"Chợt thèm rau đắng nấu canh"

10:01, 14/01/2024

Gần nhà tôi có dì Ba "bán rau vườn". Tôi và những người hàng xóm thường gọi dì như thế để phân biệt với dì Ba bán thịt, dì Ba bán xôi.

 

 

Gần nhà tôi có dì Ba “bán rau vườn”. Tôi và những người hàng xóm thường gọi dì như thế để phân biệt với dì Ba bán thịt, dì Ba bán xôi.

Dì Ba bán những loại rau trong vườn nhà để kiếm thêm chút tiền chợ nên hôm thì có dăm ba bó bồ ngót, vài trái mướp, mớ rau mồng tơi, rau tập tàng, đọt rau lang,… hôm thì đậu bắp, đậu rồng, bắp chuối, bạc hà, ớt hiểm, dưa leo, bí xanh, bí đỏ,… Nói chung, thấy trong vườn nhà có rau, trái gì đã có thể cắt, hái được là dì liền thu hoạch, cho vào giỏ, để lên xe đạp, dắt ra chỗ quen bày bán.

Tôi thường tranh thủ bước qua chợ sớm để mua rau của dì. Hình ảnh dì chưa dắt xe ra đến đã có người đợi mua rau là chuyện bình thường. Nhiều người thích mua rau của dì trước hết là bởi độ tươi non sau là nhìn rất sạch sẽ. Rau lang, rau đắng, mồng tơi, tập tàng toàn là đọt và lá, mua mang về nấu ngon ngọt vô cùng.

Sáng nay, dì Ba có mớ rau đắng quá ngon. Tôi liền mua với suy tính sẵn cuối tuần nấu nồi cháo cá lóc. Nồi cháo nóng, cá lóc ngọt, nhúng vào rau đắng, bồ ngót húp một miếng mà nghe tan biến những sụt sịt cảm mạo bởi những ngày mưa nắng thất thường. Gần 20 năm xa quê, được đi đó đi đây, thưởng thức nhiều món ngon quê người nhưng lòng tôi không hề quên hậu ngọt của những món ăn được nấu từ rau đắng. Đối với tôi rau đắng không chỉ là một loài rau ngon: đậm mùi thơm của đất, ngọt vị ngọt sau cái đắng đặc trưng mà nó còn gợi cho tôi nhiều kỷ niệm về tuổi thơ bên nội.

Còn nhớ khi còn bé, những lúc cha mẹ ra đồng, tôi thường được gửi qua nhà nội. Những lúc thế, tôi lại lẽo đẽo theo nội hỏi chuyện nọ, chuyện kia. Và, từ cái lần đầu tiên nhăn mặt kêu trời: “Rau gì sao đắng quá nội ơi!” để rồi, tôi cố ăn theo nội nên riết thành ngon, thành ghiền.

Đó là một buổi chiều mưa. Nội tranh thủ bắc nồi cơm sớm để cha mẹ tôi đi ruộng về có mà ăn. Mâm cơm ngày mưa nội nấu nồi canh cua rau đắng với ơ cá lóc kho tiêu. Nhìn đứa cháu tò mò dán mắt vào những cọng rau, nội bảo: “Đây là rau đắng. Loài rau trong bài hát nội hay hát cho con nghe. Nội lặt nấu canh cua đồng, ngon lắm!”. Cái cảm giác lần đầu ăn rau đắng thật khó tả. Chỉ biết rằng, từ hôm ấy, mỗi lần nội cất giọng “Nắng hạ đi…” là tôi lại nhớ đến cảnh nhăn mặt nhả mấy cọng rau nội gắp. Vậy mà, theo năm tháng rau đắng lại trở thành một loại rau ngon đối với tôi. Những hôm bất chợt thèm rau đắng, chẳng cần đợi phải bắt được cua đồng, tôi cũng đòi nội ra vườn hái rau nấu canh. Nội lấy rau cho vào nồi nước sôi, bỏ tí muối, bột ngọt, rắc ít tiêu thế là cũng có nồi canh ngon. Dường như vị đắng của rau đã xua đi mọi lạnh lẽo của những ngày mưa lạnh.

Từ mớ rau đắng của dì Ba, tôi “bắt” được vị “ngọt” của những ngày ấu thơ bên nội. Nội tôi giờ đã ngoài chín mươi. Trí nhớ của nội đã suy giảm khá nhiều. Mỗi lần tôi về thăm nội, nội nhìn tôi hồi lâu rồi nội bảo: “Bây là đứa thích ăn rau đắng”. Những lúc thế, lòng tôi như vừa húp phải miếng canh rau đắng. Giờ nội không còn đủ sức khỏe để nấu canh rau đắng cho tôi. Nhưng lắm lúc nội vẫn nhớ về những ngày tôi bên nội, bên những kỷ niệm về loài rau đắng kén người ăn. Dù thời gian có qua đi, dù tuổi tác đã xế chiều nhưng đối với nội, với những người dân quê gốc rạ “vị quê hương” đã thấm đẫm vào máu thịt tự bao giờ. Mới hay có những điều dù nhỏ nhặt nhưng nếu là kỷ niệm đẹp thì ta luôn muốn tìm về. Nhớ quê, nhớ nội, tôi “chợt thèm rau đắng nấu canh”.

Bài, ảnh: CA DAO

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh