Phải nói rằng tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 1969-1975 không ở đâu khó khăn và ác liệt bằng vùng đất Phân ban Tỉnh ủy hoạt động vùng Sa Đéc nhất là vùng huyện Lấp Vò. Khó khăn, ác liệt hy sinh nhiều nhất, có đồng chí mới đến đây đã hy sinh.
Đơn vị An ninh vũ trang chiến đấu bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy. Ảnh: TL |
Phải nói rằng tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 1969-1975 không ở đâu khó khăn và ác liệt bằng vùng đất Phân ban Tỉnh ủy hoạt động vùng Sa Đéc nhất là vùng huyện Lấp Vò. Khó khăn, ác liệt hy sinh nhiều nhất, có đồng chí mới đến đây đã hy sinh.
Bởi vì tỉnh Vĩnh Long lúc bấy giờ là tỉnh đồng bằng, là tỉnh bản lề nối liền miền Tây, TP Cần Thơ là nơi đặt Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn.
Xuất phát từ vị trí quan trọng đó, trong chiến tranh Vĩnh Long được địch xem là địa bàn trọng điểm then chốt, chúng quyết giữ và bình định cho bằng được, cho nên trong suốt thời kỳ chiến tranh, địch luôn tăng cường tiềm lực quân sự, xây dựng mạng lưới tình báo, gián điệp, phượng hoàng, cảnh sát khắp nơi, xây dựng thế lực chính trị phản động rất ác ôn. Ngoài ra chúng còn xây dựng hệ thống đồn bót dày đặc.
Năm 1969, ở Vĩnh Long địch đóng 650 đồn, đến năm 1971, lên đến 1.053 đồn địch. Tỉnh Vĩnh Long là tỉnh đồng bằng đất trũng thường xuyên bị bão lụt, mùa nước nổi dâng cao nước ngập trắng cả vườn cây, ruộng đồng thành sông.
Vĩnh Long không có rừng, không có núi, rất bất lợi cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lực lượng cách mạng ở Vĩnh Long luôn được Nhân dân đùm bọc, chở che đương đầu với khó khăn chồng chất cùng với lòng yêu nước, tinh thần căm thù địch sâu sắc và quyết tâm vượt qua để giành thắng lợi.
Nhiệm vụ chung của tất cả cán bộ chiến sĩ đến đây là phải bám cho được địa bàn, hễ bám được địa bàn là có ý nghĩa đã giành được thắng lợi, rồi bám dân, làm tốt công tác vận động quần chúng.
Khi dân bị địch“tát” đi hết, cán bộ chiến sĩ phải bám bưng biền, đồng ruộng có khi nước ngập hết phải nhổ cỏ, dựng độn lên thành cái mô mà lên ngồi trùm cao su chịu đựng, gian khổ hy sinh, đói rét, thiếu cơm, thiếu áo “ít no nhiều đói”, ăn rau muống, ăn chuối cây.
Rau thì có gì ăn được là cứ ăn, có khi tối ra dân xin gạo về ăn, có khi đụng địch hy sinh, vác gạo về lội qua kinh rạch bị ngập chìm, gạo ướt hết, phải ăn gạo ướt xuyên suốt.
Nhiệm vụ Ban An ninh Phân ban Vĩnh Long lúc này là phải chủ động tấn công địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, diệt ác phá kềm, xây dựng lực lượng mật. Nắm chắc tình hình, Ban An ninh có Đội Trinh sát bảo vệ chính trị, trong đó Đội Trinh sát vũ trang là lực lượng mũi nhọn của Ban An ninh.
Đội Trinh sát bảo vệ chính trị ngày đêm luồn lách bám trụ trong dân để tổ chức lực lượng, nắm chặt tình hình, nắm chặt đối tượng, mục tiêu để phục vụ cho Đội Trinh sát vũ trang tấn công tiêu diệt. Đội Trinh sát vũ trang cũng phải bám trụ vào dân, tổ chức lực lượng trinh sát mật, cơ sở mật, trinh sát điều nghiên các quy luật hoạt động của địch, nắm chắc để tiến công tiêu diệt địch.
Tính từ năm 1969-1975 đơn vị Trinh sát vũ trang đã phối hợp đơn vị bộ đội đánh vào nội ô thị xã Tiểu khu Sa Đéc, diệt được Phó Tỉnh trưởng đêm 2/5/1969 và tiêu diệt 1 trung đội Cảnh sát dã chiến rồi rút ra phòng ngự tại cầu Bà Ban, Kiều Hạ sát nội ô Tiểu khu Sa Đéc tiêu diệt hơn 100 tên địch, bắn cháy 3 xe M113.
Đội Trinh sát vũ trang TT Cái Tàu Hạ, khi ta pháo kích đồn Xẻo Lò thì lập tức tên thiếu tá Nguyễn Thành Phụng lên chiếc xe Dodge vào chi viện, biết được quy luật hoạt động của tên Phụng, đêm 10/12/1974, Đội Trinh sát vũ trang TT Cái Tàu Hạ phục kích gần ngã ba cống rạch Bà Nhưng.
Các chiến sĩ Trinh sát vũ trang gài mìn Claymore trên cây, khi ta pháo kích đồn Xẻo Lò thì lập tức tên thiếu tá Phụng lên xe chạy vào chi viện, khi xe tên Phụng vào tới chỗ Đội Trinh sát phục kích lập tức ấn kíp mìn nổ tung làm lật xe, tên Phụng ác ôn, chết ngay tại chỗ, ta tịch thu một súng cối 60 ly.
Đội Trinh sát vũ trang TX Sa Đéc tháng 4/1971 đột nhập cách dinh tỉnh trưởng khoảng 200m. Các đồng chí trinh sát ngụy trang như dân thường dùng chiếc ghe tam bản gắn máy Kohler từ cồn Bình Thạnh chạy qua cách tàu Giang cảnh độ 10m thì Đội Trinh sát nổ súng chiếm được chiếc tàu khống chế tên thuyền trưởng lái tàu chạy về cồn Bình Thạnh, ta thu được 1 súng đại liên, 2 khẩu súng Carbine, 1 khẩu M79. Chiếc tàu trên là phương tiện hàng ngày làm nhiệm vụ chiêu gọi hàng của địch.
Đội Trinh sát vũ trang Sa Đéc còn diệt nhiều tên ác ôn. Mỗi lần được phân công công tác vùng Phân ban Tỉnh ủy Vĩnh Long làm cho đồng chí đồng đội người thân lo lắng, hồi đó có câu vè rằng “Qua sông giảm kỷ, qua lộ bạc đầu” hoặc “Ai lên Lấp Vò không bò cũng lết, không chết cũng bị thương” những câu ấy đủ nói lên sự khốc liệt, khó khăn, khắc nghiệt của chiến trường ở vùng này.
Hồi đó qua sông Măng Thít để lên Lộ 4 (nay là QL1) để lên vùng giữa hoặc huyện Lấp Vò có đồng chí “trào ngược” trở lại trả súng đạn, trả tài liệu, thậm chí xin ra khỏi Đảng về làm dân. Vì lý do khi qua Lộ 4 nhiều đồng chí bị địch phục kích bắn hy sinh.
Sau đó Đội Trinh sát vũ trang lên kế hoạch tấn công tiêu diệt sạch đội biệt kích này nên anh em qua lộ được dễ dàng hơn. Từ ngày 28/9-19/11/1972 địch đưa tiểu đoàn Bảo an vào cặm quân bình định phát quang ngay căn cứ Ban An ninh tỉnh tại rừng Nước Đục, xã Song Phú (nay là xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình).
Nơi đây còn có nhiều cơ quan như Quân y, Dân y, Bộ đội Pháo binh cũng đóng quân ở đây, các cơ quan, đơn vị di dời đi hết, chỉ còn Đội Trinh sát vũ trang được Ban An ninh tỉnh phân công ở lại bám trụ đánh địch.
Đội Trinh sát vũ trang len lỏi bám thắt lưng địch mà đánh giành từng tất đất, quần nhau với địch 53 ngày đêm chiến đấu ròng rã bằng hầm chông, lựu đạn gài, bắn tỉa, bắn lựu đạn bằng giàn thun vào quân địch… làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm chết và bị thương trên 100 tên. Cuối cùng địch phải rút quân, trả lại sự bình yên các cơ quan ban ngành trở về đây chung sống cho đến ngày 30/4/1975 hòa bình thống nhất đất nước.
Thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Minh Tấn |
Ngày xuân về viết về kỷ niệm một thời kỳ chiến đấu hào hùng và cũng vô cùng ác liệt, với nhiều gian khổ, hy sinh của Ban An ninh Phân ban Tỉnh ủy Vĩnh Long, viết để nhớ về đồng chí, đồng đội, nhớ về bà con vùng căn cứ kháng chiến, và nhiều bà con vùng địch tạm chiếm đã đùm bọc, chở che, giúp đỡ lực lượng an ninh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Đảng, thực hiện tốt phương châm “Chỉ biết còn Đảng thì còn mình”.
Thiếu tướng PHAN VĂN MINH