Câu chuyện xúc động về hố bộc phá đồi A1

07:05, 07/05/2024

Đã 70 năm trôi qua nhưng sự khốc liệt của chiến trường Điện Biên Phủ, lòng quả cảm và tinh thần hy sinh không tiếc máu xương của các chiến sĩ, đồng bào tham gia chiến dịch để mang lại chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới.
 

70 năm trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.
70 năm trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.
Đã 70 năm trôi qua nhưng sự khốc liệt của chiến trường Điện Biên Phủ, lòng quả cảm và tinh thần hy sinh không tiếc máu xương của các chiến sĩ, đồng bào tham gia chiến dịch để mang lại chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới.
 
Tuy nhiên, còn rất nhiều người Việt Nam chưa một lần được đến thăm mảnh đất lịch sử anh hùng. Hôm nay, chúng tôi, những người con đất Vĩnh Long được đứng trên mảnh đất lịch sử anh hùng, trời Điện Biên khói lửa năm xưa nay đã khoác lên mình màu xanh của sự bình yên. Những cái tên Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam cùng với đồi A1, D1... đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.
 
Theo chân cô hướng dẫn viên, chúng tôi từng bước nhẹ nhàng lên đồi A1, thật xúc động khi nghe 4 câu thơ:
 
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
A1 rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”!
 
Cảm giác xúc động rờn rợn lan tỏa toàn thân, mọi người im lặng lắng nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu từng di chỉ, chứng tích trên đồi A1, như: những chiến hào, hàng rào thép gai, những lô cốt, hầm chỉ huy của giặc Pháp…
 
Trong lòng mỗi người lại lâng lâng lòng yêu nước, niềm cảm phục sự hy sinh quả cảm của những anh hùng chiến sĩ Điện Biên đã không tiếc máu xương chiến đấu, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Cũng chính trên mảnh đất này đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam quyết hy sinh thân mình cho độc lập, tự do của quê hương đất nước…
Hố bộc phá hình phễu sâu 20m.
Hố bộc phá hình phễu sâu 20m.
 
Đến mỗi nơi được nghe một câu chuyện, lòng xúc động dâng trào. Nhưng đặc biệt mọi người thật sự xúc động dâng cao, tại di tích “Hố bộc phá”, nơi 4 chiến sĩ anh hùng quả cảm, điểm hỏa khối bộc phá 960kg vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, sức nổ đã phá hủy một mảng trận địa, tiêu diệt phần lớn đại đội dù 2, làm cho quân Pháp choáng váng, tạo cơ hội cho Trung đoàn 147 xung phong đánh chiếm toàn bộ cứ điểm đồi A1 lúc 4 giờ 30 ngày 7/5/1954.
 
“Bao liệt sĩ trên mỗi mét chiến hào
Người tiếp người giật giành từng tấc đất
Hố bộc phá hình loa kèn xung trận
Vọng ngàn năm như mệnh lệnh không lời!”
 
Cô hướng dẫn viên cất giọng nhẹ nhàng: “Tối 6/5/1954. Bóng đen trùm xuống cứ điểm Điện Biên Phủ trong vắng lạnh ghê người. Có 3 người thầm lặng men đồi A1. 2 người chỉ huy giọng nghẹn ngào: “Có dặn lại gì không?”. Chiến sĩ đáp: “Không!”. Họ ra lệnh: “Cậu ở lại! Lúc pháo ta bắn dồn dập là hiệu lệnh để cậu giật nụ xòe!”. Người chiến sĩ ở lại một mình. Một tấn bộc phá dưới đồi A1 đang chờ anh... Pháo ta nổ... Anh giật nụ xòe…”. Lời cô nghẹn lại.
 
Chiến sĩ nhận nhiệm vụ này có nghĩa là cảm tử cùng khối bộc phá ấy và người chỉ huy hỏi “Có dặn lại gì không?”, tức hỏi người chiến sĩ có lời nhắn gửi lại gia đình không. Và một từ đáp gọn “Không!”, khẳng định tinh thần quyết hy sinh vì nhiệm vụ cao cả này.
 
Người chiến sĩ ấy- tên ông là Nguyễn Văn Bạch, sinh năm 1924, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc. Thuở nhỏ nhà nghèo, ông Nguyễn Văn Bạch phải đi chăn trâu, cày thuê cuốc mướn cho nhà giàu lấy gạo, lấy tiền đỡ đần bố mẹ nuôi các em.
 
Ngày 12/6/1949, Nguyễn Văn Bạch tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông cùng đơn vị tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch và được chỉ huy tin cậy giao cho các nhiệm vụ: Đảm nhiệm đánh mìn chặn đường tiếp viện của địch ở Chiến dịch Biên giới Cao- Bắc- Lạng; đi xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Tam Đảo; tháo gỡ bom mìn ở Chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào…
 
Tháng 3/1951, ông Nguyễn Văn Bạch được điều động làm Tiểu đội trưởng của một đơn vị mới thành lập thuộc Đại đội Công binh M83 (Trung đoàn Công binh 151, Đại đoàn 351) do Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy. Nhiệm vụ của đội là phá bom nổ chậm, bom bướm, bom bi ở dốc Pha Đin, đèo Bản Chẹn.
 
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại cứ điểm A1, sau nhiều đợt tấn công quân địch, chúng ta chỉ chiếm được 1/2 quả đồi, muốn tiêu diệt được cứ điểm này thì ta phải làm chủ được căn hầm ngầm của địch trên đỉnh đồi. Lúc này, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã vạch ra một kế hoạch “Lấy hầm trị hầm”- một kế hoạch mang tính quyết định.
 
Ngày 20/4/1954, Đại đội Công binh M83 được lệnh đào hầm ngầm. Để bảo đảm bí mật, an toàn cho hầm ngầm, công việc ngụy trang cửa hầm được làm rất công phu; ngoài cửa hầm có mái che phủ đất để vừa chống lựu đạn và mảnh pháo từ trên cao ném xuống vừa che mắt địch; đất đá đào ra đều cho vào túi dù đưa ra ngoài, sau khi đổ còn ngụy trang rất kỹ. Càng đào vào sâu, công việc càng khó khăn vì vừa thiếu ánh sáng vừa thiếu không khí, nên bộ đội phải liên tục thay nhau ra ngoài để thở.
 
Vừa đào hầm, Đại đội Công binh M83 vừa lo đi tìm bom chưa nổ để gỡ thuốc làm bộc phá vì theo thiết kế, khối bộc phá phải đủ 1 tấn thuốc nổ mới đủ mạnh để đánh sập lô cốt địch, nhưng lúc ấy trong kho chỉ còn có 500kg.
 
Lúc đó, ông Nguyễn Văn Bạch đang đào hầm ngầm cùng đồng đội thì chỉ huy giao cho nhiệm vụ dẫn 3 chiến sĩ có kinh nghiệm bí mật di chuyển đến chiếc máy bay B24 của địch bị ta bắn rơi gần Bản Kéo để tháo gỡ 5 quả bom trong máy bay chưa nổ, lấy được gần 500kg thuốc nổ. Sau đó, Nguyễn Văn Bạch cùng 3 chiến sĩ lại về đồi A1 tiếp tục đào hầm ngầm cho kịp kế hoạch tác chiến đã định.
 
Ngày 5/5, đường hầm ngầm hoàn thành cũng là lúc khối bộc phá đã chuẩn bị xong với 5 nụ xòe để bảo đảm chỉ cần điểm hỏa một lần cả khối bộc phá sẽ đồng loạt phát nổ. Đồng chí Nguyễn Văn Bạch được Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung giao cho nhiệm vụ quan trọng, là điểm hỏa khối bộc phá nặng 960kg- đây là quả bộc phá lớn nhất của quân ta dùng trong thời kỳ đánh thực dân Pháp.
 
Ngày 6/5/1954, theo hợp đồng tác chiến, lúc nào pháo binh ta bắn dồn dập lên đồi A1 chính là lệnh cho ông Nguyễn Văn Bạch giật nụ xòe bộc phá, mệnh lệnh được thực hiện vào lúc 20 giờ 30 phút.
 
Giật nụ xòe bộc phá xong, đồng chí Bạch chạy trong giao thông hào về nơi an toàn, chạy được một đoạn ngắn thì khối bộc phá đã nổ làm rung chuyển đất trời Mường Thanh. Cột khói bốc cao ngùn ngụt, màu đen ngòm. Về đến đơn vị, Nguyễn Văn Bạch được cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh M83 đón mừng như một người mới cải tử hoàn sinh trở lại nhà.
 
Cô hướng dẫn viên tường thuật lại lời kể của ông Nguyễn Văn Bạch: “Giao thông hào lầy bùn nước và máu. Đào hầm ở tư thế hàm ếch, càng đào sâu càng tối và thiếu oxy để thở, mỗi tốp chỉ đào vài phút lại chui ra. Vận chuyển đất càng khó khăn hơn. Chúng tôi phải lấy vải dù kiếm được của địch may thành túi nhỏ đựng chừng 30kg đất để kéo ra ngoài. Ròng rã gần một tháng mới đào xong 49m đường hầm.
 
Đoạn cuối hầm nằm ngay dưới đồi A1. Đưa được gần 1.000kg thuốc nổ vào cuối hầm, cả đại đội trưởng Khung, tổ trưởng Đảng- Lê Viết Thoảng và tôi bò vào cuối hầm kiểm tra kỹ thuật lần cuối. Yêu cầu chỉ điểm hỏa một lần phải gây nổ được cả khối bộc phá gắn với 5 đường dây cháy chậm và 5 nụ xòe.
 
2 đồng chí đồng ý cho tôi xung phong ở ngoài cửa hầm điểm hỏa bằng nụ xòe. Nếu không nổ, tôi sẽ ôm 3kg thuốc nổ bò vào cuối hầm điểm hỏa bằng người như chiến sĩ cảm tử. 2 đồng chí bịn rịn chia tay rồi trở ra phía sau. Trận địa lúc đó bỗng trở nên lặng lẽ khác thường.
 
Đầu óc tôi căng ra như dây đàn, không phải sợ hy sinh mà sợ bộc phá không nổ, không hoàn thành được nhiệm vụ... Đến lúc pháo binh nổ, tôi giật nụ xòe và chạy được vài bước... Đất trời lặng đi vài giây. Tôi nghe một tiếng nổ không to lắm nhưng cảm nhận được sức ép dữ dội, đất đá văng lên, tôi ngã xuống, bị một mảnh đá rơi vào chân nhưng vẫn lê được về trận địa. Không ai nhận ra và cũng không ai nghĩ tôi còn sống. Họ hỏi: “Ai?”. Tôi trả lời tôi mới châm bộc phá đồi A1 về…”.
Tất cả đều im lặng xúc động lắng nghe câu chuyện về hố bộc phá.
Tất cả đều im lặng xúc động lắng nghe câu chuyện về hố bộc phá.
Nghe xong câu chuyện, ai cũng chừng như rơm rớm nước mắt!
 
Chiến tranh đã đi qua, chúng ta sống trong hòa bình, độc lập nhưng vẫn nhớ mãi công lao, sự hy sinh to lớn của những người dựng nước và giữ nước. Và cần giáo dục thế hệ trẻ về những trang sử hào hùng của dân tộc, để tiếp bước gìn giữ và xây dựng Tổ quốc!
 
Bài, ảnh: HẠNH UYÊN
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh