Chuyện về Tổng Đội trưởng Tổng Đội thanh niên xung phong giải phóng miền Nam

02:07, 21/07/2024

Nhân 74 năm Ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) (15/7/1950- 15/7/2024), mời bạn cùng tôi "sống lại" với những câu chuyện thắm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng đội, anh em trong 5 năm ông Tổng Đội trưởng Nguyễn Đức Toàn cùng cán bộ, chiến sĩ Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam quả cảm xông pha trận mạc.
 

Nhân 74 năm Ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) (15/7/1950- 15/7/2024), mời bạn cùng tôi “sống lại” với những câu chuyện thắm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng đội, anh em trong 5 năm ông Tổng Đội trưởng Nguyễn Đức Toàn cùng cán bộ, chiến sĩ Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam quả cảm xông pha trận mạc.
Ông Nguyễn Đức Toàn (1932-2008), sinh quán xã Hiệp Mỹ, trú quán xã Long Hữu, huyện Cầu Ngang (nay TX Duyên Hải). Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có gần 5 năm (1965-1969) giữ chức Tổng Đội trưởng Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam.
 
Ngày 15/7/1950, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập Đội TNXP tại căn cứ kháng chiến tỉnh Thái Nguyên có 225 đội viên với hành trang là lời căn dặn nhiệt huyết của Bác Hồ. Mục đích việc thành lập Đội TNXP là nhằm “Phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm “trường học lớn” đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội tương lai”.
 
Tổng Đội trưởng Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam Nguyễn Đức Toàn kể: Cuối tháng 4/1965, tại căn cứ kháng chiến Tân Biên, Tây Ninh, Trung ương Cục chỉ đạo Trung ương Đoàn vận động thanh niên trong các cơ quan dân chánh của Trung ương Cục được tất cả hơn 100 người, thành lập lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu và lấy tên là C100. Đây là đơn vị đánh dấu sự ra đời của lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, do đồng chí Trần Văn Mãnh (Hai Văn), cán bộ Trung ương Đoàn miền Nam làm chính trị viên. C100 ra đời được Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trên tuyến đường từ Khu VI về miền Đông.
 
Để đảm bảo nhân lực TNXP phục vụ chiến đấu, lãnh đạo Trung ương Đoàn chỉ thị cho các tỉnh đoàn có nhiệm vụ xây dựng lực lượng TNXP đưa về Trung ương Đoàn, tiếp tục thành lập thêm các C TNXP theo yêu cầu hoạt của các đơn vị vũ trang chủ lực. Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đoàn các tỉnh: Trà Vinh, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bà Rịa… đều lần lượt có lực lượng TNXP đưa lên Trung ương Đoàn. 
 
Hoạt động của các đơn vị chủ lực Quân giải phóng miền Nam ngày càng lớn mạnh và rộng khắp các địa bàn. Lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu ngày càng đông hơn. Vì vậy, nhất thiết phải có cơ quan lãnh đạo TNXP giải phóng miền Nam để lo nhiệm vụ tuyển quân, giáo dục huấn luyện, tổ chức, hậu cần, công tác chính trị tư tưởng thường xuyên, công tác hợp đồng phục vụ cho các đơn vị bộ đội chủ lực, thực hiện chính sách thương binh, tử sĩ…
 
Từ thực tế này, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thành lập Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam và Nghị quyết phân công đồng chí Trần Mậu Minh (Sáu Dũng) giữ chức Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tổng Đội TNXP, tôi (Nguyễn Đức Toàn, lúc đó gọi Tư Dũng- NV), cán bộ Thanh vận tỉnh Trà Vinh rút lên năm 1961, lúc đó là Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Đội trưởng, Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam.
 
Sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Đội trưởng Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam, từ cơ quan Trung ương Đoàn, tôi đi ngay về C100. Đa số cán bộ, đội viên của C100 là thanh niên từ cơ quan Trung ương Đoàn miền Nam được phân công về đây, nên gặp nhau như người trong gia đình.
 
Đặc điểm của lực lượng TNXP là tổ chức phải có tinh thần quân sự hóa cao lại vừa có tính chất quần chúng rộng rãi. Đơn vị có cả nam lẫn nữ sống và phục vụ chiến đấu cùng chung với nhau trong một tập thể. Trong phục vụ chiến đấu, phụ nữ hơn hẳn nam giới về tính kiên trì, dẻo dai, tình cảm và sự chăm sóc đối với thương binh.
 
Ngay việc nâng cáng thương binh lên và để cáng thương xuống trong lúc tải thương, phụ nữ làm cũng rất nhẹ nhàng êm thắm hơn nam giới. Khi anh em thương binh đã đến tay anh em TNXP là được anh em bảo vệ đến cùng, ngay cả việc nhường sữa, nhường đường, nhường từng hớp nước cho chiến thương, thậm chí, còn lấy thân mình che đạn cho chiến thương như cô đội viên TNXP Đoàn Thị Liên người nữ công nhân cao su ở C Phú Lợi.
 
Có trận, các đội viên đã sử dụng tất cả trang bị bằng ny lông, dây võng, dây tăng mà đội có được để làm thành phao bè căng qua 2 bờ sông làm điểm bám, rồi lần lượt nhiều đội viên ngâm mình dưới nước, đẩy chuyển 60 thương binh vượt sông La Ngà an toàn ngay trong đêm.
 
Hay như trận chuyển 40 thương binh vượt suối Bà Hảo, các đội viên thay nhau đứng dưới suối làm trụ cầu, lót cây trên vai cho đồng đội khiêng thương binh qua suối… Cử chỉ và tình thương đó của lực lượng TNXP đối với bộ đội bị thương, sau này có nhạc sĩ đã viết nên câu hát vô cùng xúc động “Em không để vết thương anh rỉ máu hai lần”.
 
… Sau nhiều lần đi hành quân dài ngày cùng với đơn vị, tôi hiểu thấu đáo tinh thần quả cảm và sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của lực lượng TNXP giải phóng miền Nam mà tôi là người chỉ huy trực tiếp. Lần này, tôi quyết định trực tiếp tham gia cùng các đồng chí phục vụ một trận đánh để tai nghe mắt thấy một cách tường tận sự hy sinh và tinh thần quả cảm đó của TNXP. Tôi tham gia cùng với đơn vị phục vụ trận đánh Nhà Đỏ Bông Trang.
 
Trận đánh này đơn vị TNXP của chúng tôi có nhiệm vụ phục vụ cho đội hình Sư đoàn 9 của ta đánh tập kích vào căn cứ của một lữ đoàn bộ binh Mỹ đóng tại Nhà Đỏ Bông Trang (thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay), vào đêm 23/2/1966. Hệ thống bố phòng căn cứ quân sự này của Mỹ rất chặt chẽ, có khả năng kiềm chế đối phương ở cự ly bán kính đến 40km. Tôi cùng với một đại đội TNXP đi theo chỉ huy Sở Hậu cần của Sư đoàn 9. Vào đến trận địa, chúng tôi cử một tổ TNXP nhanh chóng triển khai việc đào hầm cho chỉ huy sở.
 
Hầm đào chưa kịp xong thì đúng 3 giờ sáng, quân ta bắt đầu nổ súng. Thông thường, khi phục vụ chiến đấu, lực lượng TNXP đảm nhận việc tải đạn trên đường hành quân đến địa điểm hợp đồng giao cho bộ đội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tải đạn ra chiến trường, lực lượng TNXP trở thành lực lượng tải thương. Sau trận đánh, lực lượng TNXP cuốn dần, tiếp tục khiêng thương binh, tử sĩ về phía sau và đưa đến nơi an toàn. 
 
Đánh với Mỹ, quân ta có phương châm là tập trung hỏa lực giải quyết thật nhanh chiến trường- vì chỉ sau khoảng một giờ nổ súng là chúng có máy bay các loại đến tiếp viện. Trận Nhà Đỏ Bông Trang, ta nổ súng lúc 3 giờ sáng, đến 4 giờ sáng kết thúc. Toàn đơn vị tham chiến và lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến phải vận động rút hết quân vào rừng trước khi trời mờ mờ sáng.
 
Khoảng 4 giờ 30 phút, khi sương sớm còn đọng dưới trời rạng đông, mây ửng hồng vén bóng đêm, rạng sáng thì máy bay Mỹ đến tiếp cứu đồng bọn bay dày đặc bầu trời như bầy chuồn chuồn. Trời vừa sáng rõ, trực thăng Mỹ đổ quân ngay và pháo bắn cấp tập theo các đường chúng đoán là quân ta rút lui. Tình huống này đơn vị đã tính trước khi sinh hoạt chiến lệ trận đánh.
 
Các đồng chí trong đơn vị tôi hoàn thành nhiệm vụ khiêng tải chiến thương cho đơn vị tiếp nhận, về đến đơn vị lúc 11 giờ. Về đến đơn vị, các đồng chí ăn cơm xong, chợp mắt tí đến 15 giờ phải thức dậy nấu cơm gói sẵn cho mỗi người rồi cho nước vào bình ton, lại tiếp tục di chuyển thương binh. 
 
10 năm phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm (1965-1975), lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, có hơn 600 đội viên hy sinh, hơn 500 đội viên khác bị thương. Máu xương của các đồng chí đã góp phần xây dựng nên “Huyền thoại” của lực lượng TNXP giải phóng miền Nam “Phục vụ quên mình- Anh dũng xung phong- lập công vẻ vang”.
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch nước đã phong tặng Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam, Đại đội Ấp Bắc và 10 liệt sĩ TNXP danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Với cương vị người từng đảm trách vai trò Tổng Đội trưởng Tỏng đội TNXP giải phóng miền Nam, tôi cảm thấy hãnh diện với thành tích vẻ vang của đồng đội”(1)
 
“Tôi có đến 14 năm (1963-1977) công tác chung với anh Tư Toàn ở cơ quan Trung ương Đoàn miền Nam với nhiệm vụ là cấp dưới của anh, nhất là trong thời kỳ Trung ương Đoàn hoạt động trên chiến khu miền Đông, tôi và anh Tư Toàn có rất nhiều kỷ niệm đẹp trong đời… Trong chiến công vẻ vang của Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam có công lao đóng góp đầy nhiệt huyết của anh Tư Toàn- đồng chí Nguyễn Đức Toàn- nguyên Tổng Đội trưởng, kiêm Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tổng Đội TNXP giải phóng miền Nam”(2)- ông Nguyễn Minh Triết- nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cảm tưởng!
 
Tháng 9/1982, ông Nguyễn Đức Toàn được Ban Bí thư Trung ương Đảng phân công nhiệm vụ Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại tỉnh Kompongspư, Campuchia. Tháng 10/1986, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV, ông được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Tại xã Long Hữu, TX Duyên Hải- quê hương ông, có một ngôi trường mang tên ông: Trường THCS Nguyễn Đức Toàn!
 
(1), (2) Theo “Người con đất Giồng Thị”- Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, tháng 8/2017 và tài liệu điền giả của người viết.
 
Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh