Ký ức của những người già quanh tôi, họ chưa từng nghĩ con sông thắm chảy bao đời trước nhà, nay đã cạn dòng, nứt nẻ trong ánh nhìn tuyệt vọng. Họ thản nhiên kể về những điều đã qua, về con sông chảy tràn trong trí nhớ.
Ký ức của những người già quanh tôi, họ chưa từng nghĩ con sông thắm chảy bao đời trước nhà, nay đã cạn dòng, nứt nẻ trong ánh nhìn tuyệt vọng. Họ thản nhiên kể về những điều đã qua, về con sông chảy tràn trong trí nhớ.
Con sông đó từng tắm mát tuổi thơ của biết bao thế hệ. Ở cái xứ bước ra đã thấy sông, không ai có thể ngờ được ngày nào đó, sông sẽ “bỏ mình” đi, cạn khô dòng chảy. Đứng dưới lòng sông nứt nẻ giữa tiết trời nóng rát, người dân quê tôi bắt đầu thấy tiếc nuối những ngày tháng đã qua.
Những thân cầu đứng trơ trọi bắc qua dòng sông khô đáy, những chiếc xuồng mắc cạn nằm nhớ làn nước mát, những ánh nhìn khắc khoải chờ mưa… tất cả đã làm nên điều nuối tiếc trong lòng người dân quê tôi.
Nắng hạn làm con người ta héo lả đi. Những cụ già hốc hác nhìn ra sân nắng thở hắt. Những cô chú nông dân từ bỏ ruộng đồng, mắc võng đong đưa trong vườn. Đám trẻ con da dẻ mốc cời im bặt nằm thao thức trong nhà, ái ngại cơn nắng nóng chói chang. Đi đến đâu, tôi cũng thấy mọi người mỏi mê, tưởng chừng như sắp gục ngã.
Những lu nước khô đáy, nằm hứng nắng cứ gieo vào lòng người dân quê tôi một nỗi bẽ bàng. Không còn nước uống, người dân quê tôi lại chia nhau từng bình nước nhỏ. Dẫu nắng hạn đổ tràn nhưng lúc trao tay nhau bình nước, họ vẫn không thôi ngừng hy vọng. Những đứa trẻ quê tôi, lần đầu tiên mới hiểu được cảm giác thiếu nước. Nước rửa chén phải dùng lại để tưới cây, nước vo gạo phải dùng lại để rửa rau… Mọi thứ gần như phải tiết kiệm tuyệt đối, không dám lãng phí nước dù chỉ là một giọt!
Đứng trước cái nắng như thiêu như đốt, nhìn những dòng xe chở nước ngọt lũ lượt đi về. Tôi mới thấm thía tình người trong khốn khó, rằng chẳng ai bị bỏ lại phía sau. Người ta đi xuồng nhỏ mang nước ngọt vào tận vùng sâu, vùng xa. Nơi mà xe cộ còn chưa đến được. Đón thùng nước ngọt trên tay, mắt người dân đỏ hoe, rưng rưng như sắp khóc thành tiếng.
Rồi họ lại chung tay giúp phát nước, mời cho bằng được các tình nguyện viên bữa cơm “ăn lấy thảo”. Thế mới thấy, dẫu hạn mặn có thấm vào da thịt thì cái chất hào sảng của người dân quê tôi cũng không bị mất đi. Những món quà quê sẽ theo đoàn tình nguyện rời đi, mang theo những ngọt lành nơi vùng hạn mặn.
Những đứa trẻ quê tôi chắc đã khắc sâu tháng ngày hạn mặn, để chúng biết rằng không có gì là tồn tại mãi mãi. Bởi từ thuở ông cha khai hoang lập ấp, giữa rừng thiên nước độc, chúng tôi đã được dạy cách sống ngọt ngào, mạnh mẽ lớn lên. Và cho dù hạn mặn có kéo dài đến đâu, chúng tôi vẫn không thôi ngừng hy vọng. Bởi đất đâu phụ người có lòng?
Khi trời đổ những hạt mưa đầu tiên, tôi đã thấy xóm làng khấp khởi mừng vui. Sau bao chờ đợi, cuối cùng trời đã cho mưa. Những hạt nước mát lành gội sạch xóm làng, những cành cây khẽ rung rinh trong gió, những đứa trẻ ùa ra sân tắm, những ao đìa dần dần được lấp đầy. Nếp sống dần trở lại bình thường, người dân quê tôi không biết sẽ phải còn hứng chịu thêm mùa hạn mặn nào nữa không. Nhưng ai cũng học được cách giữ gìn, tiết kiệm nguồn nước. Họ sẽ nói nhiều về tháng ngày thiếu nước, về ân tình giữa mùa khốn khó.
Tôi ngước mặt lên trời cho nước mưa chạm xuống rát mặt. Rồi những cơn mưa sẽ lại về trên vùng hạn mặn, rửa trôi hết muộn phiền, mầm xanh lại đâm chồi tách đất lớn lên. Một mùa hạn mặn nữa lại đi qua, tôi nhìn ra cánh đồng sau nhà, mơ về những sóng lúa rì rào xanh đến tận chân trời…
TRẦN THƯƠNG TÍNH