn hóa của vùng chúng ta mà còn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch muôn phương đến với ĐBSCL”

 

Như nhận định của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: “Trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành thách thức toàn cầu, việc phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tại Vĩnh Long có ý nghĩa vô cùng to lớn và là một bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đổi mới sáng tạo của địa phương. Sự kiện này không chỉ thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống, mà còn tôn vinh giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, văn hóa bản sắc độc đáo của vùng đất Vĩnh Long anh hùng. Quyết tâm chuyển mình, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của ĐBSCL và cả nước”.

Lãnh đạo tỉnh khen thưởng, ghi nhận công lao của các nghệ nhân làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít.
Lãnh đạo tỉnh khen thưởng, ghi nhận công lao của các nghệ nhân làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít.


Điều đó cho thấy, Vĩnh Long hoàn toàn có đủ niềm tin, sức mạnh, ý chí chính trị để tiếp tục nuôi dưỡng những khát vọng lớn lao về tầm vóc mới, đời sống mới cho làng nghề trăm năm. Niềm tin, khát vọng, ý chí đó đã được thể hiện qua lời phát biểu khai mạc festival của đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: “Sự kiện này tiếp tục tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ trên 100 năm nay; nơi đây còn là vùng đất với những con người phóng khoáng, mộc mạc, chân tình của vùng đất trung tâm Tây Nam Bộ trong cái nôi chung gắn kết các vùng, miền trong cả nước cùng kiến tạo, phát triển; là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này; và hơn hết đây là kết tinh của mong ước “Vương quốc gạch gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đến với mọi miền đất nước. Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 nhằm triển lãm, giới thiệu, quảng bá những thành tựu và tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực, góp phần thu hút đầu tư, tăng cường liên kết vùng, tìm kiếm cơ hội lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước”.


Đêm lung linh sắc màu gạch gốm đỏ


Sau phần “lễ” với những nghi thức trang trọng, là phần “hội” đã mang đến cho hàng ngàn người dân, du khách trong, ngoài tỉnh cùng thụ hưởng niềm vui, cùng hiểu thêm “đời gạch, gốm” qua hàng loạt những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian… ngay trong đêm khai mạc kéo dài cho đến hết thời gian diễn ra festival (23/11).


Di sản văn hóa phương Nam là một nội hàm bao trùm toàn bộ hành trình lịch sử của đất và người, trải qua những biến thiên thăng trầm trong công cuộc khai mở, chiến đấu, lao động và sáng tạo của bao thế hệ, đã hình thành nên những “gia tài” đồ sộ góp phần, làm phong phú thêm, kỳ vĩ thêm nền văn hóa ngàn năm của dân tộc. Những ý nghĩa và thực tế đời sống đó đã được tái hiện gần như trọn vẹn tinh thần của cả một tiến trình lịch sử hơn 300 năm, thể hiện qua chương trình văn nghệ trên sân khấu nổi hoành tráng mang đến cho đại biểu, người dân địa phương, du khách “đại tiệc” của sắc màu, âm thanh và ánh sáng, với 4 chủ đề: “Hào khí phương Nam”, “Huyền thoại”, “Gạch gốm đỏ” và “Kinh tế xanh”.


“Tới đây xứ sở lạ lùng. Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn. Xuống bưng sợ đỉa, vô rừng sợ ma”. Chạm mặt vùng đất “hãi hùng” không làm chùn bước những lớp cư dân đầu tiên thời khai hoang lập ấp, và từ đây, hành trình mở cõi đất phương Nam cũng được bắt đầu với những con người gan dạ, với ý chí khát khao chinh phục thiên nhiên của mình, trên mỗi bước chân đi qua, sự sống nơi đây cũng bắt đầu được sinh sôi, hạt mầm của sự trù phú cũng bắt đầu nảy nở và vùng đất phương Nam cũng dần hiện rõ với một hình hài mới, không chỉ xinh đẹp, hiền hòa mà còn gầy dựng nên một miền châu thổ đồng bằng trù mật, phồn vinh.

Pháo hoa đêm khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024.
Pháo hoa đêm khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024.


Miền châu thổ kết tinh từ những dòng phù sa mải miết qua hàng ngàn cây số, tiếp nối hơn 6 vạn năm qua, nhưng chỉ có một nơi đã kết tụ nên dòng đất sét đỏ bồi lắng dọc dài bên những triền sông Cổ Chiên thuộc địa phận huyện Mang Thít (Vĩnh Long). Nó như “lộc trời” thiên nhiên ban tặng và sứ mệnh được lịch sử trao truyền để lại cho đời sau tự hào một miền di sản làng nghề.


Câu chuyện sẽ được tiếp nối đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay cùng “ghé vai” vào viết tiếp lịch sử vùng đất này mang một “cuộc đời mới”, vừa “giữ lửa” làng nghề, bảo tồn những giá trị xưa cũ, vừa vun đắp thêm những “tầng phù sa mới” của thời đại mà hướng tới tương lai.

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: “Với mong muốn đưa làng nghề truyền thống của địa phương trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Bộ Văn hóa-TT-DL, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp-PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 quy mô cấp khu vực ĐBSCL cùng với sự tham gia của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc”.

Bài, ảnh: NHÓM PV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh