Mỗi năm, từ độ tháng Giêng đến tháng 3 âl, các đình làng trong tỉnh Vĩnh Long lại trở nên nhộn nhịp, sôi động với lễ hội Hạ điền, Thượng điền và "Tam niên đáo lệ Kỳ yên", nhằm cầu quốc thái, dân an, xóm làng thịnh vượng, no ấm
Xem hát bội tại đình Tân Hạnh, huyện Long Hồ. |
Mỗi năm, từ độ tháng Giêng đến tháng 3 âl, các đình làng trong tỉnh Vĩnh Long lại trở nên nhộn nhịp, sôi động với lễ hội Hạ điền, Thượng điền và “Tam niên đáo lệ Kỳ yên”, nhằm cầu quốc thái, dân an, xóm làng thịnh vượng, no ấm. Đây cũng là tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Nam Bộ nói chung và người dân Vĩnh Long nói riêng đã được gìn giữ từ ngàn xưa và lưu truyền cho đến ngày nay.
Theo “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000)”, mỗi khi thành lập làng thì phải xây dựng một ngôi đình. Đình là nơi thờ thần Thành Hoàng, nơi hương chức làm việc và cũng là nơi để dân làng hội họp, tham dự lễ hội.
Hàng năm, tại các đình làng diễn ra khá nhiều lễ hội, có thể kể ra một số lễ như: Lễ Niêm ấn (ngày 25 tháng Chạp), lễ rước thần Thành Hoàng (ngày 30 tháng Chạp), lễ Nguyên đán tổ chức vào giờ giao thừa tiễn năm cũ đón năm mới hoặc vào sáng mùng một Tết Nguyên đán; lễ Khai hạ hay lễ Khai sơn, Giở ấn (ngày mùng 7 tháng Giêng); lễ Tam nguyên diễn ra vào 3 ngày rằm lớn trong năm (rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10) như bên Phật giáo... nhưng quan trọng nhất vẫn là lễ Hạ điền, lễ Thượng điền và lễ Kỳ yên.
Lễ Hạ điền thường tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như lễ xuống đồng, khai trương cho việc cày cấy và cũng thể hiện sự tôn kính đối với thần Thành Hoàng, Thần Nông, các thần mây, mưa, sấm, chớp để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nên thường gọi là Hạ điền Cầu Bông.
Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc mùa màng đã có kết quả, nhằm cúng Thần Nông, Hậu Tắc, Vũ Sư, Phong Bá… cũng hướng đến việc cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu như lễ Hạ điền.
Xét về khía cạnh niềm tin tín ngưỡng, mục đích của việc tổ chức 2 lễ Hạ điền và Thượng điền có tính chất và ý nghĩa tương đồng với lễ Kỳ yên. Do vậy, nhiều làng cứ 3 năm lấy ngày lễ Hạ điền hoặc Thượng điền để tổ chức lễ Kỳ yên, lâu ngày dài tháng dân gian mới có câu “Tam niên đáo lệ Kỳ yên” là như vậy.
Sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết “Lễ Kỳ yên có thể tổ chức vào mùa xuân”, tức vào giữa tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch hàng năm, với ý nghĩa “xuân kỳ”, có nghĩa là vào đầu năm tế lễ khẩn cầu cho quốc thái dân an, làng xóm thịnh vượng.
Một số đình còn tổ chức vào mùa thu, với ý nghĩa “thu báo”, nghĩa là thu hoạch xong tế lễ để báo đáp công ơn. Hoặc có khi tổ chức vào cuối năm, mang ý nghĩa tế chưng, “tế lạp” (ta gọi là chạp miễu) mang ý nghĩa suốt năm được bình yên nên tế lễ tạ ơn.
Thế nhưng, ở Vĩnh Long rất ít ngôi đình có điều kiện tổ chức nghi lễ như thế. Thông thường, các đình cứ mỗi 3 năm lấy ngày Hạ điền hoặc Thượng điền làm lễ Kỳ yên một lần. Những năm khác, mỗi năm chỉ có hai lễ là lễ Hạ điền và lễ Thượng điền.
Trong đó, thường thì lễ Hạ điền có quy mô lớn hơn lễ Thượng điền. Từ quy mô tính chất như trên, lễ Hạ điền sẽ được Ban Hội hương, Ban Bảo vệ các đình và Nhân dân quanh vùng tổ chức các hoạt động nhiều hơn, lớn hơn, còn lễ Thượng điền được tổ chức gọn nhẹ hơn.
Đến năm tổ chức lễ Kỳ yên, tiến trình lễ sẽ được tổ chức với thời gian thường kéo dài 2 ngày 1 đêm. Kỳ yên là cầu an, cho nên mục đích chính của lễ Kỳ yên là tế thần Thành Hoàng để cầu quốc thái dân an, xóm làng thịnh vượng, no ấm.
Trong lễ Kỳ yên, phần “lễ” đóng vai trò quan trọng hơn phần “hội”, với các nghi lễ chính: Lễ thỉnh sắc Thần, lễ tế Thần Nông, cúng miễu, liệt sĩ; lễ Túc yết, lễ Chánh tế, lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, Hội viên quá vãng, lễ đưa sắc Thần.
Các đình đều thờ Tiền hiền, Hậu hiền là những người có công quy dân lập làng hoặc bỏ tiền của xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đầu tiên để lại gương soi cho đời sau. Vì thế, trong chương trình lễ Kỳ yên ở các đình đều có nghi tiết tế các vị tiền bối hữu công kể trên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Các nghi tiết dù ngắn hay dài, phong phú hay đơn giản cũng đều mang ý nghĩa biểu lộ tấm lòng thành của những người tham dự.
Bên cạnh đó, lễ Kỳ yên còn mang một ý nghĩa khác là ngày giỗ hội của làng, vào những ngày này các đình làng thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian, múa lân, múa rồng, tổ chức hát bội giúp vui cho Nhân dân.
Ngoài ra, lễ Kỳ yên còn là dịp để các nghệ nhân giới thiệu sự khéo léo của mình qua tài chưng hoa, chưng mâm trái cây. Đây còn là dịp để người làm vườn giới thiệu các loại cây trái mới, người làm ruộng giới thiệu các giống nếp ngon qua tài thổi xôi, làm bánh, những món ẩm thực của chị em phụ nữ chế biến để dâng cúng thần Thành Hoàng.
Vĩnh Long hiện có nhiều đình làng được xây dựng theo truyền thống Nam Bộ. Hàng năm, các ngôi đình trong tỉnh đều trang trọng tổ chức lễ Kỳ yên với những nghi thức mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam Bộ, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân, nên thu hút đông đảo Nhân dân quanh vùng đến chiêm bái, tham gia lễ hội.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT