Uống cà phê và nghe chim hót

06:01, 21/01/2024

Sáng sớm trời lờ mờ sương mà nghe tiếng chim hót lảnh lót sau vườn như chào đón ánh bình minh, sẽ thấy lòng thanh thản, yêu đời hơn. Rời quê hương về sống giữa lòng phố thị, tiếng chim hót cũng xa vời. 

 

Một chú chim vừa chiến thắng trong cuộc thi.
Một chú chim vừa chiến thắng trong cuộc thi.

Sáng sớm trời lờ mờ sương mà nghe tiếng chim hót lảnh lót sau vườn như chào đón ánh bình minh, sẽ thấy lòng thanh thản, yêu đời hơn. Rời quê hương về sống giữa lòng phố thị, tiếng chim hót cũng xa vời.

Lâu lâu mới thấy lũ chim se sẻ sà xuống réo nhau trên mái nhà trong chốc lát, rồi chúng cũng vụt bay đi đâu mất. Để lại xung quanh bao thứ âm thanh hỗn tạp, tiếng ì ào của xe máy, tiếng nhạc xập xình chen lẫn tiếng rao mời vé số…

Đi tìm tiếng chim trong...quán cà phê

Ở TP Vĩnh Long nếu muốn tìm chỗ để thư giãn, yên bình bên ly cà phê sáng nghe chim hót, một hạnh phúc của cuộc đời mỗi sớm mai thức dậy, thì có mấy quán cà phê là nơi tập hợp những người cùng sở thích yêu loài chim bé bỏng, cùng tiếng hót lảnh lót, mê hoặc lòng người.

Hàng ngày họ mang chim đến quán để gặp bạn bè, vừa uống cà phê vừa lắng nghe chim hót. Xin phép tạm gọi là cà phê chim. Trong số này ở Phường 4, có 2 quán được nhiều người biết đến là quán cà phê Chim chích chòe ở đường Trần Đại Nghĩa; quán cà phê chim (gần quán Phở Sài Gòn) đường Phạm Thái Bường và CLB Chim cảnh Khánh Nguyên ở Khu đô thị Minh Linh (Phường 5, TP Vĩnh Long).

Quán cà phê Chim chích chòe trong một ngày tổ chức thi đá chim.
Quán cà phê Chim chích chòe trong một ngày tổ chức thi đá chim.

Vào một sáng cuối tuần tại quán Chim chích chòe do anh Phạm Hữu Nghĩa (SN 1977) làm chủ, tổ chức thi đá chim chích chòe than nên có đông người mang chim tới. Nếu tham gia thi đấu mỗi chủ lồng phải đóng 300.000đ, số tiền này được sử dụng làm giải thưởng gồm nhất, nhì, ba, kèm theo tiền thưởng là cúp và cờ lưu niệm.

Tiền giải thưởng chẳng là bao, điều quan trọng là vui. Những người yêu chim có dịp giao lưu với bạn bè cùng sở thích, đưa chim thi đấu để biết hay dở. Nếu thắng, tên tuổi chủ chim đoạt giải được lan truyền trong giới chơi chim cảnh, con chim thắng giải nếu bán cũng được giá cao.

Tại một góc quán, tôi lân la làm quen với chú Quan Xuân năm nay đã 90 tuổi, nhà ở Phường 2, TP Vĩnh Long, chú cho biết đã mê chim từ những năm 1995, tức cách đây gần 30 năm.

Là người dân lao động nhưng vì yêu tiếng hót của chim nên trong nhà chú dành sẵn một góc để nuôi chim và ông được các thành viên trong gia đình ủng hộ thú vui tao nhã này. Bên ly cà phê, chú san sẻ niềm vui của người chơi chim là khi mang chim đi thi đấu đạt giải cao.

Còn nếu lỡ bị thua, thì… một là “thanh lý”, tức là đem chim đi bán rẻ hoặc thả chúng về tự nhiên, hai là chịu khó tốn thời gian luyện tập mất vài tháng để chim có thể thi đấu lại. Cái khó của loài chim đá hễ thua là nhớ mãi lần bị “nốc ao”, tức là khi gặp đối thủ tương tự thì tự nhiên “mất hệ”. Thí dụ lần đó bị con chích chòe than màu trắng- đen đánh bại, thì lần sau gặp phải con chim có màu lông trắng- đen là “chạy mặt liền!”.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Để ý những người đến quán cà phê chim có đủ thành phần trong xã hội như cán bộ về hưu, người đang làm việc trong các cơ quan, văn nghệ sĩ cho đến người dân lao động.

Một ngày của người nuôi chim bắt đầu như vầy: Mở tấm vải trùm quanh lồng chim, sau đó tỉ mẩn cho chim ăn, rồi treo lồng chim lên ngồi nghe chúng hót.

Khoảng 8-9 giờ sáng, cho chim tắm nắng, rồi thả chim vào chiếc lồng khác lớn hơn để tắm nước... trung bình phải mất gần 2 năm chăm sóc để một con chim non bước vào giai đoạn “căng lửa”, tức là thời kỳ chim sung sức và hót nhiều nhất, như để đáp tình yêu và công sức của người chủ dành cho chúng. Và người xưa đã đúc kết bằng câu ca dao “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Nghe tiếng chim hót như là đón nhận tín hiệu vui tươi, mang lại sự an bình và nguồn năng lượng dồi dào cho một ngày mới, giúp người ta quên đi cảm giác mệt mỏi, cuộc sống xô bồ với bao cạnh tranh, tính toán thiệt hơn.

Tôi nhớ đã đọc trong cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” viết về nhà tình báo quân đội, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn, nhà tình báo cho biết: Trong nhà phải nuôi ba con vật: con chó, con chim và con cá.

Con chó trung thành, “Con có thể chê cha mẹ khó chứ chó không bao giờ chê chủ nghèo”. Con chim thì nhảy hoài. Nó tiêu biểu cho sự bận rộn làm việc suốt ngày, không làm biếng. Còn con cá thì dạy sự khôn ngoan, im lặng, không nói nhiều mà suy tư...

Chích chòe là giống chim vốn có tài vừa hót hay luyến láy như “ca sĩ”, vừa có thể huấn luyện thành một “võ sĩ” để thi đá. Thi đá chim thường là chích chòe than và thi hót dành cho chích chòe lửa, chim chào mào, chim họa mi, chim hút mật…

Buổi sáng mà ngồi nghe chim hót thì còn gì bằng. Giọng hót của chúng lúc trầm, lúc bổng, như đưa ta hòa mình vào thiên nhiên với vườn cây, sông suối, núi rừng…

Để có được những chú chim vừa hót hay vừa có thể tham gia thi đấu, người chơi chim phải bỏ nhiều công sức như chọn mua con giống. Một con chim bổi (chim bắt ngoài tự nhiên chưa thuần hóa) giá từ vài trăm ngàn đồng, hoặc chim qua tay người nuôi dưỡng đến vài triệu đồng.

Sau khi mua về phải đầu tư lồng chim, thức ăn, nước uống và phải huấn luyện chăm sóc chim theo một quy trình đặc biệt mà không phải ai
cũng biết.

Và để huấn luyện chúng thành một con chim giỏi thì người chủ phải dành nhiều thời gian chăm sóc.

Từ chiếc lồng luôn sạch sẽ, đầy đủ thức ăn, nước uống, bổ sung chất dinh dưỡng, duy trì việc tắm táp, luyện giọng (cho chim nghe tiếng chim hót thu âm sẵn), đưa chim đi cọ xát qua các cuộc thi, rồi phải quan sát những thay đổi bất thường của chúng lúc trái gió, trở trời... có người còn đặt tên chim trùng với tên các nhân vật trong tiểu thuyết mà mình yêu thích.

Và có những câu chuyện buồn vui của những người nuôi chim. Một anh đã tiếc nuối kể lại: Trong một lần mang chim đi tắm, do sơ ý anh đã để con chim hút mật 5 màu, nuôi đã mấy năm trời và có tiếng hót rất tuyệt vời thoát khỏi lồng bay ra ngoài.

Con chim sau khi sổ lồng vẫn còn lãng vãng quanh nhà, anh liền lấy chuối chín bỏ vào lồng dụ chim để bắt lại. Tuy nhiên khi vào lồng mổ thức ăn, con chim cảnh giác đã kịp bay ra trước khi cánh cửa lồng sập xuống. Có lẽ quá sợ nên từ đó chim bay mất biệt luôn!

Nghe chuyện, một thanh niên ngồi cạnh bên cũng góp vào. Anh cho biết là người công tác trong cơ quan nhà nước, cũng là người yêu thích chim cảnh và đã bỏ công sức đầu tư làm chiếc lồng lớn, kiên cố như một khu vườn thu nhỏ dành riêng cho chim với tiểu cảnh xinh xắn, hồ nước trong veo cho chim tắm…

Nhưng trong một lần có con rắn lục đột nhập vào xơi mấy con chim quý. Giận quá anh mở cửa lồng giải thoát cho những con chim còn lại. Giờ đây tuy không còn nuôi chim nữa, nhưng vài bữa là anh đến quán uống cà phê, nghe chim hót cho đỡ nhớ!

Từ chỗ là một thú vui tao nhã, rèn luyện đức tính con người như ông bà xưa có nói “Nuôi chim để luyện trí”, nhưng do đam mê, một số người đã dày công tìm hiểu, tuyển chọn giống chim để lai tạo, cho ra đời những con chim có màu sắc đặc biệt, bổ sung cho nguồn chim ngoài thiên nhiên đang ngày một hiếm hoi.

Chim chích chòe “đột biến”

Rời Phường 4, tôi chạy xe qua cầu Thiềng Đức ghé vào CLB Chim cảnh Khánh Nguyên ở Khu đô thị Minh Linh. CLB rộng rãi, nằm trong khu vườn dừa mát rượi, tại đây chủ nhà dành sẵn một khoảng sân rộng làm nơi treo lồng chim, nơi tắm chim và bố trí nhiều dãy bàn cho chủ chim vừa nghe chim hót vừa nhấm nháp cà phê.

May mắn cho tôi là ngày cuối tuần nên gặp được anh Lâm Hoàng Quốc Thái (SN 1978), vì ngày thường anh đi làm việc ở một cơ quan, hiện nay anh là chủ nhiệm CLB chim cảnh, gà cảnh thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long.

Anh Thái cho biết hàng ngày anh thức sớm, khoảng 6 giờ mở cửa đón vị khách đầu tiên mang chim đến, sau đó đi chợ lấy cào cào do các mối cung cấp vô sẵn trong bọc nilon về bán lại cho người nuôi chim với giá 5.000 đ/bọc. Ngoài ra anh còn bán thức ăn công nghiệp dành cho các loại chim, cùng các dụng cụ như lồng chim, chậu đựng thức ăn, nước uống…

Hiện nay hàng ngày tham gia sinh hoạt tại CLB khoảng 30-40 người, lúc có cuộc thi thì gần cả trăm người. Mỗi năm CLB tổ chức 2 cuộc thi đấu chim cảnh, thường vào dịp Tết. Vì vào mùa xuân, mùa nắng cũng là mùa chim sung sức nhất, còn vào mùa mưa chim như xuống lửa không được sung do phải thay lông.

Anh Thái cho biết mấy năm gần đây nguồn chim ngoài tự nhiên ngày càng hiếm gặp, tìm mua một con chim vừa ý cũng không phải dễ. Vì vậy anh phải sử dụng phương pháp ghép sinh sản.

Rồi anh khoe mấy con chim chích chòe đặc biệt mà anh đang sở hữu. Theo cách anh gọi đó là những con chim “chích chòe đột biến” với màu lông đặc biệt. Để có con chim “đột biến” về màu này anh đã lên mạng tìm mua. Con chim trống màu xám mua ở miền Bắc và một con chim mái mua ở miền Trung về cho ghép sinh sản, để cho ra đời những lứa con với màu lông đặc biệt xám trắng rất đẹp và sang trọng.

Các chủ nhân vui vẻ nhận giải trong một cuộc thi đá chim.
Các chủ nhân vui vẻ nhận giải trong một cuộc thi đá chim.

Tỷ lệ chim ghép sinh sản nở thành công đạt từ 70-80% đã giúp anh có nguồn chim quý bổ sung cho những yêu thích chim cảnh và mang về thu nhập vì với những người yêu thích chim, khi có nguồn tài chính, họ sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu, thậm chí trăm triệu để sở hữu con chim quý hiếm là chuyện bình thường.

Khi được hỏi về tương lai của CLB chim cảnh, anh Thái cho biết: Mong rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều thành viên tham gia CLB; chất lượng chim được nâng lên (qua tuyển chọn, ghép sinh sản để có những con chim khỏe, màu sắc đẹp); CLB có nhiều nhà tài trợ để tổ chức các cuộc thi đấu, phục vụ nhu cầu giải trí của những tâm hồn đồng điệu.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh