
Đình Phước Định (thuộc ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân địa phương.
![]() |
Đình Phước Định. |
Đình Phước Định còn lưu giữ được nhiều hoành phi, câu đối Hán văn có giá trị cao. Đặc biệt, là những di văn Hán văn ở vỏ ca với thủ pháp nghệ thuật trào phúng làm nổi bật tính ước lệ trong nghệ thuật hát bội một cách độc đáo và đặc sắc. Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ nguyên vẹn các bài văn tế và những nghi thức cúng tế truyền thống; duy trì đội học trò lễ và đội nhạc lễ cổ truyền tại đình.
Đình Phước Định nằm trong khu vực “Làng mai vàng Phước Định”, làng nghề được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ XX, vì vậy, đình Phước Định cần được bảo tồn, phát huy giá trị di tích tốt hơn nữa để xứng đáng với các bậc tiền nhân và giáo dục cho thế hệ mai sau. Từ đây, góp phần vào xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch kết hợp làng nghề mai vàng Phước Định.
Vào thế kỷ XVI, người Việt từ miền ngoài thuộc xứ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam) xuôi theo những chiếc thuyền nan, ghe bầu vào khai hoang, khẩn đất và định cư tại vùng đất phương Nam. Đến cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, những lưu dân đầu tiên từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đến khai phá và định cư ở vùng đất Bình Hòa Phước. Do là vùng đất cù lao, mặt đất nhiều nơi còn thấp và nằm giữa sông Cổ Chiên, sông Tiền nên hàng năm tại đây thường bị lũ lụt bởi triều cường.
Đến đầu thế kỷ XIX, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trước những khó khăn tại vùng đất mới nên dòng họ Lê, Phạm (Quảng Ngãi) và dòng họ Nguyễn (Quảng Nam) đã hợp sức cùng người dân địa phương xây dựng đình Phước Định. Ban đầu, đình được xây dựng khá đơn sơ bằng tre lá, thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh tại vàm Thủ cặp sông Cổ Chiên trên phần đất của ông Hương sư Bằng.
Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều đình Huế cho dựng đàn Xã Tắc ở phía Tây và cho dựng đàn Tiên Nông ở phía Đông tỉnh thành thuộc huyện Vĩnh Bình. Đàn Tiên Nông Vĩnh Long tọa lạc trên phần đất công điền của thôn Phước Định cùng vị trí với đình Phước Định xưa (tại vàm Thủ cặp sông Cổ Chiên). Đàn thờ Tiên Nông được xây dựng theo thiết chế của triều đình nhà Nguyễn ở “cấp tỉnh” và tế lễ ở cấp “Trung tự” tương đương với Văn Thánh miếu Vĩnh Long.
Trước đó, vào tháng 2/1828 vua Minh Mạng cho xây dựng đàn Tiên Nông ở kinh thành Huế, sau đó vua đích thân làm lễ cày ruộng tịch điền. Đến năm 1829, vua Minh Mạng chuẩn định lễ phẩm tế đàn Tiên Nông ở Huế dùng: trâu, dê, heo, bảy mâm xôi và năm mâm quả phẩm.
Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nhà nước có quy định việc cúng tế đàn Tiên Nông ở các tỉnh như sau: “Minh Mạng năm thứ 13 (1832), chuẩn nghị cho các địa phương đều đặt 3 mẫu ruộng tịch điền về phía Đông bên ngoài tỉnh thành, dựng đàn Tiên Nông ở giữa. Hàng năm Tòa khâm thiên chọn ngày tốt vào trước hoặc sau ngày 15/5, cử hành lễ nhà vua thân đến cày.
Các địa phương thì sau vài ngày, do bộ Lễ sao lục đưa xuống thi hành. Đến ngày, đầu canh 5, viên coi đàn sở bày thần vị và đồ tế phẩm ở đàn sở; lễ dùng trâu, heo, 1 mâm xôi đều dùng từ 1-3 mâm quả phẩm, quan tỉnh ấy đem văn vũ thư hạt, mặc đủ triều phục làm lễ, lễ xong, mới đổi mặc áo chẽm ống tay, đến chỗ ruộng tịch điền thân hành cày ruộng. Tự Đức năm thứ 4 (1851), chuẩn nghị: Đàn Tiên Nông ở các trực tỉnh, xuân thu 2 kỳ tế, đều dùng thêm 1 con dê cho đủ lễ tam sinh”.
Hàng năm, đàn Tiên Nông Vĩnh Long tổ chức 2 kỳ cúng tế quan trọng vào trung tuần (ngày 16, 17) tháng 5 và trung tuần (ngày 16, 17) tháng 10 âm lịch. Vào 2 kỳ tế trên, triều đình cử các quan đầu tỉnh ở Vĩnh Long về tế theo điển lễ, việc thờ cúng thường nhật giao cho hương chức làng Phước Định thực hiện và được miễn thuế “tự điền” và “tự đinh” (thuế ruộng và thuế thân).
Đến ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (nhằm ngày 8/1/1853), đình Phước Định chính thức được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh theo tinh thần “Thành Hoàng phù trợ yên bờ cõi. Bổn Cảnh vun bồi thịnh nước non” và đặt tên hiệu là “Phước Định vũ miếu”.
Khoảng cuối thế kỷ XIX, vàm Thủ bị sạt lở, nhận thấy không còn thuận tiện cho người dân đến hành hương lễ bái nên hương chức làng Phước Định quyết định di dời đình Phước Định và đàn Tiên Nông về vị trí mới.
Đình Phước Định dời về ngọn rạch vàm Thủ (rạch Mương) vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 1km. Đình được xây dựng lại với cột kèo bằng gỗ sắn, mù u, trâm bầu; đòn tay làm bằng tre, so đũa; vách lá dừa nước trên diện tích khoảng 12.000m2 do ông Nguyễn Văn Khánh hiến cúng và hoàn thành việc xây dựng vào năm 1888. Sau khi ông Nguyễn Văn Khánh mất, ông được Ban Hội hương thỉnh về thờ phụng tại đình.
Trải qua nhiều lần dời đổi, đến năm 1919, đình Phước Định hoàn thành việc xây dựng theo kiến trúc cơ bản của một ngôi đình làng Nam Bộ với các công trình: vỏ ca, vỏ quy, chánh điện. Đồng thời, bên trong được bố trí đầy đủ các đồ tự khí như: nghi thờ, khánh thờ, bài vị, hoành phi, liễn đối được chạm khắc và sơn son thếp vàng rực rỡ,…
Hiện nay, đình Phước Định còn lưu giữ nhiều tán đá kê cột có kích thước từ 50-65cm, chứng tỏ đình Phước Định là một ngôi đình có quy mô lớn trên xã cù lao Bình Hòa Phước. Chính vì vậy, trong dân gian hình thành những câu hò mộc mạc ăn sâu vào tâm thức và gửi gắm tình nghĩa của người dân về ngôi đình làng: “Hò…ơ… hơ… Người ở Bình Long người ở Phước Định. Ngó qua rạch Dược ngó lại rạch Dinh. Sông gần sông xóm gần xóm đình cũng gần đình. Hò… ơ… hơ… Sông gần sông xóm gần xóm đình cũng gần đình. Ai ơi gắng giữ nghĩa tình xóm thôn”.
Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn dân thực hiện lệnh “tiêu thổ kháng chiến” Ban Hội hương đình Phước Định và người dân địa phương đã âm thầm thỉnh sắc thần và vật dụng thờ cúng về nhà ông chánh bái Lê Văn Điều cất giấu. Sau đó, thiêu hủy đình Phước Định nhằm không để quân Pháp chiếm đóng.
Đến năm 1954, Ban Hội hương đình Phước Định cùng với người dân tạm thời xây dựng lại chánh điện của đình trên nền cũ bằng tre lá, cây tạp, để có nơi thờ cúng Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Năm 1957, xây cất lại khu vực vỏ ca. Năm 1974, Ban Hội hương đình đã vận động kêu gọi sự ủng hộ sức người, sức của từ người dân địa phương đóng góp xây dựng lại chánh điện bằng bê tông cốt thép, tường gạch, mái lợp tôn, nền lát gạch đất nung. Đến năm 1975, công trình hoàn thành nhưng diện tích và quy mô của ngôi đình thu hẹp hơn so với ban đầu.
![]() |
Làng nghề mai vàng Phước Định phát triển sản phẩm du lịch kết hợp di tích lịch sử- văn hóa đình Phước Định trong tương lai. |
Năm 2013-2014, Ban Hội hương xây dựng nhà khói (nhà khách). Năm 2014-2015, thực hiện tiêu chí 6 và tiêu chí 16 theo Quyết định số 499/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc Ban hành hướng dẫn thực hiện, đánh giá các tiêu chí xã NTM. Ban Hội hương đình Phước Định hiến tặng phần đất phía Tây của đình để xây dựng Cụm văn hóa liên ấp Phước Định 1, Phước Định 2. Đồng thời, xây dựng hàng rào và thay mái ngói khu vực vỏ quy và chánh điện.
Năm 2017-2018, xây dựng nhà trù (nhà bếp). Đầu năm 2024, vỏ ca đình Phước Định bị xuống cấp nên Ban Hội hương cùng với người dân địa phương tiến hành tái thiết vỏ ca và xây dựng mới cổng đình.
Căn cứ vào tài liệu thu thập và những ý kiến đóng góp của các nhân chứng lịch sử về những giá trị lịch sử, văn hóa của đình Phước Định; Sở Văn hóa-TT-DL tiến hành lập hồ sơ trình UBND tỉnh, xem xét xếp hạng đình Phước Định là di tích lịch sử- văn hóa nhằm tạo điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG