Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng tỉnh Vĩnh Long năm 1975, các lực lượng vũ trang tỉnh không cần phải nổ súng, mà chiến thắng bằng áp lực quân sự, kết hợp với nổi dậy và tiến công binh vận.
Bộ Chỉ huy Tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Long đang nghe Đại tá Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975. Ảnh: TL |
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng tỉnh Vĩnh Long năm 1975, các lực lượng vũ trang tỉnh không cần phải nổ súng, mà chiến thắng bằng áp lực quân sự, kết hợp với nổi dậy và tiến công binh vận.
3 mũi giáp công quân sự- chính trị- binh vận đã vận dụng thời cơ, phối hợp hiệu quả, đảm bảo thắng lợi trọn vẹn mà không phải tốn máu xương trong ngày chiến thắng 30/4/1975.
Vai trò máy truyền tin trong ngày 30/4/1975
Thời điểm những năm 1970, các đơn vị quân giải phóng bắt đầu sử dụng khá phổ biến máy truyền tin PRC 25 để liên lạc, đây là loại máy chiến lợi phẩm thu được của địch. Máy truyền tin PRC 25 do Mỹ sản xuất là loại máy tần số ngắn, trên lý thuyết cự ly liên lạc trên 20 cây số.
Tại chiến trường Vĩnh Long bộ phận trinh sát kỹ thuật của ta dùng máy này để theo dõi các phiên liên lạc của các đơn vị địch như Tiểu khu Vĩnh Long, Bộ Chỉ huy hành quân nhẹ của Sư đoàn 9, Sư đoàn 7, Trung đoàn 16 bộ binh, Tiểu đoàn 520 và các đồn bót gần nơi đơn vị đóng quân, qua giải mã các cuộc điện đàm mà ta sớm nắm được kế hoạch của địch như các cuộc hành quân, bắn pháo, ném bom… đồng thời sử dụng máy làm phương tiện truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy quân giải phóng đến các đơn vị phục vụ công tác, chiến đấu, bảo vệ an toàn cho lực lượng của ta.
Đồng chí Lê Văn Bê (Ba Bê, ngụ xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn), thời điểm năm 1975 là Đội phó Đội Trinh sát kỹ thuật, Cơ quan Tham mưu Trung đoàn 3 (Quân khu 9) là người mang máy truyền tin theo sát Ban Chỉ huy Trung đoàn kể lại: Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng, Bộ Chỉ huy Tiền phương Vĩnh Long lập tức thông báo cho các đơn vị và các huyện, đồng thời chỉ thị cho các đơn vị và các huyện lên máy truyền tin kêu gọi đối phương đầu hàng.
Đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung)- Tư lệnh đã lên máy gọi vào tần số truyền tin của Tiểu khu Vĩnh Long gặp Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long kêu gọi y và binh lính chấp nhận đầu hàng quân giải phóng. Tuy nhiên, tên này vẫn chần chừ nại lý do còn đợi lệnh từ Vùng 4 chiến thuật.
15 giờ ngày 30/4, Trung đoàn 16 và Chi đoàn thiết giáp của địch trên đường hành quân đã bất tuân thượng lệnh, kéo về TX Vĩnh Long. Khi đến cầu Đôi (nay là cầu Ông Me Nhỏ), chúng bỏ xe, pháo, súng đạn ngổn ngang và trở về với gia đình.
Cùng lúc này lực lượng biệt động thị xã phát động phong trào quần chúng nổi dậy làm chủ ở nhiều nơi trong nội ô, tại các chi khu, quân ta bao vây, siết chặt làm địch lâm vào cảnh nguy khốn, tinh thần binh lính rệu rã, hoang mang.
Đến 20 giờ ngày 30/4, khi thấy việc “tử thủ” là một hành động ngu ngốc nên Đại tá Thành chủ động lên máy truyền tin liên lạc với ta xin đầu hàng và sẽ cử sĩ quan liên lạc đến nhận lệnh của quân giải phóng. Ban đầu ta chọn địa điểm gặp tại cầu Cá Rô (nay là cầu Lộc Hòa, huyện Long Hồ), tuy nhiên, lúc này quân giải phóng đã áp sát thị xã và có một bộ phận đã vào nội ô thị xã nên ta chọn địa điểm gặp tại cầu Vồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá- sau này được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), lúc ấy là Trung đoàn phó Trung đoàn 3- được Bộ Chỉ huy Tiền phương cử làm đại diện quân giải phóng đến điểm hẹn gặp sĩ quan liên lạc của Tỉnh trưởng Vĩnh Long tại khu vực cầu Vồng (đoạn Trường ĐH Xây dựng Miền Tây bây giờ).
Đi cùng đồng chí Sáu Bá có anh Ba Bê và đồng chí Bùi Minh Nhựt, mỗi người mang một máy PRC 25, đồng chí Đinh Xuân Lai trang bị tiểu liên làm nhiệm vụ bảo vệ. Trong đêm đen khó phân biệt địch- ta, nhưng nhờ trao đổi trước với nhau qua máy truyền tin, nên cuộc gặp giữa đôi bên diễn ra thuận lợi.
Sau đó đồng chí Sáu Bá lên xe Jeep của sĩ quan liên lạc vào thẳng dinh Tỉnh trưởng gặp Đại tá Thành bàn bạc thời gian, địa điểm tiếp nhận đầu hàng. Đồng chí Sáu Bá yêu cầu đối phương phải treo cờ trắng tại các hậu cứ ngay trong đêm 30/4 và binh lính khi ra khỏi hậu cứ không được mang theo vũ khí.
Bằng áp lực quân sự, kết hợp với nổi dậy và tiến công binh vận được thực hiện hiệu quả; sự nhạy bén của Bộ Chỉ huy Tiền phương tác động thẳng vào chỉ huy địch; bên cạnh đó là lòng dũng cảm, không sợ hy sinh, sự kiên quyết của người đại diện quân giải phóng nên cuộc tiếp nhận đầu hàng của địch ở tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra trong êm đẹp, không cần phải tốn một viên đạn, dù trước đó địch họp bàn và tuyên bố sẽ “tử thủ”. Lúc bấy giờ là 22 giờ đêm 30/4/1975.
4 giờ sáng ngày 1/5/1975, các đơn vị quân giải phóng lần lượt tiến vào tiếp quản các cơ quan địch trong thị xã. Tại dinh Tỉnh trưởng (ngày nay là Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long), khi thấy anh Lê Văn Bê mang máy truyền tin vào tiếp quản thì một sĩ quan ngụy bước tới làm quen và giới thiệu là sĩ quan phụ trách truyền tin của Tiểu khu Vĩnh Long.
Anh ta cho biết thời gian qua thường xuyên mở máy theo dõi các phiên liên lạc của các đơn vị quân giải phóng và ngày hôm nay vinh dự gặp những người bên kia chiến tuyến trong ngày tỉnh Vĩnh Long hoàn toàn giải phóng.
Lấy máy địch để... quay phim
Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trung Hiếu, lúc bấy giờ công tác ở Phòng Điện ảnh Giải phóng, thuộc Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ, nhớ lại: Khoảng 8 giờ sáng 1/5/1975, Tỉnh trưởng Vĩnh Long cho xe Jeep đến cầu Đôi đón cán bộ lãnh đạo quân giải phóng và anh em quay phim vào dinh Tỉnh trưởng.
Tại đây anh em quay phim gặp đồng chí Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá) đang làm việc với Đại tá Thành, Tỉnh trưởng và các thuộc cấp về việc tiếp quản, khoảng 30 phút sau theo yêu cầu của các phóng viên, một chiếc xe Jeep chở các đồng chí quay phim rời dinh Tỉnh trưởng đưa các anh đi quay ở bến phà Mỹ Thuận.
Trên đường đi các anh thấy Nhân dân mừng vui đổ đường, còn các loại súng ống, quần áo, giày, ba lô… của lính ngụy vứt bỏ ngổn ngang, bộ đội và du kích thì lo thu gom vũ khí để đảm bảo an toàn cho người dân. Sau khi quay phim bến phà Mỹ Thuận xong các anh yêu cầu xe đưa vào sân bay Vĩnh Long.
Khi các anh đến nơi đã có đơn vị bộ đội vào tiếp quản sân bay, lúc này máy bay trong căn cứ còn lại không nhiều, phần lớn trực thăng đã bay đi di tản, chỉ còn lại 5 chiếc máy bay trinh sát L-19 đậu trong một góc phi đạo.
Vào tiếp quản sân bay, anh em bộ đội phân công nhiệm vụ canh gác mục tiêu, thống kê các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật tại đây, lính ngụy trong sân bay được tự do về với gia đình, riêng đội ngũ phi công và nhân viên kỹ thuật vẫn tập trung đầy đủ đợi lệnh của quân giải phóng.
Đi trên đường băng sân bay rộng lớn tràn ngập nắng và niềm vui chiến thắng, nhiều đồng chí không nén xúc động khi nhớ lại trận đánh vào sân bay Vĩnh Long 7 năm về trước.
Trận đánh vào sân bay Vĩnh Long Tết Mậu Thân năm 1968 được Quân khu 9 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 857 và đại đội đặc công. Trong trận đánh này quân ta đã phá hủy 61 máy bay trực thăng và 2 máy bay L-19 cùng kho đạn, kho xăng dầu và trên 100 lính Mỹ bị tiêu diệt.
Về phía ta, tổn thất cũng không nhỏ, có 43 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trong đó có 35 cán bộ, chiến sĩ hy sinh phải nằm lại trận địa, không lấy thi thể ra được. Thắng lợi của trận đánh sân bay Vĩnh Long phải đánh đổi bằng xương máu rất lớn đối với lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long thời điểm đó.
Còn giờ đây, xung quanh lặng im, không tiếng súng, trong sân bay chỉ có bóng dáng mấy anh bộ đội đứng canh gác, đường băng dài trống trải, nắng nóng như đổ lửa nên các anh bộ đội và quay phim vào tránh nắng dưới cánh những chiếc máy bay trinh sát L-19.
Máy bay trinh sát L-19 mà bà con thường gọi là máy bay “đầm già” giữ vai trò quan trọng trong không quân địch, vừa làm nhiệm vụ quan sát, thám thính, liên lạc, thả truyền đơn, vừa làm nhiệm vụ điều chỉnh pháo binh, hướng dẫn máy bay khu trục ném bom và máy bay trực thăng vũ trang yểm trợ bộ binh.
Chúng bay với vận tốc chậm và quần đảo xoi mói khắp ruộng vườn trong vùng nghi có hoạt động của quân giải phóng để chỉ điểm cho máy bay ném bom, pháo binh bắn phá. Khi phát hiện chỗ nào nghi ngờ, thì lập tức chỉ thị tọa độ, phóng hỏa tiễn khói chỉ điểm rồi dạt ra xa để máy bay ném bom theo vết khói màu mà trút bom đạn xuống mục tiêu.
Những chiếc máy bay chuyên đi gây tội ác giờ đây nằm im lìm trên đường băng không còn vẻ dữ tợn như ngày nào, có anh bộ đội hiếu kỳ còn leo lên ngồi vào ghế phi công. Theo đề nghị của các đồng chí quay phim giải phóng muốn quay hình ảnh tỉnh Vĩnh Long và ĐBSCL từ trên cao trong ngày chiến thắng. Thế là sau đó một đồng chí quay phim đi cùng một phi công ngụy lên chiếc máy bay trinh sát L-19 cất cánh.
Ngày 1/5/1975, bộ đội tiếp quản sân bay Vĩnh Long. Ảnh: TL |
Máy bay lượn vài vòng trên bầu trời TX Vĩnh Long rồi tiếp tục bay về hướng TP Cần Thơ, chừng 10 phút sau nó quay về sân bay Vĩnh Long hạ cánh an toàn.
Nhắc đến đây đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trung Hiếu nói trong xúc động: “Có thể nói những hình ảnh của phóng viên Phòng Điện ảnh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ và các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh quay, chụp được trong những ngày giải phóng Vĩnh Long là những tài liệu vô cùng quý giá, ghi lại khoảnh khắc lịch sử của quân dân Vĩnh Long sát cánh cùng quân dân cả nước trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những thước phim tài liệu này hiện đang được một cơ quan chuyên môn của Nhà nước bảo quản, để phục vụ khai thác, sử dụng sau này”.
TRẦN THẮNG