Ngày không trôi qua tờ lịch cũ

04:01, 07/01/2024

Ông bác ngoài 80, gọi điện bảo đã qua Tết Dương lịch rồi mà chưa thấy ai tặng cho ông tờ lịch năm mới nào để treo lên. Ông đã quen xé lịch mỗi sáng, giờ cuốn lịch cũ đã trôi qua ngày cuối cùng, thói quen đón ngày mới bị gián đoạn ông cảm giác không quen, cứ thấy thiếu thiếu và như bỏ lỡ ngày giờ khi không nhìn thấy nó hiển hiện trên cuốn lịch bloc treo tường kế bên chiếc tivi ông vẫn coi thời sự mỗi ngày…

 

Ông bác ngoài 80, gọi điện bảo đã qua Tết Dương lịch rồi mà chưa thấy ai tặng cho ông tờ lịch năm mới nào để treo lên.

Ông đã quen xé lịch mỗi sáng, giờ cuốn lịch cũ đã trôi qua ngày cuối cùng, thói quen đón ngày mới bị gián đoạn ông cảm giác không quen, cứ thấy thiếu thiếu và như bỏ lỡ ngày giờ khi không nhìn thấy nó hiển hiện trên cuốn lịch bloc treo tường kế bên chiếc tivi ông vẫn coi thời sự mỗi ngày…

Bất thình lình tôi chợt nhớ đã quên đem lịch về tặng ông. Nhiều năm trước, các tiệm tạp hóa, quán cà phê thường in lịch tờ, lịch bloc làm quà tặng dịp đầu năm cho khách quen và cũng để quảng cáo điểm bán hàng của họ.

Những hàng quán ông thường lui tới cũng tặng ông nhiều lịch tờ in hình nào xe hơi, nhà lầu, người mẫu, ca sĩ ăn mặc gợi cảm nhìn bắt mê. Nhưng thường lệ, ông chờ đợi cuốn lịch bloc của cơ quan tôi có in chữ Báo Vĩnh Long đỏ rực để treo nơi dễ nhìn thấy, vừa tầm tay xé lịch và là nơi trang trọng nhất trong nhà.

Ông rất thích và cũng trông chờ độ qua Noel là tôi mang lịch tới, trò chuyện vừa vặn ốc định hình cuốn lịch rồi cùng ông treo lên thay cuốn lịch cũ chỉ còn vài ba tờ lịch nữa thôi.

Mỗi ngày đối với ông, việc quan trọng và trước tiên là giở tờ lịch cũ và xé đi. Rồi sau đó mới đi pha trà, tưới cây…

Nhân lúc tiễn cựu nghinh tân, ông thường cho tôi xem từng ngày đáng nhớ trong năm được lưu giữ qua những tờ lịch được xếp phẳng phiu ép trong cuốn sổ tay mà con cháu mua cho ông ghi nhật ký.

Đó là ngày cháu ngoại cố ra đời, ngày thằng Út lập gia đình, cả những ngày truyền thống gia đình như giỗ Tết… đều được ông lưu lại và ghi chú những điều cần thiết, hay một lời dặn dò, nhắc nhở con cháu đừng quên. Nhờ cuốn lịch bloc mà ông bảo rằng ông không quên bất kỳ ngày trọng đại nào của gia đình.

Nên ông thường nhắc và còn trách nhẹ sắp nhỏ “hổng nhớ gì hết trơn” ngày giỗ ông bà, họp mặt gia đình… nếu không có ông chắc là “tụi nhỏ quên hết”. Ông vì thế còn đóng vai trò như một “cuốn lịch của gia đình” chứa đầy kỷ niệm yêu thương…

Ông yêu thích những tờ lịch còn bởi vì lẽ đó. Thời gian trôi qua thì không lấy lại được, nhưng ông đã dạy chúng tôi biết cách trân trọng việc làm, thời gian của chính mình, mỗi ngày qua đều có thể vun vén, đắp xây những điều tốt đẹp xoa dịu đi những khó khăn, vất vả bằng tình thương yêu và sự quan tâm chân thành dành cho nhau.

Nhìn ông nâng niu từng tờ lịch cũ, tôi nhớ về tuổi thơ từng lấy việc xé tờ lịch cũ mỗi sáng phấn khích vô cùng. Hồi ấy, ba tôi thường thưởng cho anh em tôi xé một tờ lịch mỗi sáng nếu ai học giỏi, được cô khen, điểm tốt. Khỏi phải nói, ai được cầm tờ lịch của ngày hôm qua bằng giấy mỏng tinh trong tay luôn dương dương tự đắc với anh em trong nhà, đem khoe với bạn bè câu châm ngôn, ca dao tục ngữ rất hay in trên đó.

Ngày đó tôi thường hay hỏi ba “ngày hôm qua có quay trở lại không?”, ba không trả lời trực tiếp mà hỏi lại bài học tiểu học con đã thuộc lòng hay chưa: “Ngày hôm qua ở lại/ trong vở hồng của con/ con học hành chăm chỉ/ là ngày qua vẫn còn”!

Bây giờ không nhiều người như ông còn lưu giữ ngày tháng đáng nhớ qua tờ lịch cũ. Cũng như những đứa trẻ ngày nay, thậm chí không còn biết xé tờ lịch cũ mỗi sáng vui sướng biết dường nào, trẻ con chúng tôi thời ấy thường hay trèo lên ghế đếm từng tờ lịch xem còn bao nhiêu ngày tới Tết…

Những người hôm nay đã có cách lưu giữ thời gian, kỷ niệm của mình hiện đại và công nghệ hơn. Những ngày trọng đại sinh nhật, xin được việc làm, ăn mừng thăng tiến… đều đưa lên “nhờ Facebook giữ giùm”. Nó hoàn toàn khác với cách ép tờ lịch cũ vào trong cuốn sổ ghi chép để dành trong ngăn tủ.

Cuốn lịch bloc trở thành nơi những người lớn tuổi như ông, cha mẹ tôi đếm thời gian, nhắc con cháu nhớ về ngày giỗ Tết, về với nguồn cội gia đình. Để biết ơn và trân trọng thời gian, những người đang ngày tháng còn ở bên ta, những người mình gặp gỡ, công việc mình đang làm… để sống tốt và an nhiên.

Ngày không trôi qua những tờ lịch cũ, nhưng thời gian luôn hiện hữu… Để có thể viết lên dòng thời gian mỗi ngày một điều ý nghĩa và vui vẻ sống trọn từng giây hạnh phúc.

YÊN HƯƠNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh