Hủ tiếu gõ

10:03, 31/03/2024

Có người hỏi tôi: Trong các món ăn bình dân bạn thích món nào? Không ngần ngại suy nghĩ mà trả lời ngay: hủ tiếu gõ.

 

Hủ tiếu gõ. Ảnh minh họa
Hủ tiếu gõ. Ảnh minh họa

Có người hỏi tôi: Trong các món ăn bình dân bạn thích món nào? Không ngần ngại suy nghĩ mà trả lời ngay: hủ tiếu gõ.

Ừ thì hẳn hủ tiếu gõ sẽ là một “ứng cử viên” nặng ký. Nói cách khác đó chính là một phần linh hồn của người bình dân, đơn giản và chất phác lắm. Ai cũng ăn được, không phân sang giàu hay địa vị. Cứ đặt cái ghế ngồi xuống một quán hủ tiếu trên vỉa hè, rồi thì ai cũng như ai thôi.

Một tô hủ tiếu gõ cơ bản chỉ có vắt mì hoặc hủ tiếu, hành lá, hẹ tươi, hành phi. Giá rẻ, thế nên dù miếng thịt xắt mỏng tang, nhúm hủ tiếu được độn thêm nhiều giá, món ăn vẫn được giới bình dân ưa chuộng vào bậc nhất.

Thợ thuyền đi làm về đói bụng thì ghé ngang làm tô hủ tiếu, ăn xong có bình trà đá miễn phí để sẵn. Nằm nhà thấy đói, làm biếng ăn cơm, chỉ chờ tiếng gõ lốc cốc thì gọi, chờ chừng dăm mười phút, tô hủ tiếu đã được mang đến tận nơi. Lười lười, chỉ việc đưa tiền trước, ăn xong để cái tô ngoài ngạch cửa, người bán cứ thế lấy mang về.

Hủ tiếu gõ với tôi còn có một câu chuyện khác, mà mỗi lần nhắm mắt lại thì thời sinh viên của tôi lại ùa về...

Ngày còn là sinh viên ĐH An Ninh, tôi có nhỏ bạn cùng phòng ở ký túc xá, đứa miền Trung, đứa miền Tây mà thân nhau lắm. Những chiều ngán cơm ký túc xá chúng tôi vẫn lén “vượt rào” đi ăn hủ tiếu gõ ở làng ĐH Thủ Đức.

Quán hủ tiếu gõ nhiều vô số kể, nhưng mà có duy nhất “quán mối” mà chúng tôi rất thích. Quán của đôi vợ chồng quê Quảng Trị có một cô con gái có gương mặt thật xinh, nhất là đôi mắt to tròn sâu đen lay láy.

Dẫu thế cô gái lại có thân hình nảy nở phát triển nhưng chiều cao chỉ bằng 1 đứa trẻ lên mười. Chắc có lẽ do cuộc sống cực nhọc, bươn chải vào đời sớm mà em đã vội dậy thì trước tuổi; cái sự nảy nở cũng đi trước sự khôn ngoan, biết nghĩ sâu, dài trước cuộc đời muôn mặt.

Điều tôi và nhỏ bạn thấy thú vị chính là sự chủ động bắt chuyện của em mỗi khi chúng tôi ngồi ăn ở quán. Chất giọng nặng của xứ sở em làm câu chuyện thỉnh thoảng không được tròn trịa vì tôi nghe tiếng đặng, tiếng mất.

Nhưng tôi yêu em, yêu giọng nói của em và hơn hết là những câu chuyện kể của em về cái nghèo của quê hương, nỗi cực nhọc của phận đời mưu sinh trôi dạt. Đồng cảm có, yêu thương có vì so với em, tôi cũng là lớp bình dân cũng nếm trải qua những chật vật quanh mình. Có điều tôi may mắn hơn em, tôi đang là sinh viên an ninh, trước mắt tôi có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Còn em không biết sẽ rong ruổi cùng chiếc xe chở hủ tiếu gõ đến bao giờ, chiếc xe nhỏ vậy mà gánh trên mình cơm áo của bao nhiêu miệng ăn ở tận quê xa. Biết làm gì hơn cho em khi tôi cũng chỉ là một cô sinh viên sống phụ thuộc gia đình.

Câu chuyện của chúng tôi cứ vậy mà dài mãi những 5 năm ĐH.

Bẵng đi rất lâu sau khi ra trường tôi lại có dịp trở lại Thủ Đức. Như thói quen tôi phóng vội ra làng, tìm quán cũ. Mẹ em vẫn nhớ tôi, huyên thuyên chào hỏi. Ăn hết tô hủ tiếu, tôi vẫn cố nán lại, ý tìm em, gặp lại em mà không thấy. Mẹ em nhìn tôi, giọng khàn đặc: “Em nó mất rồi con à”. Tôi bàng hoàng sửng sốt đến lặng người, mãi hồi lâu tôi thờ thẫn hỏi: “Sao em nó mất hở cô?”.

Lặng lẽ kéo vạt áo lau vội những giọt nước ngân ngấn bên khóe mắt, giọng người mẹ chùng xuống mà nghe như trĩu nặng, chất chứa bao nhiêu nỗi đau uất nghẹn, chợt trào dâng: “Cái đêm tối oan nghiệt đó, có một nhóm công nhân kêu 5 tô hủ tiếu gõ mang qua phía Hồ Đá Xanh- sau mới biết chúng say rồi- vậy đó, chúng vồ như những con thú dữ- rồi chúng giấu xác em trong bụi rậm. Đêm đó trời mưa to lắm…”.

Giọng người mẹ vẫn tiếp tục câu chuyện đêm oan nghiệt đó, nó nhỏ dần, thì thầm như gió thoảng, mà lòng tôi chết điếng, tai ù đi, nghe thắt nghẹn trong lòng. Sao cuộc đời tàn nhẫn, bất công với em thế...

Chắc đâu đó trên trời, em đã hóa vì sao nhỏ, đôi mắt đẹp lay láy đêm đêm vẫn đang dõi nhìn về dáng mẹ, về chiếc xe hủ tiếu vẫn gõ đều đều lốc cốc mưu sinh...

Dòng đời vẫn tiếp tục trôi, tiếp tục những buồn vui thường nhật, nhưng xe hủ tiếu gõ trong tôi từ đây vang dội một thứ âm thanh khác, nó không nghe giòn giã vui tai nữa. Buồn quá hủ tiếu gõ ơi!...

“Ê, làm gì mà mắt mũi kèm nhèm vậy nhỏ?”- Tiếng của nhỏ bạn bất ngờ kéo tôi về thực tại. “Ờ, chắc là nãy giờ hủ tiếu gõ cho nhiều ớt và sa tế nên tao cay chảy nước mắt đó mờ...”- tôi giã lã gọi lớn: “Cô ơi, làm cho 1 tô hủ tiếu gõ!”.

Bài, ảnh: PHAN THỊ THỦY TIÊN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh