Chuyện Nhân dân Nam Bộ xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác Hồ

05:01, 13/01/2024

Có thể nói, trong các tỉnh ĐBSCL thì Cà Mau là tỉnh có nhiều đền thờ Bác Hồ nhất với khoảng 18 ngôi đền, phủ thờ. Trong đó, có rất nhiều ngôi đền được xây dựng trong giai đoạn kháng chiến.

 

Đền thờ Bác Hồ được xây dựng năm 1969 ở giữa rừng đước (tỉnh Cà Mau). Ảnh chụp lại
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng năm 1969 ở giữa rừng đước (tỉnh Cà Mau). Ảnh chụp lại

9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, từ nơi ở của Bác truyền đến Nhân dân rằng Bác đã đi xa để lại niềm tiếc thương vô hạn và là một mất mát lớn đối với đồng bào miền Nam.

Nhưng đất nước còn chia cắt bởi chiến tranh, người dân Nam Bộ với ý chí kiên cường, biến đau thương thành hành động, những phong trào cụ thể như giết giặc lập công, mở rộng vùng giải phóng liên tục diễn ra.

Cũng thời điểm này, thực hiện ý nguyện của người dân phải có nơi thờ tự Bác, bà con nhiều nơi đề xuất việc xây dựng phủ thờ, đền thờ. Đề nghị đó nhanh chóng trở thành phong trào, một phong trào đặc biệt ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Nhiều đền thờ, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt được dựng lên ngay trong lòng địch, ngay bên đồn địch.

Có thể nói, trong các tỉnh ĐBSCL thì Cà Mau là tỉnh có nhiều đền thờ Bác Hồ nhất với khoảng 18 ngôi đền, phủ thờ. Trong đó, có rất nhiều ngôi đền được xây dựng trong giai đoạn kháng chiến.

Chỉ 7 ngày sau khi Bác mất, đền thờ Bác Hồ tại xóm Ông Bọng, ấp Ông Trang, xã Viên An được khởi công ngay giữa rừng đước Cà Mau. Ông Tạ Nhụy Quốc (ở ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) là người tham gia xây dựng đền thờ Bác Hồ năm 1969. Ông Quốc cho biết, lúc đó ông còn là học sinh, nhưng thấy bà con xây dựng đền thờ rồi cũng đi cùng, đốn cây, chằm lá.

Mặc dù đền thờ Bác Hồ được xây dựng gần đồn giặc, nhưng bà con không ai lo sợ điều gì. Ông Tạ Nhụy Quốc cho biết thêm: “Dân mình ở vòng vòng đó không hà, mình cứ làm, còn giặc đóng kệ nó, chừng nào nó vô thì tính chứ hổng sợ. Lúc đó máy bay nó hay oanh tạc, rất may là không trúng phủ thờ Bác”.

Đền thờ Bác Hồ còn là điểm tựa tinh thần, là nguồn sức mạnh cổ vũ lực lượng địa phương đánh đuổi giặc thù, giành lại độc lập. Ông Nguyễn Hữu Thành- nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, người có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về tình cảm của người dân Cà Mau dành cho Bác Hồ, chia sẻ:

“Đền thờ ở Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng là do người dân đề xuất xây dựng, bà con dành tình cảm rất đặc biệt cho Bác Hồ, nên khi hay tin Bác mất, bà con đau buồn và tự lập bàn thờ ở nhà, rồi đền thờ để có nơi nhang khói. Khi đền thờ xây xong, du kích khi ra trận cũng đến để thắp nhang, rồi thắng trận cũng về báo công với Bác. Đền thờ Bác Hồ đã trở thành điểm tựa tinh thần có sức mạnh kỳ diệu lúc bấy giờ”.

Cứ như vậy, đền thờ Bác Hồ ở đây được người dân bảo vệ như bảo vệ trái tim của mình, cho đến ngày giải phóng.

Đây cũng là một trong những đền thờ đầu tiên ở ĐBSCL được xây dựng ngay sau khi hay tin Bác Hồ ra đi và là 1 trong 8 đền thờ được xây dựng trong năm 1969. Sau ngày giải phóng, đền thờ Bác Hồ được di dời từ ấp Ông Bọng, trong rừng đước Cà Mau, ra vàm Ông Trang, ở vị trí hiện tại, để người dân thuận tiện đến viếng Người.

Bà Nguyễn Ngọc Bích- nguyên là cán bộ văn hóa huyện Ngọc Hiển. Công việc của bà bây giờ là chăm sóc nơi thờ tự Bác Hồ luôn được sạch sẽ, cây xanh bóng mát. Để mỗi khi có người đến viếng, dù gần hay xa, cũng cảm nhận được sự ấm áp của người dân Đất Mũi. Đó là điều bà hạnh phúc, và cũng là cách để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay học tập theo gương Bác Hồ.

Bà Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ: “Bác Hồ là tấm gương vĩ đại, chúng tôi học tập ở Bác rất nhiều, học từ những điều nhỏ nhất như là thể hiện tình cảm với gia đình, yêu thương quan tâm hàng xóm... Tôi tự nguyện chăm sóc đền thờ Bác Hồ, là muốn giáo dục con cháu mình sau này phải sống tốt, có trách nhiệm với xã hội”.

Hiện tại, đền thờ Bác Hồ ở ĐBSCL là thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi người dân gửi gắm tâm tư, tình cảm cũng như niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

Ông Lê Văn Thống (ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ) năm nay đã ngoài 80, nhưng hàng ngày đều đặn ông đến thắp nhang đền thờ Bác Hồ tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Trong ký ức của người cán bộ lão thành này, hình ảnh những năm 1969, ngày Bác Hồ ra đi vẫn vẹn nguyên.

Đền thờ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang khi mới trùng tu năm 2000. Ảnh chụp lại
Đền thờ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang khi mới trùng tu năm 2000. Ảnh chụp lại

Ông kể: “Khi hay tin Bác Hồ mất là tôi đứng ra làm lễ truy điệu. Người dân đến rất đông để thắp nén nhang lên bàn thờ Bác. Chứng kiến hình ảnh đó, tôi không kiềm được nước mắt!”.

Ông Lê Văn Thống nhớ như in rất nhiều lần bàn thờ Bác Hồ bị pháo đạn giặc thù làm sập, hỏng hết. Nhưng rồi sau đó, ông cùng các đồng chí của mình, cùng bà con xã Lương Tâm làm lại bàn thờ khác mới hơn, khang trang hơn để nhang khói hàng ngày.

Thời điểm đó, Hậu Giang, Cần Thơ là vùng chiến sự, bởi giặc thù dùng nơi này làm bàn đạp để đánh vào Căn cứ U Minh, nơi đóng quân của Khu ủy và các lực lượng cách mạng Khu 9. Dù bị đánh phá ác liệt, song bàn thờ Bác Hồ vẫn được duy trì cho đến ngày giải phóng.

Năm 1990, ông Lê Văn Thống vận động người dân đóng góp, xây dựng lại đền thờ Bác Hồ tại xã Lương Tâm. Bà con một lòng với Bác Hồ, nên đền thờ Bác Hồ khi được xây dựng xong đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, là nơi giáo dục truyền thống của người dân và học sinh trong vùng.

Ông Thống cho biết thêm: “Năm 1990, người dân góp công góp của để xây dựng đền thờ Bác Hồ. Nhân dân nghe di chúc của Bác, rồi hiểu được mong muốn của Bác là đến ngày thống nhất Bác sẽ vào thăm đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam, các vị phụ lão, các cháu thiếu nhi yêu quý của Bác. Người dân luôn ghi nhớ và hình dung tình cảm của vị lãnh tụ yêu dân, yêu nước. Nên người dân sẵn sàng bỏ công bỏ của ra để làm đền thờ”.

Từ đó đến nay, đền thờ nhiều lần được nâng cấp, trùng tu và hiện đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Người dân miền Nam tưởng nhớ Bác Hồ. Ảnh chụp lại
Người dân miền Nam tưởng nhớ Bác Hồ. Ảnh chụp lại

Là quê hương của Đội du kích Long Phú anh hùng, Sóc Trăng ghi dấu ấn với đền thờ Bác Hồ trang nghiêm trên đảo ngọt Cù Lao Dung. Từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hình ảnh Bác Hồ kính yêu đã hiện hữu trong tim người dân nơi này.

Qua diễn trình lịch sử, người dân Cù Lao Dung đã nuôi dưỡng cho mình bản lĩnh can trường. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người dân Cù Lao Dung một lòng một dạ với Đảng, với cách mạng, với Bác Hồ.

Minh chứng là đền thờ Bác Hồ uy nghiêm tọa lạc tại ấp đền Thờ, xã An Thạnh Đông, được xây dựng từ năm 1970. Qua nhiều lần trùng tu, đền thờ Bác Hồ hiện là Di tích Lịch sử cấp quốc gia, được xem là trái tim của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lâm Văn Hiệp là cựu chiến binh, từng tham gia Đội Phòng thủ huyện, sau đó tham gia Địa phương quân huyện Long Phú. Ông là thành viên bảo vệ đền thờ Bác Hồ những ngày ác liệt đó.

“Lúc đó, tất cả là dựa vào sức dân, chằm lá thì làm ban đêm, vì ban ngày thì máy bay, đầm già nó oanh tạc, rồi tổ thợ mộc, tổ nội trợ... tất cả làm việc trên tinh thần, tình cảm đặc biệt để mong đền thờ nhanh chóng hoàn tất. Lúc đó, địch thường dùng máy bay đánh phá, nhiều lần đền thờ bị hư hỏng nhưng rồi bà con cứ làm lại”- ông Hiệp xúc động nhớ lại.

Câu chuyện xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác Hồ trong thời gian chiến tranh ác liệt luôn là niềm tự hào của người dân Cù Lao Dung. Đó là thành quả được kết tinh từ tình cảm, ý chí và nghị lực của cả Đảng bộ và Nhân dân trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Du khách viếng Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Du khách viếng Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

ĐBSCL có hơn 30 đền thờ Bác Hồ được xây dựng, trong đó có nhiều đền thờ được xây dựng ngay trong những ngày chiến tranh, kế bên đồn bót giặc.

Qua thời gian, những giá trị trường tồn đó càng được chứng minh khi mà ý chí và nghị lực của người dân luôn hướng sự tôn kính về vị lãnh tụ kính yêu. Từ tình cảm đó, bà con đã ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, là món quà quý mà toàn dân Nam Bộ dâng tặng Người.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh