Nhớ lại cách đây hơn 23 năm, vào ngày 21/5/2000 cầu Mỹ Thuận được khánh thành, dự lễ có Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc này là cố vấn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực và đoàn đại biểu của Chính phủ Úc. Cầu Mỹ Thuận được Chính phủ Úc tài trợ đến 66% giá trị công trình, đồng thời cử hàng chục kỹ sư sang theo dõi thi công, giám sát.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận ngày 21/5/2000. Ảnh: TL |
Đón Xuân Giáp Thìn năm 2024, bà con quê mình có thêm niềm vui khi cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cầu Mỹ Thuận 2 đấu nối với cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ rút ngắn được thời gian chạy xe từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây và ngược lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhớ lại cách đây hơn 23 năm, vào ngày 21/5/2000 cầu Mỹ Thuận được khánh thành, dự lễ có Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc này là cố vấn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực và đoàn đại biểu của Chính phủ Úc. Cầu Mỹ Thuận được Chính phủ Úc tài trợ đến 66% giá trị công trình, đồng thời cử hàng chục kỹ sư sang theo dõi thi công, giám sát.
Còn giờ đây, cầu Mỹ Thuận 2 được xây dựng hoàn toàn do nội lực. Từ nguồn vốn được sử dụng bằng ngân sách nhà nước cho đến khâu lập dự án, thiết kế, thi công, giám sát hoàn toàn do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm trách.
Điều đáng nói là công trình được xây dựng trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, cùng nhiều khó khăn về vật tư, thiết bị, nhưng đều được khắc phục, thi công vượt tiến độ… càng cho chúng ta tự hào về ý chí, sức mạnh Việt Nam, ý nghĩa cao cả của một công trình trọng điểm quốc gia.
Sắp tới đây, mỗi lần từ TP Hồ Chí Minh về miền Tây hay ngược lại, dù đi trên cầu Mỹ Thuận 1 hay cầu Mỹ Thuận 2, chắc hẳn chúng ta đều thấy yêu mến hơn miền quê hương sông nước qua vẻ đẹp của 2 chiếc cầu vững chãi bắc qua sông. 2 chiếc cầu đều thiết kế kiểu cầu dây văng, nhưng trụ tháp cầu Mỹ Thuận 1 có hình chữ H, còn trụ tháp cầu Mỹ Thuận 2 có hình chữ A.
Và có hai câu thơ đã được viết như vầy:
Ngắm trụ cầu hình chữ A chữ H
Em bảo tên chúng mình in sóng nước Cửu Long
Có người lo ngại nói: 2 tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ khi được đấu nối vào cầu Mỹ Thuận 2 chắc số lượng người ghé qua Vĩnh Long sẽ giảm! Bởi lúc ấy xe đang ngon trớn, chạy êm ru trên cao tốc mà muốn ghé Vĩnh Long thì phải có cái gì đó hấp dẫn, níu chân du khách, còn không thì họ cứ thẳng tiến.
Nhưng cũng có những góc nhìn lạc quan. Hiện nay tỉnh Vĩnh Long nhiều khu công nghiệp, nhà máy mọc lên, thu hút các nhà đầu tư, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, rồi thế mạnh của vùng đất nông nghiệp với lúa, cá, tôm, cùng nhiều loại cây trái đặc sản bốn mùa như cam, bưởi, sầu riêng, chôm chôm…
Vĩnh Long còn có các khu lưu niệm, nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như Văn Thánh miếu; Thất Phủ miếu; Công Thần miếu; Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang; Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang… vùng Di sản gạch gốm đương đại Mang Thít, các khu du lịch sinh thái, tâm linh… cùng sự có mặt của 4 trường ĐH lớn như ĐH Xây dựng Miền Tây, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Cửu Long, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu Vĩnh Long) đang đào tạo hàng chục ngàn sinh viên khắp mọi miền, kể cả sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài như Lào, Campuchia theo học… chắc chắn Vĩnh Long sẽ là một điểm đến hấp dẫn của nhiều người, họ đến để chiêm nghiệm về vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”, vùng đất sản sinh ra nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Đáng; GS.VS Trần Đại Nghĩa…
Vĩnh Long còn được mệnh danh là “vùng đất học” với bề dày truyền thống văn hóa, văn học nghệ thuật mà cha ông đã dày công lao động, sáng tạo từ thuở đi mở cõi và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, với những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, soạn giả, ca sĩ, diễn viên… nổi tiếng được vinh danh, được nhiều người mến mộ như Tống Hữu Định (người khai sinh ca ra bộ- tiền thân của nghệ thuật cải lương); Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn làm chúng ta nao lòng với Tình anh bán chiếu; nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn với giai điệu hào hùng của Nam Bộ kháng chiến;
nhà thơ Truy Phong với ngòi bút vừa đanh thép vừa thể hiện tính nhân đạo, nhân văn qua Một thế kỷ mấy vần thơ… và ngày hôm nay truyền thống ấy đang được tiếp nối bằng sức trẻ thời hiện đại, trưởng thành trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ, đất nước phát triển và hội nhập.
Vẻ đẹp cầu Mỹ Thuận 2 trên sóng nước Cửu Long. Ảnh: TẤN TÂN |
Chỉ nhắc bấy nhiêu thôi, đi thẳng hay ghé vào thăm Vĩnh Long là quyết định của bạn. Mùa xuân này tôi về với Vĩnh Long, dù không còn nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, nhưng sẽ đón một mùa xuân vui rực sắc mai vàng và làn gió chướng thổi qua cánh đồng sau một mùa vàng thu hoạch.
TRẦN THẮNG