Từ dòng Từ Tải đến xã Đông Thành anh hùng

09:04, 07/04/2024

Đúng hẹn, đoàn thực tế sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long có mặt tại Trung tâm Hành chính TX Bình Minh. Tiếp chúng tôi, đại diện các ban ngành, các xã, phường hết sức cởi mở, chân tình, thân thiện. 

Đúng hẹn, đoàn thực tế sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long có mặt tại Trung tâm Hành chính TX Bình Minh. Tiếp chúng tôi, đại diện các ban ngành, các xã, phường hết sức cởi mở, chân tình, thân thiện.

Qua chia sẻ, chúng tôi biết được kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của thị xã trong năm qua. Trong đó, Thuận An là xã đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Các đồng chí ở Ban Chỉ huy Quân sự thị xã đãi chúng tôi bữa cơm chiều thật ấm cúng. Cá cơm kho lạt ăn cặp với xoài sống băm nhuyễn, lâu rồi tôi mới có dịp thưởng thức món ăn dân dã này. Thịt cá mềm và ngọt làm tôi nhớ lại ngày trước, mỗi khi ghé nhà thằng bạn ở Mỹ Hòa, nó cũng hay đãi tôi món cá cơm kho lạt. Những con cá cơm đón mua từ ghe cào còn tươi rói, bắt lên nồi lẩu, nhúng rau vườn nghe đậm đà hương vị phù sa của sông nước Bình Minh.

Sông Từ Tải nối sông Đông Thành và sông Hậu. Dòng sông tuy không dài nhưng cư dân hai bên bờ sinh sống lâu đời hội tụ thành những làng nghề, xóm nghề truyền thống. Dù hai bên bờ xe hai bánh lưu thông dễ dàng nhưng chúng tôi chọn giao thông đường thủy, thuê cô lái đò chèo ghe xuôi dòng Từ Tải. Từ sông Hậu mênh mông có cầu Cần Thơ hùng vĩ, đò rẽ vào vàm Tắt (Tắt Từ Tải) trong con sóng gợn nhẹ.

Đô thị hóa ở Bình Minh là điều tất yếu song đâu đấy vẫn còn những nếp nhà xưa ẩn mình dưới bóng tre xanh. Thỉnh thoảng cảnh cũ hiện ra ở những bến sông có cây cầu bắc de ra, cạnh hàng gừa xõa tóc. Nơi ấy, hễ chiều chiều là tụi con nít ì đùng nhảy tắm.

Làng nghề tàu hủ ky thuộc xã Mỹ Hòa ven dòng Từ Tải đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể được nhiều người biết đến. Bản thân tôi cũng đã có bài viết về làng nghề này nên chọn cách cặp ghe vào bến, rảo bước nhìn làng nghề ngót đã trăm năm. Làng nghề đã hình thành hàng thế kỷ trước hiện vẫn tồn tại và phát triển.

Trong gió, mùi đậu nành vẫn nồng nàn như thuở sơ khai và khói từ các lò nấu vẫn vương vương tựa làn mây mỏng. Đò rời bến, hy vọng rằng bà con sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả những giá trị của làng nghề mang lại nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống của quê hương.

Sông Từ Tải ngày nay đã có 2 chiếc cầu bắc ngang nhưng cư dân đôi bờ vẫn giữ thói quen sống cặp bờ sông, cất nhà hướng cửa ra sông để thưởng thức cơn gió mát.

Mỹ Hòa còn có xóm lu, một thời lu Mỹ Hòa từ dòng Từ Tải xuôi ngược khắp miền Tây Nam Bộ, sau một số hộ còn sản xuất thêm lò, cà ràng. Cách đó không xa là xóm lá. Trước đây, các vựa lá san sát nhau, buôn bán nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Ngày nay, xóm lu, xóm lá đều không còn…

Bên kia sông là xóm làm tương, chao thuộc Khóm 3, phường Cái vồn. Xóm chao Khóm 3 từng làm rạng danh khắp đồng bằng về chất lượng chao Cái Vồn. Hiện nay, trong xóm chỉ còn đôi ba hộ bám nghề.

Nghe nhắc chao Cái Vồn, anh Liêm nhà ở cạnh lò tương, chao kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất thú vị: “Hồi học đại học, tôi có dịp đến chơi nhà thằng bạn ở Long Thạnh (Hậu Giang). Má nó nấu món vịt nấu chao đãi bọn sinh viên nghèo chúng tôi. Khi cho gia vị vào thịt để ướp, bà cứ chắc lưỡi hoài: “Nấu món này mà có được keo chao Cái Vồn mới ngon, mới đúng điệu!”. Nghe nói, bạn tôi cười: “Má, thằng bạn này của con nhà ở Cái Vồn đó!”.

Bà má nhìn tôi rồi cười theo: “Vậy à, mơi mốt có qua đây chơi nhớ mua giùm bác vài keo chao Cái Vồn “chính hiệu”, nghen con! Ta nói… nếu thiệt là chao Cái Vồn thì… chỉ cần luộc rau rồi chấm với chao thôi là ăn sạch nồi cơm luôn!”. Hơn lúc nào hết, tôi thấy anh Liêm hãnh diện khi mình được là người con của đất Cái Vồn với đặc sản chao mà tiếng lành đã đồn xa. Và tôi cũng cảm thấy vui lây.

Tắt Từ Tải kết thúc ở ngã tư khá rộng để chia nước cho tứ ngã yên bình. Nghe cô lái đò giới thiệu phía bờ sông thuộc khóm Đông Bình A, nơi thấp thoáng mái ngói rêu phong cổ kính là quê hương của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy, chúng tôi liền tìm đến.

Ông Dương Văn Hùng- thủ từ miếu Quan Đế mà dân Nam Bộ thường gọi là chùa Ông, cho biết: “Cô Lệ Thủy là em bà con chú bác với tôi. Thỉnh thoảng khi cúng Ông, cô Lệ Thủy có về, năm nào không về được thì gởi tiền mướn gánh hát bội hát trọn một đêm. Cổ nói ráng gìn giữ phong tục hát bội trong lễ cúng Ông nghen, anh Út!”.

Rồi ông chỉ vào sân khấu ở vỏ ca: “Nè, đây là sân khấu, từ nào tới giờ chuyên dành để hát bội cúng Ông. Thời gian gần đây, năm nào không mướn được gánh hát bội thì tổ chức đờn ca tài tử thấy cũng ấm cúng lắm!”.

Tạm biệt cô lái đò miền sông nước, chúng tôi chạy xe bon bon về xã anh hùng- Đông Thành, là “vương quốc thanh trà”. Thất vọng, mùa này thanh trà chưa có trái, chúng tôi sẽ không được chứng kiến những cây thanh trà trĩu quả tựa như những mâm xôi vàng.

Chúng tôi ghé vườn thanh trà ở ấp Đông Hưng 2 của cô Nguyễn Thị Hồng, chòm xóm hay gọi theo thứ và tên của chồng là thím ba Thứ. Dắt chúng tôi ra vườn thanh trà đang trổ bông, cô Hồng cho biết: “Năm rồi, thanh trà trúng mùa lại được giá nên chỉ bao nhiêu gốc đây thôi mà kiếm cũng bộn tiền. Cái tủ lạnh mới, thùng kẹo kéo hát karaoke,… nhờ thu hoạch từ thanh trà mà có”.

Nhìn những bông thanh trà nhỏ, màu vàng đậm, kết thành từng chùm, cô cho biết thêm: “Thanh trà ngộ lắm, hễ đang trổ bông mà bị mấy trận mưa lớn, trái mùa là đậu trái rất ít, thậm chí là thất trắng. Năm nay không mưa, bông trổ đều rang như vầy, tui hy vọng thêm một năm trúng mùa”. Chia tay cô Hồng. Cô tiễn chúng tôi ra xe với mấy bọc mận- quà cây nhà lá vườn. Ôi, tình của người nông dân bao đời vẫn vậy!

Tại UBND xã Đông Thành, chúng tôi được đón tiếp rất nồng nhiệt. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết được nhiều thành tích nổi bật của xã, trong đó 2 ấp Đông Hòa 1 và Đông Hưng 2 vừa được công nhận ấp nông thôn mới kiểu mẫu, đang chuẩn bị làm lễ công nhận.

Đến tham quan mô hình nuôi ba ba, lươn và rắn giống của anh Bạch Văn Phương ở ấp Đông Hòa 1, chúng tôi được anh Phương giới thiệu “mô hình này mới thử nghiệm vài năm gần đây nhưng đã mang lại nguồn thu nhập kha khá nên quyết tâm sẽ nhân rộng thêm diện tích”.

Anh nuôi ba ba sinh sản và thương phẩm, lươn thương phẩm, rắn ri voi thịt và sinh sản. Không giấu giếm, anh phấn khởi cho biết tổng thu nhập từ 3 mô hình này, trừ các khoản chi phí, gia đình thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Chúng tôi đến tham quan di tích lịch sử cách mạng- chùa Tòa Sen tọa lạc tại ấp Hóa Thành 1. Bước qua cổng chùa với các hoa văn họa tiết rất tinh xảo đặc trưng của đồng bào Khmer là khuôn viên rộng rãi thoáng mát với vườn cây cổ thụ và cây ăn trái. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Tòa Sen là cơ sở cách mạng, có vị trí rất quan trọng của xã Đông Thành cũng như của huyện Bình Minh.

Chùa là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị bám trụ hoạt động cách mạng. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, sư cả cho làm hầm bí mật tại chánh điện. Khi có địch đi càn, sư cả cho cán bộ cách mạng xuống trú ẩn dưới hầm bí mật,…

Xuôi dòng Từ Tải, chứng kiến những làng nghề, xóm nghề trải qua bao thăng trầm; chứng kiến sự phát triển của Đông Thành, xã anh hùng trong kháng chiến của TX Bình Minh nhận ra dòng chảy lịch sử không bao giờ ngừng.

Hy vọng rằng với những cơ hội mới, trong đó có khu công nghiệp, dòng chảy lịch sử sẽ tiếp tục ghi dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển của Bình Minh- một thị xã ven sông mà quá khứ và hiện tại được đan xen trong sự hài hòa.

NGUYỄN LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh