Sáng mãi tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ

07:05, 07/05/2024

Hòa cùng dòng người về thăm lại chiến trường xưa trong không khí chào đón kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chúng tôi đến viếng Đền thờ Liệt sĩ, Nghĩa trang A1, Di tích lịch sử đồi A1 (TP Điện Biên Phủ). Đặc biệt được thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La (tỉnh Sơn La).

(VLO) Hòa cùng dòng người về thăm lại chiến trường xưa trong không khí chào đón kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chúng tôi đến viếng Đền thờ Liệt sĩ, Nghĩa trang A1, Di tích lịch sử đồi A1 (TP Điện Biên Phủ). Đặc biệt được thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La (tỉnh Sơn La).

Hành trình ngược dòng lịch sử tại vùng “phên dậu” Tây Bắc, đã đưa chúng tôi sống lại với những hồi ức bi hùng nhưng cũng rất đỗi tự hào của dân tộc. Từ khói lửa chiến tranh, từ đau thương mất mát, đã trui rèn nên tinh thần tự lực, tự cường của những người con nơi đây. Họ đang tiếp nối cha ông vươn mình phát triển.

Nhiều người xúc động khi nghe kể về “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, tạo chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nhiều người xúc động khi nghe kể về “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, tạo chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Kỳ 1: Xúc động khi về thăm “Rừng Đại tướng”

Nắng cao nguyên vàng vọt xuyên qua tán rừng già theo bước chân chúng tôi về thăm “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) những ngày tháng 5 lịch sử. Nhiều người không khỏi bùi ngùi về ký ức hào hùng của một thời chiến đấu oanh liệt không thể nào quên.

Trận chiến lịch sử dân tộc

Trên ngọn núi Pú Đồn cao hơn cao hơn 1.700m so với mực nước biển, có thể quan sát được toàn bộ thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm quan trọng của quân đội Pháp như: đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, D1, C1. Nơi đây được chọn đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1945.

Sau khi dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, men theo con đường mòn nhỏ tráng bê tông dẫn lên núi Pú Đồn khá dễ dàng.

Nằm giữa khu rừng nguyên sinh rộng hơn 200ha, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ gồm một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau có hầm hào, lán trại thuận tiện, phù hợp với tốc độ làm việc khẩn trương của Bộ Chỉ huy chiến dịch trong 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954) “đóng chốt” tại đây.

Ngôi lán của Đại tướng cũng đơn sơ và giản dị như bao ngôi lán khác trong khu rừng già Mường Phăng. Trên chiếc bàn tre, hằng ngày, Đại tướng cùng Bộ Chỉ huy trải rộng tấm bản đồ nghiên cứu tình hình chiến sự, tìm ra phương án quyết định để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cũng nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Bước vào trận chiến, với ba đợt tiến công, bộ đội ta đã phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt, làm bị thương và bắt sống toàn bộ hơn 16.000 quân địch đồn trú tại đây, phá vỡ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, “pháo đài bất khả xâm phạm” của Pháp.

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội Nhân dân Việt Nam hiên ngang tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Đánh giá về trận đánh Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là một cái móc chói lọi bằng vàng của lịch sử được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Xúc động nơi “Rừng Đại tướng”

Hòa bình lập lại, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lại được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Điện Biên chung tay gìn giữ, bảo tồn bằng tất cả sự kính trọng, biết ơn dành cho Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Họ gọi khu rừng- nơi Đại tướng ẩn náu là “Rừng Đại tướng” và căn nhà của ông là “nhà Tổ”. Với mỗi người đang được làm việc tại đây, lòng tự hào xen lẫn với tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, quảng bá hình ảnh di tích chính là lý do thôi thúc họ làm việc tốt hơn.

Men theo con đường mòn nhỏ tráng bê tông dẫn lên núi Pú Đồn.
Men theo con đường mòn nhỏ tráng bê tông dẫn lên núi Pú Đồn.

Chị Lò Thị Thủy- thuyết minh viên điểm di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: “Tôi rất tự hào là một người con của Mường Phăng, nay lại được làm việc tại di tích này, được giới thiệu đến khách tham quan về quá trình làm việc vất vả của quân ta. Bản thân sẽ cố gắng làm việc thật tốt, tìm hiểu và sưu tầm thêm các tư liệu về chiến dịch, về Đại tướng để kể cho mọi người nghe”.

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, từng dòng người đang nối tiếp nhau về thăm lại chiến trường xưa. Được chứng kiến khung cảnh làm việc gian khổ, cách thức liên lạc thô sơ hay từ chiếc bếp Hoàng Cầm che dấu khói, vừa đảm bảo an toàn cho sở chỉ huy, vừa đảm bảo cung cấp thực phẩm cho chiến sỹ, đã tạo nên nhiều cảm xúc.

Trong số khách du lịch có rất nhiều cựu chiến binh về thăm chiến trường Điện Biên, về với ký ức hào hùng của một thời chiến đấu oanh liệt không thể nào quên.

Ông Nguyễn Văn Lợi- Chỉ huy trưởng, Cựu chiến binh huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) cùng 200 thành viên khác trong đoàn vô cùng xúc động khi nhìn chiếc lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại…được trùng tu, tôn tạo, giữ gìn cẩn trọng.

“Đây là lần thứ 3 tôi đến đây, nhưng cảm xúc thật sự vẫn vẹn nguyên, rất đỗi tự hào. Đất nước Việt Nam mình nhỏ, nhưng chính những con người kiên cường nên không bị đất nước nào cảm hóa được.”- ông tự hào bộc bạch.

Lần đầu tiên được đặt chân đến Mường Phăng, thắp nén hương thơm dâng lên Đại Tướng và các anh hùng liệt sỹ, bà Lê Hồng Đào- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long bồi hồi chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng xúc động, biết ơn và thành kính tri ân đến các thế hệ cha, anh đã không tiếc hy sinh máu xương, mang cuộc sống yên bình ngày nay chúng tôi được thụ hưởng. Tôi rất hy vọng sẽ có dịp được đến đây lần nữa và các thế hệ con cháu sau này sẽ luôn ghi nhớ để sống xứng đáng với những công lao đó”.

Khói lửa chiến tranh đã qua bao mùa hoa ban nở, nhưng tầm vóc lịch sử và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng Tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn tỏa sáng, tạo “mốc son chói lọi” trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Còn tiếp…

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh