Từ nội ô TP Vĩnh Long qua Cồn Chim, đi một quãng ngắn là đến vườn dưa lưới công nghệ cao của Công ty CP Nông nghiệp 620, tại phường Tân Ngãi. Thời điểm này, những trái dưa tròn căng đến ngày thu hoạch đang được khoác chiếc áo mùa xuân lấp lánh; thêm một điểm "check in" ở TP Vĩnh Long ngày cận Tết.
Những trái dừa hồ lô xinh xinh. |
Từ nội ô TP Vĩnh Long qua Cồn Chim, đi một quãng ngắn là đến vườn dưa lưới công nghệ cao của Công ty CP Nông nghiệp 620, tại phường Tân Ngãi. Thời điểm này, những trái dưa tròn căng đến ngày thu hoạch đang được khoác chiếc áo mùa xuân lấp lánh; thêm một điểm “check in” ở TP Vĩnh Long ngày cận Tết.
Khoác áo Tết cho dưa
Không khí Tết đã ngập tràn trong vườn dưa lưới hàng ngàn trái đang được tất bật vẽ chữ thư pháp. Anh Huỳnh Phú Lộc- Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp 620, cho biết, Tết này, công ty cung ứng ra thị trường 25 tấn dưa trồng theo chuẩn VietGAP.
Trong đó, 2 vườn dưa giống Hà Lan (Inthanol) và 2 vườn dưa Huỳnh Long ở TP Vĩnh Long và Bình Tân. Riêng dưa lưới được vẽ thư pháp: tài lộc, phúc lộc, phước lộc thọ, chúc mừng năm mới, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng... 1.200 cặp.
Khẩn trương hoàn thành 700 cặp dưa tài- lộc, công đoạn vẽ tại vườn được các nhân công chia làm 3 khâu: cân, bắt cặp cho dưa; vẽ và rắc kim tuyến. Thực hiện khâu đầu tiên để sẵn sàng cho thợ vẽ, anh Lê Hoàng Mẫn (quê Tiền Giang) cho biết, sau khi cân thì đánh số thứ tự, viết tắt chữ cái đầu của chữ cần vẽ lên từng cặp.
“Khâu này mất tầm 2 phút”- anh Mẫn nói vậy và cho biết thêm, ngày thường anh làm bên kỹ thuật của vườn dưa, Tết tới thì cùng “ê kíp” đi vẽ dưa. Chọn cặp cho dưa lưới thì trọng lượng phải bằng hoặc chênh 100g trở lại; chú ý hình dáng, màu sắc, lưới đều nhau để đảm bảo cặp dưa cân xứng.
Điều khiển cọ uốn lượn trên những trái dưa vàng ươm, chị Nguyễn Thị Cẩm Loan (Tiền Giang) cho biết, đây là cái Tết thứ 5 chị gắn bó với công việc này.
Chị Loan tất bật vẽ thư pháp lên dưa lưới. |
“Tết năm rồi vẽ 1.500 cặp. Tết này thì đang vẽ gấp cho xong vườn này 700 cặp để sang vườn khác nữa. Thông thường mỗi trái chỉ vẽ 1-2 chữ, nếu vẽ một chữ thì tầm 2 phút là hoàn thành. Tôi chọn loại màu 7D có thể vẽ trên mọi chất liệu và không ảnh hưởng đến chất lượng trái”- chị Loan cho biết thêm.
Mang may mắn, bình an đi nơi nơi
Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm là chị Loan chuẩn bị màu vẽ và nôn nao tới Tết vì “công việc này vui và ý nghĩa”. Chị cho biết, từ 16 tháng Chạp là vẽ suốt ngoài vườn đến ngày 28, có khi vẽ hơn 8 tiếng/ngày, vẽ cả ban đêm để đáp ứng đơn hàng.
Màu và dụng cụ do thợ vẽ mang đến vườn, tiền công vẽ là 15.000-20.000 đ/trái. Chị Loan là giáo viên mỹ thuật, vẽ dưa là công việc mà chị rất trân trọng vì “qua nét vẽ, cầu mong may mắn, bình an… đến với mọi nhà”.
Phụ trách kỹ thuật của vườn dưa, chị Nguyễn Thị Thúy Quyên cho biết: Mới đây, giống dưa lưới Inthanol này được trồng thử nghiệm trên đất. So với trồng trên giá thể thì có ưu nhược điểm riêng. Đó là khó quản lý phân cho cây, nhưng bù lại thì rễ cây khỏe hơn nên cho trái to và chất lượng hơn.
Hiện, mỗi nhà lưới trồng 36 liếp dưa. Mỗi liếp trồng khoảng 70-80 dây dưa lưới. Mỗi dây chỉ tuyển chọn 1 trái. Từ khi xuống hạt đến thu hoạch là 75 ngày.
Bình quân mỗi năm trồng 4 vụ lỡ. Vào ngày thường thì vườn trồng các giống dưa lưới khác nhau để đa dạng nguồn cung. Còn vào dịp Tết thì vườn ưu tiên giống Inthanol vì trái vàng, có vân lưới, vẽ thư pháp chữ đỏ lên rất đẹp!
Vườn dưa tài lộc- thêm điểm “check in” cho đô thị ngày cận Tết. |
Anh Huỳnh Phú Lộc cho biết thêm, hiện lượng đặt hàng đang vào cao điểm, vườn vẫn giữ giá Tết như mọi năm. Hiện giá bán lẻ là 60.000 đ/kg. Đối với dưa vẽ thư pháp, loại 1 (trái từ 1,5kg) giá 350.000 đ/cặp; trái dưới 1,5kg giá 280.000- 300.000 đ/cặp. Hiện ngoài dưa vẽ thư pháp, số còn lại thương lái đã đặt cọc, dự kiến thu hoạch từ 24-27 tháng Chạp.
Bên cạnh dưa lưới, một trong những loại trái cây chưng ngày Tết được ưa chuộng phải kể đến dừa. Từ năm 2018 đến nay, vợ chồng chị Đoàn Thị Thùy Trang ở phường Đông Thuận (TX Bình Minh) đều tạo hình hồ lô cho cho trái dừa ta và dừa Mã Lai. Chị Trang cho biết, năm nay đã tạo hình khoảng 100 cặp. Ngày 24 tháng Chạp sẽ thu hoạch và trang trí giao cho khách. Giá bán lẻ là 300.000 đ/cặp, khách mua từ 3 cặp trở lên thì lấy giá sỉ 200.000 đ/cặp.
Tết về, việc nhà vườn “làm đẹp” cho trái cây vừa nâng cao giá bán vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Theo đó, chọn trái cây chưng vừa tăng thẩm mỹ cho ngôi nhà, vừa gửi gắm ước vọng một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI