Những người mẹ có con đang tuổi ăn, tuổi học ngồi chờ rước con ở cổng trường tám chuyện, kể nhau nghe chuyện con dán mắt vào chiếc điện thoại không rời.
Mẹ muốn con hòa vào thế giới tự nhiên để kích thích sự tò mò và thúc đẩy sự sáng tạo, sự tưởng tượng của con… Trước hết đem lại những giây phút vui tươi, thoải mái. |
Những người mẹ có con đang tuổi ăn, tuổi học ngồi chờ rước con ở cổng trường tám chuyện, kể nhau nghe chuyện con dán mắt vào chiếc điện thoại không rời.
Câu chuyện về những cô cậu tuổi ăn, tuổi học “nghiện” điện thoại khi mẹ làm việc trong một sở than thở: “Trưa tan sở hai vợ chồng ghé trường rước con về. Về đến nhà, chồng thì nằm trên chiếc võng đong đưa, con thì chạy vào phòng, mỗi người cầm một chiếc điện thoại mạnh ai nấy lướt. Một mình với một đống công việc không tên, không lương. Và chiều bổn cũ ấy được lặp y lại”.
Mẹ than thở người chồng không phụ hợ, để cùng nhau chuẩn bị mâm cơm gia đình. Vì mẹ cũng đi làm cũng cần những giây phút nghỉ ngơi. Điều mẹ muốn nói thêm là chuyện chồng xem điện thoại thì làm sao rầy con, cấm con xem.
Mẹ bán quán cơm tiếp câu chuyện: “Đứa con chị đi học vừa về tới nhà, văng cái cặp một góc, chưa kịp thay đồ đã cầm chiếc điện thoại lên xem YouTube, chơi game rồi. Chị bước lên kêu ba bốn bận để xuống ăn cơm mà con có nghe gì đâu”.
Mẹ làm ở công ty tư nhân bảo: “Em và chồng đi làm nên gửi con ở quê với ngoại, em mua cho con chiếc điện thoại thông minh để tiện liên lạc. Ở xa em không quản lý được, con em nghiện lúc nào em không hay. Giờ con đi học về là vô phòng xem điện thoại không nói chuyện gì với ai. Em sợ con bị trầm cảm”.
Làm một khảo sát nhỏ trong cơ quan, ở đại gia đình, ở xóm… Giờ con ở tuổi mầm non đã tiếp xúc với điện thoại chớ không chờ đến tiểu học. Các con học cấp 2, cấp 3 là đã được sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Không muốn nói là xịn sò. Có lúc vì việc học hành như tìm hiểu bài, học nhóm; để tiện việc rước con; có lúc vì nhu cầu giải trí…
Do sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội, do cuộc sống bộn bề, công việc áp lực…
Có thể kể ra một loạt lý do để mẹ cho con xem điện thoại như: Mẹ bận việc nhà cho con xem điện thoại để con không làm phiền. Con không ăn cơm, mẹ ra “phần thưởng” cho con: “Con ăn hết chén cơm mẹ cho coi điện thoại” hay con đọc hết bài thơ, làm hết bài tập toán mẹ cho xem điện thoại.
Thấy con học hành áp lực mẹ muốn cho con xem điện thoại để giải trí năm mười phút… Với bao lý do để con được xem điện thoại, rồi con mẹ nghiện điện thoại lúc nào mẹ không hay.
Các mẹ cũng muốn kéo con mình ra khỏi những con sóng điện từ. Mẹ muốn con hòa vào thế giới tự nhiên để kích thích sự tò mò và thúc đẩy sự sáng tạo, sự tưởng tượng của con… để con mẹ không thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu gắn kết cộng đồng, thiếu kỹ năng thích ứng… Nhưng công việc kéo mẹ vào không có thời gian để trở thành người bạn của con để cùng con tham gia vào thế giới tự nhiên.
Vì mẹ biết rằng, đọc một quyển sách, những bước chân được in dấu nhiều nơi, khi nói chuyện cùng người có sự hiểu biết, kinh nghiệm phong phú, tư tưởng sâu xa mẹ sẽ có dịp gột rửa thăng trầm của năm tháng, còn các con sẽ tích lũy được kiến thức phong phú, đôi khi mở ra một cánh cửa mới cho các con vươn xa trong cuộc sống.
Thiên nhiên với bao tia nắng soi rọi cho con người qua những lời nói, câu từ, hình ảnh… Trước hết đem lại những giây phút vui tươi, thoải mái.
Lời nói từ lòng người mẹ: “Con ơi! Mẹ sẽ sắp xếp thời gian để cùng con cắt cơn nghiện điện thoại thông minh. Ánh mắt con sẽ rời màn hình điện thoại. Ánh mắt mẹ sẽ không rời con mẹ”.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG