Như những người công nhân, viên chức khác, với những ngày nghỉ lễ- nhất là những dịp lễ được nghỉ nhiều ngày- tôi mừng rơn. Sau những ngày lao động cực lực, được khoảng nghỉ tận 4, 5 ngày ai mà chẳng... khoái.
Quà quê của mẹ. |
Như những người công nhân, viên chức khác, với những ngày nghỉ lễ- nhất là những dịp lễ được nghỉ nhiều ngày- tôi mừng rơn. Sau những ngày lao động cực lực, được khoảng nghỉ tận 4, 5 ngày ai mà chẳng... khoái.
Người lên kế hoạch đi biển. Người đi khu du lịch này, khu vui chơi nọ. Riêng tôi, tôi cũng có kế hoạch cho gia đình nhỏ của mình. Kế hoạch của tôi khi cũng là cái này, lúc cũng là cái khác. Nhưng điểm đến luôn ưu tiên cho sự trở về. Về quê!
Nhìn lại, có lẽ tôi có phần may mắn hơn những người con xa quê khác. Tôi cũng xa quê, nhưng là không quá xa. Từ nhà tôi bon bon bằng xe máy tầm hơn 1 giờ là đã về đến quê. Còn ô tô thì… khỏi phải nói: “tích tắc” sẽ đến ngay.
Đường quê giờ phẳng lì, thông thoáng. Chương trình nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt nông thôn từng ngày. Chợ rộng rãi, khang trang. Khu vui chơi, giải trí “có mặt”. Cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm không thiếu nên thành ra nông thôn giờ chẳng thua gì thành thị đâu à nhe!
Vì lẽ đó- lẽ gần nhà cha mẹ- nên mỗi cuối tuần tôi thường cho con về chơi với ông bà. Nhưng không vì thế mà đến những ngày nghỉ lễ (được nghỉ nhiều hơn những ngày cuối tuần) những cuộc trở về lại như những cuộc thường về.
Bởi, cuối tuần ít khi có đủ đầy anh em sum họp. Chuyện công việc, chuyện buôn bán, kinh doanh, chuyện con cái học hành nhiều khi “chiếm” luôn cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Thành ra những dịp nghỉ lễ- những dịp sum họp đủ đầy- vẫn luôn được trông ngóng và chờ đợi.
Vậy nên, trước kỳ nghỉ 1, 2 ngày mẹ tôi lại gọi cho từng đứa bảo: “Con muốn ăn món gì mẹ nấu?”. Rồi mẹ sẽ kể cho chúng tôi nghe nhà đang có rau gì đang xanh tốt, cá còn những loại nào, gà bao lớn, vịt đã có thể ăn được chưa,…
Những lúc thế Zalo nhóm gia đình của tôi lại “rôm rả”. Anh em chúng tôi nhắn hẹn nhau ngày về, bàn tính cần mua sắm chi, tạo bất ngờ gì... và, dĩ nhiên không quên “lấy ý kiến” về sẽ cùng nhau nấu món gì...
Cha mẹ tôi trồng rau cải, cây trái, nuôi cá, gà, vịt để khi “tụi bây về có cái mà ăn”. Chúng tôi muốn ăn gì thì tha hồ bày ra nấu dưới bàn tay chỉ huy của mẹ. Thế nhưng, lúc nào về đến ngõ nhà cũng đã nghe dậy mùi thơm.
Lúc nào ba mẹ tôi cũng đã nấu sẵn sàng một món: “Về tới nhà chắc đứa nào cũng đã đói. Ăn trước cái đã rồi muốn ăn món gì nữa thì tụi con nấu sau!”. Khi thì mẹ nấu cháo gà, cháo vịt, bún nước lèo, cà ri, khi thì cha cất công xay bột để mẹ nấu bánh canh, đổ bánh xèo,…
Nhìn những đứa con vẫn ăn ngon lành những món mình nấu, mẹ tôi cười mãn nguyện. Đối với cha mẹ tôi, con cái an cư, lạc nghiệp, con cháu lâu lâu lại về thăm, quây quần đủ đầy bên mâm cơm thì không còn gì mong mỏi hơn. Vậy nên, những cuối tuần, những dịp nghỉ lễ cha mẹ tôi lại lụi hụi nơi chái bếp.
Hôm nay, ngày làm việc cuối tuần. Thể nào, tối nay mẹ tôi cũng sẽ gọi. Thể nào, con gái tôi cũng sẽ “òn ĩ” ngoại nấu món nọ, món kia! Quê hương luôn đón đợi ta về. Và, hãy về khi còn có thể!
Bài, ảnh: DIỄM KIỀU