Nguyễn Đình Chiểu- cây bút chở đạo, trừ gian

06:08, 11/08/2024

Vượt lên số phận cụ Nguyễn Đình Chiểu dùng ngòi bút của mình để chở đạo và làm vũ khí để chống lại kẻ thù, cổ vũ tinh thần yêu nước của người nông dân, của nghĩa sĩ. Tấm gương ngời sáng của cụ được nhân dân yêu kính và được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

(VLO) Vượt lên số phận cụ Nguyễn Đình Chiểu dùng ngòi bút của mình để chở đạo và làm vũ khí để chống lại kẻ thù, cổ vũ tinh thần yêu nước của người nông dân, của nghĩa sĩ. Tấm gương ngời sáng của cụ được nhân dân yêu kính và được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là nơi mà thế hệ hôm nay tri ân những đóng góp lớn lao của cụ cho nước nhà.
Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là nơi mà thế hệ hôm nay tri ân những đóng góp lớn lao của cụ cho nước nhà.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Cụ thân sinh là Nguyễn Đình Huy, là người gốc Thừa Thiên Huế, vào Gia Định làm quan dưới thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt.

Thời thơ ấu, Nguyễn Đình Chiểu được sống trong sự nuôi dạy chu đáo nhưng đường đời của ông cũng sớm gặp gian truân. Năm 25 tuổi, sau một thời gian nỗ lực, ra công đèn sách, Nguyễn Đình Chiểu trở ra kinh đô Huế ứng thí, nhưng chưa đến khoa thi thì hay tin mẹ lâm bệnh nặng đã mất tại Gia Định.

Vì quá đau buồn, thương khóc mẹ, trên đường về chịu tang mẹ ông khóc nhiều, lâm bệnh nặng dẫn đến mù cả hai mắt.

Từ đây cuộc đời ông bước sang một trang khác. Ông mở trường dạy học và bốc thuốc, trị bệnh cho người nghèo. ThS Hồ Nhựt Quang- Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, chia sẻ: “Nguyễn Đình Chiểu là người thầy thuốc có trách nhiệm và là nhà giáo mẫu mực.

Ông đã vượt qua tất cả những gian truân của cuộc đời để làm nên những tác phẩm kỳ diệu, như: Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Dương Từ- Hà Mậu,... đó là những áng văn chương có tư tưởng sâu sắc. Rồi nhiều bài văn tế để nói về công đức của người dân, những người dân rất bình thường nhưng dám hy sinh vì nước”.

Năm 1862 thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam Kỳ. Nguyễn Đình Chiểu về sống ở quê vợ Cần Giuộc, Long An. Cần Giuộc là vùng đất bình dị, đời sống người dân qua bao đời gắn bó với thửa ruộng, mảnh vườn. Cuộc sống của họ sẽ mãi bình yên nếu thực dân Pháp
không tới.

Sau khi chiếm thành Gia Định, thực dân Pháp tiến quân chiếm Mỹ Tho, TX Gò Công cùng Tân An và Cần Giuộc. Trong khi Triều đình Huế lúng túng chưa tìm ra cách đối phó với giặc ngoại xâm thì những nông dân ở Cần Giuộc, theo lời kêu gọi của nghĩa binh đã cầm lấy giáo mác, gậy gộc vùng lên đánh giặc.

Trận đánh trên sông Cần Giuộc, được Nguyễn Đình Chiểu kể lại trong bài Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đi vào lòng biết bao thế hệ.

“Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia/ Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ”.

Theo PGS.TS Trần Thị Mai- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong tiến trình văn học nước nhà, người nông dân được xây dựng là hình ảnh trung tâm, là nghĩa sĩ dũng cảm quên mình khi vận nước lâm nguy.

Hình ảnh người nông dân “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm”, nay phải dùng những công cụ lao động đó làm vũ khí chống giặc ngoại xâm và sẵn sàng xả thân, chấp nhận hy sinh.

Chính hiện thực đó đã tác động sâu sắc đến Nguyễn Đình Chiểu. “Và khi ông được mời viết bài văn tế thì ông cứ đưa hiện thực đó vào bài văn tế. Và ông đã thể hiện vị trí của người nông dân với tư cách là những nghĩa sĩ, chiến sĩ vụt sáng như những anh hùng”.

Năm 1867, 6 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay người Pháp, nhiều nho sĩ thể hiện tinh thần bất hợp tác với thực dân nên đã làm nên phong trào tị địa, trong đó có nhà giáo Nguyễn Đình Chiều.

Ông đã chọn Ba Tri, Bến Tre, vùng quê nghèo khó xa xôi để sống cuộc sống thanh bần. Tại Ba Tri, ông tiếp tục hành nghề y, mở lớp dạy học và viết văn, làm thơ cổ vũ tinh thần yêu nước, chiến đấu với kẻ thù.

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

“Bằng ngòi bút của mình ông đặt ra trách nhiệm chở đạo, rồi việc dạy người để làm sao cho đạo lý của dân tộc, của Nhân dân trong một đất nước đang trải qua cuộc chiến khốc liệt.

Ông đã động viên khích lệ tinh thần yêu nước của Nhân dân ta, đặc biệt là Nhân dân Nam Bộ đang đứng lên chống Pháp”- PGS.TS Trần Thị Mai nhấn mạnh.

Là đại diện tiêu biểu cho lớp sĩ phu yêu nước dùng văn thơ làm vũ khí đấu tranh chống thực dân xâm lược, trong sự nghiệp văn học của mình, Lục Vân Tiên là tác phẩm thành công nhất của cụ.

Chân dung cụ Đồ Chiểu đặt trang nghiêm trong đền thờ để người dân đến chiêm bái, tưởng nhớ.
Chân dung cụ Đồ Chiểu đặt trang nghiêm trong đền thờ để người dân đến chiêm bái, tưởng nhớ.

Tác phẩm được viết bằng thể loại truyện thơ, mang yếu tố tự truyện lấy chủ đề ca ngợi chính nghĩa, phê phán những thói xấu, sự bất công trong xã hội đương thời. Những nhân vật trong truyện như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực phần nào phản ánh nét tính cách của người Nam Bộ, hào sảng, nghĩa khí, nhân hậu.

Cả cuộc đời sống thanh bần, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho thế hệ hôm nay một khối lượng tác phẩm đồ sộ, thể hiện tinh thần nồng nàn yêu nước và trên hết là đề cao hình ảnh người nông dân trong bối cảnh nước mất, nhà tan.

Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại Ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là nơi mà thế hệ hôm nay tri ân những đóng góp lớn lao của cụ cho nước nhà. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2016. Trong quần thể di tích nổi bậc có đền thờ và nhà bia.

Nhà bia là nơi đặt tấm bia đá xanh, nguyên khối. Mặt trước khắc bài văn bia ca ngợi công đức của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Mặt sau khắc tóm tắt tiểu sử của nhà thơ.

Đền thờ được xây dựng vào năm 2000-2002, cao 21m, với 3 tầng mái ý nghĩa nói về 3 nghề nghiệp gắn với cuộc đời cụ Đồ Chiểu là nhà giáo, nhà thơ và thầy thuốc. Tầng trên đặt tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu, là nơi thờ tự trang nghiêm, để người dân thường ngày đến cúng viếng.

Năm 2022, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Cụ là danh nhân văn hóa thứ 6 của cả nước và là đầu tiên của vùng đất Nam Bộ thành đồng. Những bài học về ý chí vượt lên số phận, nghị lực vượt qua nghịch cảnh, yêu nước thương dân, sống đẹp cho đời mà cụ để lại đã trở thành khuôn vàng thước ngọc, là tiêu chuẩn cho thế hệ hôm nay.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh