Với mong muốn gìn giữ và phát huy bản sắc miệt vườn truyền thống của địa phương, gần 20 năm qua, chị Phạm Thị Ngọc Trinh (thường gọi Út Trinh) quyết định về cù lao xã An Bình (huyện Long Hồ) từng bước phát triển du lịch (DL) miệt vườn, lan tỏa những giá trị về vùng đất và con người Vĩnh Long.
Du khách trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn của Công ty Du lịch Mekong Travel. |
Có một “Út Trinh” miệt vườn
Giữa cù lao xã An Bình xanh mát có một khu DL miệt vườn mang đậm dấu ấn Nam Bộ xưa: Út Trinh Homestay (thuộc Công ty DL Mekong Travel). Đón chúng tôi với nụ cười niềm nở, “Út Trinh”- xuất hiện với chiếc áo bà ba nền nã, kèm nụ cười đôn hậu đặc trưng của người miền Tây.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp đầy gian nan cách đây gần 20 năm, chị Út Trinh tâm tình: Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, từng làm hướng dẫn viên DL quốc tế cho một công ty lữ hành tại TP Vĩnh Long từ những năm 90, đến năm 2005, chị đã mạnh dạn cùng chồng mở Công ty DL Mekong Travel với điểm xuất phát là 5 chiếc tàu vận chuyển khách DL. Việc làm ăn phát triển, năm 2009, bên cạnh Út Trinh Homestay, chị lần lượt mở thêm Út Bình Homestay, Út Quỳnh Homestay.
Dẫn chúng tôi tham quan gian nhà ngói phủ màu rêu, bếp củi đang đỏ lửa cạnh chiếc chạn mộc mạc, cách bày trí nội thất trong nhà, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên đều được chị tỉ mỉ tái hiện một cách sinh động, bình dị, nguyên vẹn nét quê nhà xưa, tưởng chừng như ta được xuyên không về quá khứ.
Trong khuôn viên 2ha của khu homestay, chị Út Trinh còn trồng nhiều loại cây ăn trái, nào xoài, nào vú sữa, nào sơ ri… Vườn cây ăn trái xanh mát mắt nép mình bên bờ sông thơ mộng, càng khiến du khách thêm thích thú. Chị Út Trinh chia sẻ, chính tình yêu và sự hiểu biết dành cho văn hóa Nam Bộ đã thôi thúc chị lưu giữ những nét đẹp truyền thống của ông cha để lại và thiết kế nên những chương trình DL truyền tải nét đẹp văn hóa bản địa.
“Điều tôi muốn truyền tải cho du khách không chỉ là những hình ảnh về văn hóa Nam Bộ, mà còn là những cảm xúc như chào đón người thân trở về nhà. Trước đây tôi chỉ đón khách quốc tế, nhưng chính nhờ những trải nghiệm không gian thân thuộc này đã giúp thu hút thêm lượng lớn khách trong nước, đa phần họ đều muốn tìm về ký ức tuổi thơ từ không gian ấm cúng, gần gũi như vầy.”- chị Út Trinh chia sẻ.
Như lời chị Út Trinh thì “khách đến ở nhà Út Trinh sẽ không có thời gian cầm điện thoại hay đi ngủ” mà thay vào đó là thong dong đạp xe, chèo xuồng theo những con kênh rạch để hít thở bầu không khí trong lành, tươi mát, đồng thời trải nghiệm những hoạt động “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng vui chơi” với người dân nơi miệt vườn sông nước. Với văn hóa ẩm thực, chị Út Trinh đã khéo léo đưa vào menu những món ăn từ đặc sản địa phương để phục vụ du khách, đặc biệt là có hoạt động bắt cá lóc, làm bánh lá mít, gỏi bông bần, chiên bánh xèo hến bông điên điển…
Ấn tượng nhất là du khách sẽ ngắm hoàng hôn buông mình trên sông Tiền, sau đó sẽ trải nghiệm những hoạt động văn hóa văn nghệ về đêm đặc trưng của người phương Nam, đó là đốt đèn dầu nghe đờn ca tài tử hay đốt đuốc lá dừa đi vào đình nghe hát bội. Du khách đi xuyên qua những con đường mòn giữa những thôn xóm, tiếng côn trùng rả rích kêu đêm, ánh sáng đom đóm lập lòe hòa cùng tiếng tim đèn lách tách nhắc nhớ về một không gian xưa cũ, tách mình khỏi những ồn ào chốn đô thị.
Đắm mình trong không gian lung linh của tiết mục “đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội”, một du khách người Mỹ khi đến Út Trinh Homestay đã chia sẻ những trải nghiệm tuyệt vời của cô ấy: “Tôi cảm nhận được từ trong trái tim, người diễn viên đã hòa mình vào vở diễn của họ. Tôi thật hạnh phúc khi đến Việt Nam và ngắm nhìn cuộc sống của người dân ở nơi đây”.
Du khách trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn của Công ty Du lịch Mekong Travel. |
Lan tỏa giá trị cộng đồng
Được biết đến là một nữ CEO thành đạt sau gần 20 năm thành lập Công ty DL Mekong Travel, năm 2018 dịch vụ lưu trú tại Út Trinh Homestay đạt giải ASEAN Standard (giải thưởng nhà có phòng cho khách DL đạt chuẩn). Theo chị Út Trinh: “Giá trị cộng đồng chính là yếu tố quan trọng giúp Út Trinh Homestay đạt giải thưởng này, cũng là yếu tố để khách quốc tế tăng lên mỗi năm. Sau dịch COVID-19 đến nay, lượng khách quốc tế đã phục hồi được khoảng 60%, khách nội địa tăng gấp 400-500 lần so với trước đây”.
Hoạt động tại các homestay đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, hiện đội ngũ nhân viên Mekong Travel và Út Trinh Homestay có khoảng 10 người chính thức và trên 100 người thuê theo thời vụ. Đặc biệt, nhân viên làm việc tại Út Trinh Homestay hầu hết là phụ nữ đã có gia đình, nhiều người gặp khó khăn trong hôn nhân, hỗ trợ sinh kế để họ có thu nhập, tự tin trong cuộc sống.
“Đến với Út Trinh Homestay, các chị đều được tập huấn lời ăn tiếng nói, cử chỉ giao tiếp, chỉn chu vẻ ngoài. Điều này cũng góp phần giúp họ thay đổi bản thân, tự yêu quý chính mình, tự tin và độc lập về tài chính hơn.”- chị Út Trinh tâm sự.
Chị Phạm Thị Ngọc Trinh luôn mong muốn phát triển du lịch tỉnh nhà gắn với quảng bá đặc sản địa phương, kết hợp văn hóa bản địa và lan tỏa giá trị cộng đồng. |
Không chỉ tạo việc làm cho người dân, Út Trinh còn liên kết với nhiều nông dân có vườn cây ăn trái tại địa phương để tổ chức các tour tham quan vườn trái cây, giúp nhà vườn tiêu thụ sản phẩm. Gần 20 năm qua, chị Út Trinh đã kết nối, thiết kế những tour DL trải nghiệm “làm thợ hồ” cho du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, chị cũng phối hợp kết nối để làm đường, sửa trường và xây hơn 125 căn nhà, giúp nhiều địa phương xóa bỏ nhà ở tạm bợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, chị Út Trinh còn đầu tư xây dựng thư viện miệt vườn tại nhà mình, nơi “chạm sách” để các học sinh, bạn trẻ ở cù lao đến đọc sách. Đây cũng là nhịp cầu để kết nối du khách nước ngoài với trẻ em địa phương, cơ hội để mọi người trò chuyện, rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh. “Tôi chỉ có ước mơ đơn giản là các em trong xóm này nói được tiếng Anh, có cơ hội đọc thêm những cuốn sách hay, tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài.”- chị Út Trinh cho biết.
Không chỉ lan tỏa những giá trị cộng đồng, người nữ CEO làm DL miệt vườn này còn nặng lòng với di sản gạch gốm của quê hương.
“Vĩnh Long có rất nhiều lò gạch có tuổi đời 100 năm nằm dọc hai bên bờ sông, có nhiều tiềm năng khai thác DL. Đến nay, tỉnh đã có đề án tôn tạo và giữ gìn, hướng đến “di sản đương đại” làm điểm nhấn phát triển DL quê hương. Để thuyết phục những chủ lò tại làng nghề giữ và duy trì hoạt động của lò gạch, tôi đã thiết kế tour DL “Vương quốc đỏ” để du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần mang lại giá trị kinh tế cho người dân”- chị Út Trinh bày tỏ.
Chia sẻ về dự định tương lai, chị Út Trinh cho hay: Hiện Út Trinh Homestay tại cù lao xã An Bình đã có 39 chiếc tàu vận chuyển khách DL, sẵn sàng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tôi sẽ thiết kế thêm nhiều tour tuyến mới, quảng bá đến du khách thêm nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP địa phương và liên kết với những cá nhân, đơn vị làm nông nghiệp để mang đến những trải nghiệm chân thật hơn cho du khách. Đồng thời bám sát các chủ trương, chính sách phát triển DL của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội nói chung và lĩnh vực DL nói riêng. |
Bài, ảnh: SONG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin