Đây nào phải lần đầu tôi nghe tiếng ve. Một quãng dài tuổi học trò, rồi hơn hai mươi năm gắn bó với bục giảng, tóm lại, ngót hai phần ba của "sáu mươi năm cuộc đời" đã quá quen thuộc với bản nhạc ve.
Đây nào phải lần đầu tôi nghe tiếng ve. Một quãng dài tuổi học trò, rồi hơn hai mươi năm gắn bó với bục giảng, tóm lại, ngót hai phần ba của “sáu mươi năm cuộc đời” đã quá quen thuộc với bản nhạc ve.
Nhưng quen chưa chắc đã biết, đã hiểu. Mười ngày nay, khi chung quanh dậy tiếng ve ngân, mỗi ngày tôi đều lắng mình lại để thưởng thức bản nhạc ve. Tôi muốn tìm được điều sâu thẳm mông lung nào đó trong tiếng kêu lúc vang vang rộn rã, lúc êm đềm râm ran giữa sân trường oi ả nắng kia.
Ve không ngân riêng từng tiếng một, không chịu đơn lẻ, ve đã cất giọng là hát đồng ca. Dàn đồng ca bắt đầu cùng một lúc, trùng hợp về giai điệu. Tiếng ve rào rào rộn rã, bất chấp trời đang chang chang nắng, ngân như thể vắt kiệt mình ra để hát bản nhạc cuối cùng. Học trò mới (đang ngồi trong lớp) nghe ve gọi hè lòng vui tươi phấn chấn còn học trò cũ (những người đã rời xa mái trường) nghe tiếng ve miên man mê đắm nhớ về thời trai trẻ hồn nhiên.
Đến bây giờ thì tôi đủ tự tin để khẳng định ve vì học trò mà lúc inh ỏi rộn ràng, khi dắng dỏi thiết tha, nói nôm na, ở đâu có ve, ở đó có tuổi học trò.
Sáng sớm, lúc chim chóc còn đang mê ngủ thì những bạn ve đã vui tươi ca hát. Cũng là dàn đồng ca của sân trường nhưng buổi tinh mơ lại hát rất chừng mực, như cố tình hát khẽ vì sợ đánh động chung quanh. Âm thanh dịu dàng đến độ phải những người thính tai cỡ tôi mới nghe rõ.
Đi trong bản nhạc ve êm ái, tôi bỗng thấy phía trước, chỗ hàng cây bằng lăng nở hoa tím thẫm có cô gái mặc áo trắng cúi nhặt hoa rơi, và bên gốc cây kề đó, một chàng nghiện sách đang chú tâm vào những con chữ. Ồ, nếu bước chân không vấp phải một nấc thấp, chắc tôi vẫn còn hồn nhiên đi trong giấc mơ học trò…
Buổi trưa, cũng ngôi trường tôi đi ngang hồi sáng nhưng lúc học trò còn thưa thớt thì ve cũng im ắng. Ve đang ngủ trưa? Hay đang đợi học trò tới đông đủ? Chắc là cả hai. Khi tiết học thứ hai bước vào được vài phút, cô giáo tôi phải giảng to hơn để lấn lướt dàn đồng dao ve đang inh ỏi khắp trường.
Chắc chỉ trong lớp học là không có, còn đâu đâu trong sân trường cũng có thể nhìn thấy một nàng ve. Tôi đang nghe rất cẩn trọng và thiện chí, hình như các ca sĩ ve lấy một hơi dài rồi cùng ngân vang. Rất nhanh thôi, dàn đồng ca sẽ nghỉ một nhịp, lấy hơi tiếp rồi lại bắt đầu, điệu nhạc từ thấp lên cao, ngân rộng một quãng rồi mới chùng xuống để kết thúc. Cứ như vậy, dàn đồng ca lặp đi lặp lại điệp khúc: ve… ve… ve...
Sân trường ầm ĩ tiếng ve và tiếng đùa giỡn của học trò trong giờ ra chơi. Cảm giác như đang có hàng ngàn ca sĩ ve cùng đồng thanh hát một điệu. Một cô đồng nghiệp nói, ngày xưa trường có cây phượng cao to nên ve nhiều, bây giờ toàn cây nhỏ mà ve cũng hàng đàn hàng lũ.
Tôi trả lời: hình như ở đâu có học trò là ở đó có ve, ve kêu to, kêu hối hả vang động cũng vì ham vui, chắc đang cố đồng hành với lũ học trò nghịch ngợm. Nói vui vậy mà hình như đúng. Đúng là cả học trò và ve đều tinh nghịch như nhau thật. Vô lớp, chưa kịp ngồi học trò đã méc: Cô ơi, định bắt mà bọn ve nó tè vào tóc vào mặt tụi em. Ôi, chúng nhỏ xíu mà làm gì tới mức ướt át?
Không nhỏ đâu cô, có con còn to hơn ngón tay cái của cô luôn. Không phải một mà nhiều con cùng tè nên mình có cảm giác như có một đợt sương đang phun xuống vậy cô… Mà hay nha cô, như giọt sương thật, không hôi hám chi hết. Lũ ve khịa tụi em á- tôi và mấy nhỏ học trò cười hi hi, cùng nhìn nhanh ra sân trường đầy nắng đang bị nhấn chìm trong tiếng kêu inh ỏi của đại đội ve rồi lại phấn chấn vào bài học.
Chiều tan trường, học trò rộn ràng ùa ra cổng. “Sao giờ không còn nghe tiếng ve nữa ta?”. “Kêu mệt rồi, phải nghỉ chứ!”- hai cô bé đối đáp như thế. Cô giáo tôi bất ngờ nghe, vui vẻ chen vào, học trò về, hết người giỡn nên ve buồn không ngân nữa đó mà…
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN