"Thời gian có thể khiến người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời, nhưng tôi nghĩ khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc…". Câu nói của ông Nguyễn Trinh- cựu chiến binh từng tham gia lực lượng pháo binh (ngụ xã Đồng Lộc), là một lời khẳng định sự thật, khi ai đã từng một lần đến nơi đây.
(VLO) “Thời gian có thể khiến người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời, nhưng tôi nghĩ khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc…”. Câu nói của ông Nguyễn Trinh- cựu chiến binh từng tham gia lực lượng pháo binh (ngụ xã Đồng Lộc), là một lời khẳng định sự thật, khi ai đã từng một lần đến nơi đây.
Hố bom, nơi 10 cô gái hy sinh. |
Ngày cuối tháng tư vừa qua, đoàn công tác Thư viện tỉnh Vĩnh Long, trên đường về từ Điện Biên Phủ, chúng tôi đã có dịp viếng nơi yên nghỉ 10 cô gái mở đường ở Ngã ba Đồng Lộc.
Trong cái nắng tháng tư, cái nóng bức của gió Lào ở nhiệt độ hơn 41 độ, mồ hôi nhễ nhại, nhưng không ai than vãn, mà chung một ý nghĩ đến viếng được nơi yên nghỉ của 10 nữ Anh hùng Thanh niên xung phong là thỏa nguyện lòng thành kính tri ân.
Không chỉ riêng đoàn chúng tôi, mà cả ngàn người chen chúc với bãi đậu xe hàng trăm chiếc lớn nhỏ, ai cũng có chung một tâm nguyện.
Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, là giao điểm của QL15A và Tỉnh lộ 2 thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Ngã ba Đồng Lộc là mạch giao thông nối liền “hậu phương lớn miền Bắc” với “tiền tuyến lớn miền Nam”, đây là tuyến đường quan trọng mà quân đội ta từ Bắc vào Nam đều phải đi qua con đường này. Chính vì vậy, địch tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này bằng “mưa bom”.
Người đến viếng hầu hết dâng bông cúc trắng- tượng trưng cho sức sống mãnh liệt. |
Trong một bài thống kê, cứ mỗi mét vuông tại đây hứng chịu 3 quả bom tấn, chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3-10/1968, không quân địch đã trút xuống đây gần 50.000 quả bom các loại. Địch càng quyết phá nát con đường này, ta càng quyết giữ, bằng mọi giá không để cắt đứt tuyến đường chi viện cho miền Nam.
Chiến đấu ở chiến trường Đồng Lộc lúc đó gồm nhiều lực lượng như bộ đội, công an, công nhân giao thông, dân quân, nhân viên y tế, bưu điện, lái xe, thông tin… nhưng đông đảo nhất, hùng hậu nhất chính là lực lượng thanh niên xung phong.
Vào thời gian cao điểm nhất, số lượng người có mặt tại chiến trường Đồng Lộc lên tới 16.000 người. Những chiến sĩ thanh niên xung phong ngày ấy đa phần tuổi đời còn rất trẻ, họ bám cầu, bám đường, cứ bị dội bom là phải sửa chữa thông đường.
Thuyết minh viên kể: Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4, Đại đội 552 gồm 10 cô gái thanh niên xung phong nhận được chỉ thị san lấp hố bom vừa bị địch thả xuống để nhanh chóng thông đường cho xe đi qua.
Nhận được nhiệm vụ, các cô khẩn trương tiến hành công việc được giao với tinh thần vui vẻ, nghiêm túc. Đã 3 lần các cô bị đất đá vùi lấp, thế nhưng sức mạnh dân tộc sục sôi trong lòng các cô đã vực dậy những người con gái nhỏ bé ấy.
Đến chiều cùng ngày, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống khu vực các cô đang thực hiện nhiệm vụ. Mặt đất mù mịt, không gian hỗn loạn, cầu mong đâu đó ánh lên của sự sống nhưng không.
Những hố bom- chứng tích chiến tranh, phía sau là tượng đài 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. |
Bấy giờ, ngay tại Ngã ba Đồng Lộc chỉ có tiếng gào thét, tiếng khóc của đồng đội. Họ khóc cho sự ra đi quá đau thương của đồng đội mình khi các cô tuổi đời còn quá trẻ. Các cô đã anh dũng hy sinh!
Tất cả các cô đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Càng cảm động hơn nữa khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của cô Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra.
Thương xót người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh- cán bộ kỹ thuật đội N55 cùng có mặt lúc đó nghẹn ngào viết bài thơ: “Cúc ơi!” trong lúc đồng đội tìm thi thể cô:
“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng,
Xuân, Xanh...
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
“Chín bỏ làm mười”... răng được.
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu, bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?
… Gọi em,
Gào em
Khản giọng rồi
Cúc ơi!...”
56 năm đã trôi qua, các con đường ở Đồng Lộc nay đã được mở rộng, đường vào Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong được thông thoáng. Những ngọn đồi đã được phủ kín màu xanh cây lá, không còn những hố bom xoáy thành từng vũng như xưa.
Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được xây khang trang để tưởng niệm hàng ngàn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông Bắc- Nam.
Biết bao lời ca, biết bao tiếng thơ, tiếng lòng đã cất lên là những nén tâm hương thành kính dâng lên hương linh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cùng những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Giờ đây, khi chiến tranh đã đi qua, mỗi lần nhìn lại chúng ta đều cảm thấy khâm phục, biết ơn những tấm gương anh hùng của đất nước.
Từ đầu năm đến hết tháng 6, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã đón hơn 18.500 đoàn với khoảng 315.000 lượt du khách (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số lượng lớn là học sinh, sinh viên). Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 7, mỗi ngày, nơi đây đón từ 3.500-4.000 lượt khách. |
Bài, ảnh: HẠNH UYÊN