(VLO) Dòng sông thao thiết chảy qua ngàn cây số để quần tụ bồi lắng nên đồng bằng với biết bao nhiêu cù lao, bờ bãi giữa hàng ngàn sông, mương, rạch, xẻo... Qua hơn 6.000 năm trầm tích những hạt phù sa nghiêng mình đậu lại những bến quê mà làm thành đất đai xứ sở quê nhà, mà sinh thành nên loại đất sét đỏ diệu kỳ không đâu có được. Rồi những bàn tay thô ráp… vọc bùn, có cả khoảng trời ký ức “tu nống, tu na” chảy suốt miền thơ ấu, con người xứ sở này trải tiếp trăm năm làm nên một làng nghề chạy dọc một triền sông.
Những con người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh đã làm nên làng nghề gốm đỏ Vĩnh Long. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện |
Đó là một hành trình vĩ đại của thời gian và lịch sử, một mối lương duyên được định đặt bởi đất trời, nhưng chính khối óc, bàn tay của những con người lao động cần cù mà vô cùng sáng tạo, thông minh, đã cho đất một cuộc đời rất khác được đặt tên là gốm đỏ Vĩnh Long.
Như một dòng chảy âm thầm mà mãnh liệt, như những điệu thức tự tình của đất, của nước và người, tiếp tục truyền tay nhau một gia tài vô giá, lớp người xưa đã gầy dựng cho người hôm nay nuôi dưỡng một giấc mơ.
Nâng niu di sản của tiền nhân là giữ gìn, là xây đắp cầu nối từ quá khứ đến hiện tại, mở ra một khát vọng lớn lao bay thẳng về phía tương lai, quyết tâm mạnh mẽ nhất tạo dựng một thương hiệu độc đáo nhất, đặc trưng nhất về “Con đường gốm đỏ Vĩnh Long”.
“Con đường gốm đỏ” là một ý tưởng đột phá, mang tầm dẫn dắt, mở đường sau bao nhiêu cuộc hội thảo, tọa đàm chúng ta vẫn chưa tìm ra được một “lối mở” khả dĩ nhất để có thể phát huy, khai phá xứng tầm những tiềm năng của Di sản đương đại Mang Thít.
Hãy tổng kết bằng những con số thực tế để định lượng sức hút của “Con đường gốm đỏ” chỉ được hình thành gấp gáp trong thời gian ngắn ngủi và được trưng bày rất ngắn lồng vào sự kiện 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa (9/2023); chúng ta đã thấy được hiệu quả, hiệu ứng xã hội như thế nào, có bao nhiêu lượt người đã check-in ghi lại bao nhiêu là hình ảnh đẹp.
Câu chuyện sẽ thật đáng tiếc và đáng buồn nếu chỉ dừng lại ở đây. “Con đường gốm đỏ” phải trở thành một giải pháp mang tính cốt lõi để bật dậy giá trị về văn hóa, về kinh tế du lịch cho Vĩnh Long trong tương lai. Và mai đây, khi nhắc đến “Con đường gốm đỏ” cả nước và thế giới sẽ định vị được về văn hóa, vùng đất, con người Vĩnh Long.
Có nghĩa bản thân làng nghề đã chứa đựng sự đầy đặn, chất đậm đà bản sắc văn hóa đất đai này, thì cần tiếp tục đưa vào đó tính hiện đại, tính thẩm mỹ bằng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến mà làm thành một thương hiệu, một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nhất.
Rất nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, các chuyên gia có cùng ý kiến thống nhất rằng làng nghề gốm đỏ nên bắt đầu từ một sản phẩm hạt nhân, mang tính mở đường, khơi dậy, lan tỏa du lịch cộng đồng làng nghề và người dân sống trong vùng di sản, thì “Con đường gốm đỏ” nên xem là một hướng đi độc đáo. Sự khác biệt này sẽ không hề và không thể “sao chép” lại ở bất kỳ đâu.
“Con đường gốm đỏ” tại sự kiện 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa (9/2023). Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện |
Tiền, kinh phí không nên để nó trở thành nguyên nhân của “cái khó”, khi di sản văn hóa là vô giá, thì một hay vài triệu USD cũng không phải là vấn đề khi sự đầu tư đúng hướng và đạt đến trình độ cao sẽ mang lại những giá trị lợi nhuận khổng lồ về vật chất lẫn giá trị phi vật thể.
Cần khối óc sáng tạo của những nhà đạo diễn hàng đầu thế giới và những công nghệ hiệu ứng nghệ thuật ánh sáng tầm cỡ quốc tế, “Con đường gốm đỏ” nằm giữa làng nghề sẽ “kể chuyện” về hành trình lịch sử của gốm đỏ bên bờ Cổ Chiên bằng những show diễn, mang đậm màu sắc phương Nam từ thuở khẩn hoang cho đến ngày hôm nay.
Mà Long Hồ dinh là trung tâm của hành trình lịch sử đó, đặc biệt với giai đoạn hoàn thành trọn vẹn công cuộc mở cõi của tiền nhân. Một sự đầu tư tầm cỡ sẽ mang về giá trị lợi nhuận tầm cỡ, đó chính là một phần của công nghiệp văn hóa thời hiện đại.
“Con đường gốm đỏ” sẽ kéo theo, mở ra hàng trăm dịch vụ xung quanh trong một quy mô, quy hoạch xứng tầm.
Ở Việt Nam hay trên thế giới, muốn biết về gốm đỏ, muốn trải nghiệm về “Con đường gốm đỏ” thì chỉ có thể là Vĩnh Long. Đó không phải là một giấc mơ viển vông mà chúng ta có những con số cơ học đo lường sức hút của nó chỉ từ một sự kiện trong năm với thời gian ngắn ngủi.
Vấn đề là mọi thứ phải đặt ở tầm mức yêu cầu quy mô, tầm mức của sự chỉn chu, tầm vóc và đỉnh cao của chuyên nghiệp và nghệ thuật, thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm của du khách trong, ngoài nước.
Show diễn “Nụ cười Angkor” của Campuchia do đạo diễn trứ danh Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc) dàn dựng, chỉ vài trăm ngàn USD, nhưng du khách phải bỏ ra vài chục USD mỗi vé. Đó là những ví dụ gợi mở.
Trước mắt, cần xác định công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, xây dựng hình ảnh một cách trọng tâm.
Khi Vĩnh Long chọn một thương hiệu đặc trưng, một sản phẩm đặc trưng của du lịch thì nên tập trung và xuyên suốt, không nên dàn trải vừa không hiệu quả, vừa bỏ qua những cơ hội “vàng” để tạo nên mũi nhọn đột phá.
“Con đường gốm đỏ” khơi thông hướng đi cho làng nghề cũng là cùng lúc Vĩnh Long đạt nhiều mục tiêu về di sản, văn hóa, lịch sử và khai thác tiềm năng kinh tế du lịch trong tương lai không xa.
NGỌC TRẢNG