Tết quê bổi hổi bồi hồi

10:01, 14/01/2024

Với những con gió chướng thổi, thấy xâu cá chạch, keo mắm tép… đang phơi. Chắc rằng ít hay nhiều, ai cũng có những giây phút bổi hổi bồi hồi nhớ những xuân qua.

 

 

Với những con gió chướng thổi, thấy xâu cá chạch, keo mắm tép… đang phơi. Chắc rằng ít hay nhiều, ai cũng có những giây phút bổi hổi bồi hồi nhớ những xuân qua.

Làm sao mà không nhớ hương vị Tết cho được chứ. Nào là cục kẹo dẻo làm từ mạch nha và đậu phộng, thập thò kéo một miếng to để lên miếng lá chuối xanh chạy xuống bến, ngồi trên chiếc xuồng chia đứa một miếng, hai đứa ở trước mũi, ba đứa ở sau lái, đưa chân thả xuống dòng nước mát rượi bàn chân non.

Để rồi năm tháng, đôi chân dặm dài các nẻo lại thèm được về lại với tuổi thơ ngọt ngào như vị kẹo. Hôm thì miếng mứt bí trắng giòn đang phơi ngoài sân len lén “rinh” một miếng chạy ra ngọn rơm mỗi đứa cắn một cái thôi, cứ thế xoay vòng đến khi hết miếng mứt bí…

Nhớ những năm tráng bánh tráng. Chú Năm lúi húi đắp cái lò to đùng bằng xi măng thay lò đất đã nứt bể theo tháng theo ngày, để chuẩn bị tráng bánh.

Chú bảo em tôi leo chặt tàu dừa để đan vỉ (liếp) phơi bánh. Nhà tôi đan vỉ bằng tàu dừa chớ không đan bằng vỉ tre. Lúc nhỏ chẳng đứa nào trong chúng tôi mà không biết đan vỉ phơi bánh tráng. Vì năm nào nội cũng ngồi lò tráng bánh cho cả xóm. Mỗi năm đan gần cả trăm chiếc vỉ.

Cẩn thận chọn những chiếc tàu dừa lá xanh, đẹp (tức không bị sâu, rách). Chiếc tàu dừa được xé làm hai, xếp cho những lá cùng kề vào nhau giữ khoảng cách vừa đủ để chiếc bánh tráng “nằm thoải mái”.

Có đứa nhắm chừng không quen, mỗi lúc đến đây, cầm sợi dây chuối đo chiếc nồi rồi ướm lên chiếc vỉ xem vừa chiếc bánh nằm không. Kế tiếp lấy hai ba cọng lá ở cuối chân tàu dừa cột thắt rút lại. Rồi tay cầm chiếc lá kế tiếp đan qua những chiếc lá của tàu bên, và ngược lại. Cứ thế đan qua đan lại đến khi gần đến ngọn cột chốt lại và dùng hai đầu ngọn kết vòng vào nhau.

Làm thế chiếc vỉ sẽ chắc chắn hơn và trông đẹp hơn là cắt bỏ phần ngọn. Rồi dùng dao cắt bỏ những đuôi lá hai bên vỉ. Vậy là đã có chiếc vỉ phơi bánh rồi. Đứa nào khéo tay cho ra chiếc vỉ đều hơn, đẹp hơn.

Xuân này nội sẽ ngồi xem người con gái được nội truyền nghề tráng bánh. Vì bàn tay nhăn nhúm không đủ sức để thổi lửa, ngồi tráng hàng trăm, hàng ngàn chiếc bánh như trước. Và chắc nội là người nhớ cảnh xuân qua hơn ai hết thảy.

Cứ đến thời điểm này nội bắt đầu ngồi bếp tráng đến 27, 28 Tết mới xong. Mỗi người trong xóm lục đục vác củi, xay bột để nhờ nội ngồi lò tráng bánh. Chiếc lò nổi lửa từ 2 giờ sáng đến 2 giờ chiều.

Nội tráng bánh dừa, bánh ngọt và bánh mặn. Bánh ngọt có vị ngọt của đường, vị béo của nước cốt dừa dùng ăn “sống”.

Còn bánh dừa trước khi ăn phải trải qua công đoạn nướng. Chiếc bánh nướng lên vàng giòn, đưa vào miệng nhai phát ra tiếng kêu giòn ruộm. Tùy vào khẩu vị của mỗi gia đình mà có cách thêm đường, nước cốt khác nhau. Có gia đình thích thật là béo mới chịu à nghen, người thích thêm hành, người lại bỏ mè…

Những chiếc bánh ngọt ướt (bánh vừa lấy ra) này nhiều người cuốn lại ăn liền lúc nóng rất ngon. Người thì nạo dừa rám, trộn với đậu xanh và đường làm nhân. Dùng chiếc bánh dừa ướt nóng hôi hổi vừa mới lấy ra, được để nhân dừa vào cuốn lại rồi ăn ngon lành.

Còn bánh mặn thì dùng để cuốn với cá lóc nướng, bún và rau sống. Nhắc lại thèm. Thèm vị bánh tráng Tết, gia đình sum vầy bên mâm cơm.

Ngồi quấn bánh tráng với cá lóc nướng, rau diếp cá, cải xanh và phải chấm với chén mắm tép trộn đu đủ mỏ vịt mới chịu à nghen. Còn lúc tráng bánh, chúng tôi rủ nhau lấy lưới kéo tép rong về luộc với giấm. Rồi bằm xoài tượng. Múc mắm tép. Lấy chiếc bánh ướt quấn xoài, tép luộc rồi chấm với mắm tép vậy mà nó ngon ta nói.

Làm bánh tráng nói thì dễ chứ thật ra không dễ tí nào. Ra chiếc bánh cầm trên tay ăn giòn béo phải qua rất nhiều công đoạn từ chọn gạo thơm ngon, đem vo và ngâm qua đêm, xay từng muỗng gạo thành bột bằng chiếc cối đá, sao cho bột mịn thì bánh mới dai. Ngồi nạo từng miếng dừa để vắt nước cốt…

Chiếc gáo bằng dừa đen mun, tay cằm được làm bằng gỗ cây cau bóng loáng. Nó chứng tỏ một điều rằng nó được bàn tay nội cầm nắm bao thời gian. Nội rất chuyên nghiệp, dùng vá đổi vào chiếc gáo đến một mức nhất định.

Cứ theo mức gáo mà canh lượng bột mỗi gáo bằng nhau, chiếc bánh tròn đều giống hệt như nhau. Rồi nội đổ gáo bột lên miếng vải đã được căng thẳng trên nồi nước đang sôi ùng ục.

Nội dùng gáo bột xoay nhanh và đều tay, chiếc bánh trắng tròn đều xuất hiện trên miếng vải. Nội dùng chiếc nắp thật to được làm bằng những chiếc lá dừa nước đan dày, kín mít để giữ được hơi nóng, bánh mới chín đều. Vài phút dỡ nắp ra, chiếc bánh trắng tinh điểm chút màu vàng, màu đen của mè, màu xanh của hành lá.

Nội dùng hai chiếc đũa tre vót thật mỏng, bảng to bằng ngón tay, từ từ đè xuống miếng vải nâng chiếc bánh lên, hất nhẹ lên chiếc sề được lật ngược và kê trên cao. Không hề rách à nghen. Lành lặn. Thật khéo.

Rồi người thực hiện công đoạn phơi bánh, dùng đoạn chuối nhỏ bằng cườm tay để nâng chiếc bánh phơi lên vỉ. Phải đều tay, không thôi cái bánh sẽ không tròn, hoặc bị rách. Chúng tôi mới tập phơi, chiếc bánh sẽ bị dài ra. Lâu lâu mới tròn trịa, nhưng phơi riết thành quen. Vừa nhanh vừa tròn.

Mỗi vỉ phơi từ 5-6 bánh tráng. Nếu nắng ngon chỉ cần 3-4 tiếng thì bánh đã khô, đem vào nhà chờ bánh dịu lại rồi mới gỡ, gỡ sớm bánh dễ bị rách.

Vậy là đã có những chiếc bánh tráng, những người trong xóm để Tết nướng trước cúng ông bà, sau con cháu xúm xít ăn, để biếu để tặng, để ra Giêng cắt lúa đem ra đồng có cái mà ăn lúc nghỉ tay.

Nhớ hoài những ngày trong xóm rôm rả đón xuân. Với quan niệm, Tết là phải có bánh có trái, Tết là phải có quà nên nhà nào cũng chuẩn bị bánh mứt. Vui và đầm ấm như thế nên Tết là phải về quê đoàn viên với gia đình!

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh