Dù cho thuận theo sự phát triển của xã hội và nhiều gia đình vì hoàn cảnh, điều kiện khác nhau sẽ có những sự lược bớt một số phong tục tập quán, một số nghi thức, nghi lễ thờ cúng, chưng bày ngày Tết; nhưng có lẽ cặp dưa hấu là không thể thiếu trong mỗi gia đình… ăn Tết Việt.
Dưa hấu chưng Tết kết hợp khắc chữ bằng máy móc hiện đại, được đặt trang trọng trên những cái chò cẩn xà cừ của làng nghề mộc Gò Công (Tiền Giang). |
Dù cho thuận theo sự phát triển của xã hội và nhiều gia đình vì hoàn cảnh, điều kiện khác nhau sẽ có những sự lược bớt một số phong tục tập quán, một số nghi thức, nghi lễ thờ cúng, chưng bày ngày Tết; nhưng có lẽ cặp dưa hấu là không thể thiếu trong mỗi gia đình… ăn Tết Việt.
Gửi gắm trong hình ảnh cặp dưa hấu trang trọng bày trên bàn thờ với tất cả lòng thành kính dâng cúng tổ tiên, ông bà, còn là món ăn ngon sau Tết, mà hồi xưa dân miền Tây mình còn có tục “bói dưa”.
Hết Tết rồi, câu nói ấy tùy vào mỗi gia đình, tùy vào từng thời đoạn xã hội, cái sự “hết Tết” sẽ rơi vào những ngày sớm hay muộn của tháng Giêng. Xưa thì đợi đến mùng 7 hạ nêu, nhưng thường nông thôn, nông nghiệp lúa mùa thì có thể cả cái tháng Giêng là tháng… ăn chơi, miền Bắc thì sau Tết lại bước vào mùa lễ hội kéo dài đến tận tháng 2, tháng 3 âm lịch.
Giáp Thìn năm nay, hầu hết công việc đã quay trở lại vào mùng 6 Tết, nên trước đó đa số mọi người cũng đã dọn dẹp bông chưng từ ngoài sân cho đến trong nhà, đặc biệt là những mâm quả, bông cúng trên bàn thờ, rồi khệ nệ ôm xuống cặp dưa hấu chưng “ba ngày Tết”.
Trên ngôi nhà Nam Bộ truyền thống (cũng là chung của người Việt) dù giàu hay nghèo ngay gian giữa nhà chính là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Không đủ tiền sắm cái tủ thờ bằng gỗ quý, thì một cái bàn đơn sơ với bộ lư đồng, cặp chân đèn có thể thay thế bằng gỗ và bên cạnh là cặp chò hoặc cái chò đơn để chưng cúng bánh trái.
Tết gần đây nhiều gia đình đã giảm đi lễ vật là mâm ngũ quả truyền thống bắt buộc phải là mãng cầu, trái dừa, trái đu đủ, trái xoài cộng thêm có thể là trái khóm, trái thơm. Thay vào đó, có thể là nhiều loại cây trái mới ngon, đẹp hơn tùy vào ý thích.
Thậm chí có người đã nhiều năm không muốn chưng cặp dưa hấu, chỉ với lý do là chưng thì đẹp nhưng trái phình to tròn nhưng dễ bị úng thối khi Tết vẫn chưa qua, giống như mâm ngũ quả chưng những chùm trái non, không chất lượng nên thường bị… héo queo, rất xấu.
Gần đây, dưa hấu chưng đã được nông dân cải thiện rất nhiều về chất lượng, với những giống dưa, những rẫy dưa có thương hiệu vừa tạo được trái dưa đẹp, nhưng đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng là phải đỏ ruột, còn giòn, ngon ngọt sau khi đã chưng Tết.
Hồi xưa, khi xẻ trái dưa chưng ra niềm tin dân gian là sẽ… hên, sẽ đỏ suốt năm nếu trái dưa thực sự “xanh vỏ, đỏ lòng”. Những người già rất thích món dưa hấu chấm ơ kho quẹt ăn cơm, cũng như thói quen ăn cơm với nhiều loại trái cây chín của người miền Tây xưa.
Vỏ dưa hấu gọt bỏ lớp xanh mỏng bên ngoài, nếu khéo nội trợ sẽ chế biến thành món dưa chua, món gỏi trộn cũng ngon. Nhưng có điều khoa học đã chứng minh phẩm chất tăng cường cái… khoản đó của đàn ông là rất hiệu nghiệm.
Tết phương Nam năm này rơi vào thời đoạn nắng nóng gay gắt chẳng khác gì mùa hè đổ lửa, nên món dưa hấu mộng nước, giòn ngọt thực sự trở thành món ăn khoái khẩu của rất nhiều người.
Miếng dưa hấu đỏ au, giòn ngọt thanh thao là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. |
Hơn thế nữa, sẽ cảm thấy thích thú khi được thưởng thức chính những cặp dưa hấu chưng có ruột đỏ au, ngọt thanh thao, tiếp tục tận hưởng hương vị những ngày Tết xưa, Tết nay đọng lại trong lòng biết bao nhiêu là niềm thương, nỗi nhớ.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG