Hàng năm vào mùng 3, mùng 4 tháng Giêng âm lịch, du khách xa gần nô nức về dự lễ giỗ Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn).
|
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thực hiện nghi thức dâng hương, kính dâng lễ vật trong lễ giỗ Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn. |
Hàng năm vào mùng 3, mùng 4 tháng Giêng âm lịch, du khách xa gần nô nức về dự lễ giỗ Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn).
Truyền thống thờ cúng tổ tiên, kính nhớ cội nguồn là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc ta. Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn đối với dân với nước đã có công gìn giữ sự yên lành cho dân chúng vùng Trà Ôn- Cầu Kè, khai hoang mở đất, sinh cơ lập nghiệp,...
Người dân Nam Bộ nói chung và người dân Trà Ôn- Cầu Kè nói riêng suy tôn và biết ơn ông là vì ông đã có công lớn với dân, tạo được sự đoàn kết cộng đồng, bảo vệ cuộc sống yên lành của người dân trong vùng.
Ngày 13/2, nhằm ngày mùng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn, người dân địa phương và các vùng lân cận tề tựu về dự lễ giỗ lần thứ 204 của Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, với nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Văn hóa-TT-DL, Huyện ủy- HĐND- UBND- Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trà Ôn tổ chức lễ dâng hương và kính dâng lễ vật lên các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, mở cõi, thể hiện lòng tự hào và tri ân sâu sắc của các thế hệ cháu con vùng đất Trà Ôn.
Đồng thời điểm mới năm nay, là đảng ủy- HĐND- UBND- ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn thuộc huyện Trà Ôn, mỗi đơn vị chuẩn bị 1 mâm lễ vật dâng cúng đức ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn.
Theo Sở Văn hóa-TT-DL, các hoạt động trong lễ giỗ nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn trong công cuộc khai phá, xây dựng và giữ gìn bờ cõi đất nước. Bạn Nguyễn Lê Hoàng Nhân quê ở Trà Ôn, chia sẻ: “Năm nay sau 2 năm em về quê đón Tết thấy rất vui.
|
Đội nhạc lễ của người Hoa biểu diễn. |
Mùng 4 Tết em du xuân và hòa vào lễ hội Lăng ông ở địa phương, em cảm thấy tự hào và xúc động trước công lao của các bậc tiền nhân”. Chàng trai 22 tuổi đang làm bên lĩnh vực vận tải ở TP Hồ Chí Minh gửi lời chúc mừng năm mới đến tất cả mọi người an khang thịnh vượng, mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.
Cũng hòa trong tiếng trống múa lân rộn ràng trong lễ hội Lăng ông, bạn Trần Phẩm Nam (23 tuổi, ấp Mỹ Phó, xã Thiện Mỹ) về quê ăn Tết sau một năm đi làm việc đã thấy “đây là bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thắp hương xong, em có những trải nghiệm vui và rất tuyệt vời bên các đội lân sư rồng biểu diễn rất đẹp”.
Thông qua các hoạt động tại lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của Nhân dân Vĩnh Long. Tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của ba dân tộc: Kinh- Hoa- Khmer trên địa bàn; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Với chị Phan Thị Diễm Thúy (ở xã Hòa Bình) cùng gia đình bên chồng từ Phú Quốc về quê ăn Tết, năm nay cũng đi lễ hội Lăng ông. “Năm nào mình cũng đi lễ hội và thấy nhộn nhịp, đông vui. Du xuân mình cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Hơn nữa, đây còn là cách giáo dục các con mình hiểu biết truyền thống tốt đẹp của cha ông”.
|
Hát tuồng. |
Đại diện đoàn lãnh đạo UBND tỉnh dâng hương, dâng lễ vật tại lễ giỗ Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 69 di tích được xếp hạng, trong đó 13 di tích cấp quốc gia và 56 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được công nhận và được xếp hạng. Trong thời gian vừa qua, nhiều giải pháp được triển khai và thực hiện.
|
Đội trống sa dăm của đồng bào Khmer. |
Như lễ hội Lăng ông Thống chế Điều bát, đây là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và cũng là một nét đẹp đầu xuân của tỉnh Vĩnh Long. Lễ hội đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, với việc phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư để làm sao cho văn hóa xứng đáng với giá trị vật chất, tinh thần, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.