“Chúng em là học sinh thiếu sinh quân.
Trên những nẻo đường về đây xây mái trường…”
(VLO) 51 năm trước, Hành khúc thiếu sinh quân (TSQ) đã cất vang bên rạch Vàm Cơi (ấp An Thạnh, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình), bắt đầu lịch sử một ngôi trường TSQ Vĩnh Long, thuộc thế hệ thứ 2 của TSQ Quân khu 9. Giờ đây, những mái đầu bạc trắng, người “trẻ” thì tóc cũng đã điểm sương, nhưng giọng hát lại cất lên với một tinh thần hào hùng, mãi mãi tuổi thanh xuân.
Tinh thần, nhiệt huyết, ý chí cách mạng không hề nhạt phai trong tim các thế hệ thiếu sinh quân. |
Trong từng ánh mắt, nụ cười lấp lánh niềm vui, những vòng tay ôm chặt sau bao nhiêu năm xa cách, hỏi thăm nhau kẻ mất, người còn. Và những khoảng lặng, như những nốt nhạc trầm lắng bi hùng nhuốm dòng máu đỏ tươi của những anh hùng liệt sĩ TSQ, đã mãi mãi ngã xuống trên đất mẹ thân yêu.
Ba thế hệ TSQ Quân khu 9 ra đời, gắn liền với 3 giai đoạn: chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng bảo vệ Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia. Thế hệ 1 (1948- 1950), do Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ- nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chính ủy Liên khu miền Tây, chỉ đạo thành lập, còn gọi là TSQ Tây Nam Bộ. Thế hệ 2 (1973-1977), do Đại tướng Lê Đức Anh- nguyên Chủ tịch nước, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, chỉ đạo thành lập. Thế hệ 3 (1985-2013), do Trung tướng Nguyễn Thế Bưng- nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, chỉ đạo thành lập.
Ông Hoàng Thanh Sơn- Trưởng Ban Liên lạc TSQ Quân khu 9, bồi hồi nhắc lại: Sau khi đế quốc Mỹ “lật lọng” Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam”, chúng tăng cường càn quyét, đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng...
Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo thành lập TSQ để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cuộc kháng chiến. Theo đó, từ tháng 3-8/1973, các trường TSQ thế hệ 2 Quân khu 9 lần lượt được thành lập gồm: Trường TSQ Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Đoàn 962 và 8 trường TSQ các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang.
Hành khúc thiếu sinh quân vang lên, tiếp tục thắp lên ngọn lửa, tinh thần “thiếu sinh quân” năm xưa. |
“Thời gian học ở trường tuy rất ngắn, nhưng tình cảm thầy trò, bạn bè, đồng chí, đồng đội đã để lại trong lòng mỗi người nhiều kỷ niệm vui buồn, đầy gian truân vất vả; thậm chí để học được câu chữ không những đổ mồ hôi công sức mà còn có cả máu và nước mắt...
Nhưng dù bất cứ hoàn cảnh nào, thầy trò các trường TSQ Quân khu 9 vẫn chắc dạ bền lòng, cùng chung chí hướng, đoàn kết thương nhau như ruột thịt, dìu dắt nhau vượt qua muôn vàn thiếu thốn, gian khổ khó khăn, để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ dạy và học dưới làn mưa bom và các trận càn quét của kẻ thù, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình khi Tổ quốc và Nhân dân cần. TSQ luôn xứng đáng là “hạt giống đỏ” cách mạng không phụ lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước, quân đội và Nhân dân.
Trong những “hạt giống” được gieo mầm có nhiều đồng chí là tướng lĩnh cấp cao trong quân đội, công an...”- ông Hoàng Thanh Sơn xúc động nhắc lại.
Những đóa hoa trắng lặng lẽ đặt dưới chân bia đá, để người hôm nay tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh. |
Trường TSQ tỉnh Vĩnh Long đã được thành lập tháng 1/1973, với biên chế 4 tiểu đội, quân số là 52 người, gồm 7 cán bộ, giáo viên và 45 học sinh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quy mô trường được mở rộng và phát triển lên đến 1.200 học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên là 70 người. |
Ngày 1/9/2024, tại rạch Vàm Cơi tổ chức lễ khánh thành Bia kỷ niệm Trường TSQ tỉnh Vĩnh Long, một góc nhỏ miền quê Tam Bình bỗng trở nên rộn ràng, ấm áp nghĩa tình khi chào đón hội tụ về đầy gần như đầy đủ đại diện các ban liên lạc TSQ các tỉnh, thành Tây Nam Bộ.
Những lớp thầy trò giờ đây chẳng ai còn trẻ, nhưng đã khơi gợi lại những dòng chảy ký ức của một thời không thể nào quên, thật hào hùng, thật gian khổ mà cũng vô cùng lãng mạn một tinh thần rất đậm chất “TSQ”.
Nhiệt huyết TSQ như mãi mãi tuổi thanh xuân không hề “già cỗi”, đã lan tỏa, thấm vào lòng những con người hôm nay với bao cảm xúc rất lạ lùng.
Hành khúc TSQ vang lên đưa ta về với những năm tháng mưa bom bão đạn, lại kể cho ta nghe những câu chuyện bi hùng về những đồng đội đã ngã xuống ở đâu đó trên khắp vùng đất quê mình, những anh hùng liệt sĩ TSQ xếp bút nghiên ra trận và họ đã nằm xuống mà có người chưa biết hơi ấm một bàn tay con gái.
Một thời chiến tranh ác liệt, bom đạn kẻ thù dội vào lớp học, dội xuống bữa ăn máu loang đỏ mâm cơm, không làm nao núng, run sợ mà càng nấu nung ý chí, lòng căm hận ngút trời.
Giọng ông Hoàng Thanh Sơn bỗng trở nên chùng xuống, như một nốt trầm bi thương, khi đọc đến 4 câu thơ của ai đó khóc thương cho thầy cô, bạn bè, đồng chí của mình: “Thầy tôi mất, bạn tôi cũng mất/ TSQ chất ngất hờn căm/ Đất U Minh thầy bạn tôi nằm/ Máu tràn đổ ngàn năm vẫn nhớ”.
Những đóa hoa trắng tinh khôi, người hôm nay đặt dưới chân bia đá, lặng lẽ mà ngập tràn, rưng rưng niềm xúc động chân thành.
Các thế hệ TSQ xứng đáng là những “hạt giống đỏ” cách mạng, được ươm mầm trong nghịch cảnh chiến tranh và họ đã tiếp tục cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vưc, vị trí công tác khác nhau.
Họ đều có chung một tinh thần, khí chất “TSQ” không hề phai nhạt. Tinh thần đó, truyền thống đó cần tiếp tục như ngọn đuốc mãi thắp sáng và trao truyền cho nhiều thế hệ tuổi trẻ mai sau.
Công trình Bia kỷ niệm Trường TSQ tỉnh Vĩnh Long xây dựng với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, trên diện tích 100m², gồm: phần bia chính bằng đá hoa cương, cao 2,2m, rộng 1,6m; phòng trưng bày hình ảnh và sân trước bia. Nguồn vận động trong lực lượng thầy, cô, các cựu học sinh TSQ và các nhà tài trợ. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin