Đời ghe...

21:59, 02/09/2024
 

Mỗi lần về quê anh, tôi hay một mình xuống bến. Cái bến lọt thỏm giữa hàng dừa nước và dãy cây bần. Hoang vắng. Mát rượi. Có một chiếc ghe cũ buộc đó. Đường nối hai bên be có chỗ bong tróc lớp dầu chai. Nước rỉ vào ngập khoang.

Mẹ vẫn đi lên ruộng bằng chiếc ghe cũ đó. Một mình. Từ bến nhà, mẹ chèo khoảng 30 phút là tới ruộng. Ngày nào gặp nước xuôi thì nhanh hơn. Tôi hỏi anh sao mẹ không đi xe vì đường lộ đã mở. Anh nói mẹ không biết chạy xe (cả xe đạp lẫn xe máy). Từ khi về làm vợ cha, mẹ đã theo cha đi cào cá trên ghe. Mẹ chèo giỏi lắm.

Một dạo, tôi xin mẹ theo ghe lên ruộng. Mẹ cười nói sợ con hổng quen. Tôi lấy cái nón lá mẹ treo trên giàn bếp, mượn cái áo dài tay rồi đi xuống bến. Nước đang lớn. Có nghĩa là sẽ phải chèo nước ngược. Tôi vịn tay vào be ghe ngó nghiêng con nước.

Mẹ kể hồi trước, dọc theo mé sông người ta hay đăng để bắt cá tôm. Khi nước lớn, người ta cắm nhiều cây tre dọc mé sông, rải cám làm mồi nhử cá vào mé. Đến khi nước cạn, cá mắc lại nơi bãi sình, người giăng lưới bắt đầu cuộc kiếm cá kiếm cơm.

Tôi cũng dân quê, lại là kiểu con gái mà cha nói rất nam tính. Trò nào cũng dự vào cho biết đen thui, chân cẳng thì đầy sẹo, tóc tai cháy nắng. Cứ có cơ hội là tôi ra mương sau nhà, lấy sình ngăn hai đầu lại rồi tát mương bắt cá. Tôi nhớ một lần tôi cúng thần sình một cái nhẫn vàng 18K. Sình trơn, cái nhẫn tuột khỏi ngón tay lúc nào tôi chẳng thể biết được. Hồi đó nhà tôi nghèo lắm. Cái nhẫn là tài sản mà má Sáu thưởng cho khi tôi đi thi học sinh giỏi huyện. Tôi no đòn và bị cấm không được đi tát mương nữa. Từ đó về sau, nhất là đến Tết, tôi đứng trên bờ nhìn mọi người tát mương mà thèm thuồng.

Mẹ xuôi chèo, tấp ghe vào đám dừa nước, búng tay để xem dừa nước đã nạo chưa. Mẹ biết tôi mê món này. Mẹ chặt hai buồng để xuống sạp ghe, vừa làm vừa kể thằng Nhí (chồng tôi) hồi nhỏ hay đi bắt cá bống ở mấy bập dừa. Mùa cá bống trứng thì đặt lưới chỗ cái xẻo gần nhà. Cha mẹ đi cào cá đem chợ bán để kiếm kế sinh nhai.

Mấy đứa nhỏ bây giờ thấy sình đất là sợ. Hoặc dẫu có thích cũng không có cơ hội tắm sông bắt cá như cha mẹ chúng ngày xưa. Muốn trải nghiệm thì vào khu du lịch, bỏ ra một số tiền để được chơi với thiên nhiên. Mẹ thiên nhiên có bao giờ bắt con người trả tiền cho những cuộc chơi để trưởng thành.

Gió vờn con nước. Phía trước dề lục bình chắn ngang. Mũi ghe xẻ chúng ra làm hai. Hoa tím ngả nghiêng trong nắng. Rồi chúng nhanh chóng hợp lại vặn mình nơi chỗ nước xoáy phía ngã ba. Mẹ kêu tôi vớt lục bình quăng lên bờ đê. Mấy thứ ấy nở dày đặc sông cản trở ghe xuồng đi lại. Thấy tôi do dự, mẹ nói cứ yên tâm. Ở đây có mấy nhà đan lục bình. Quăng vậy là giúp người ta đó.

Tôi hỏi mẹ những lúc một mình chèo ghe lên ruộng thì có buồn không. Mẹ nói quen rồi. Dọc đường đi gặp bà con gọi chào um sùm vui lắm. Mẹ luôn có lý do lên ruộng. Mộ của cha ở đó. Mẹ lên tưới mấy bụi hoa cúc trồng quanh mộ cha, đảo xung quanh thăm ruộng, hái nắm nhãn lồng hay mớ đậu rồng về luộc là xong một bữa. Mẹ kể cha mày đi bắt cá gặp nạn hồi thằng Nhí học lớp 12. Lúc còn sống, ổng chèo ghe lên ruộng như cơm bữa. Có bữa say, nằm trên ghe thả trôi về.

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao mẹ không bán chiếc ghe. Cũng hiểu vì sao cứ lủi thủi một mình mà mẹ vẫn theo con nước ngày ngày lên ruộng. Giờ chắc chẳng còn chèo ghe để kiếm cá kiếm cơm. Mẹ tìm cái tình trăm năm trong từng con nước.

Bài, ảnh: HUỲNH NHỊ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh