Bác Sáu Dân với đồng đất miền Tây Nam Bộ

11:01, 23/01/2023

"Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối… Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là "dấu ấn Võ Văn Kiệt". Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương theo dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc". 
 

 

Văn bia và tượng Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu kênh T5 (Tri Tôn - An Giang).  Chính quyền và người dân địa phương luôn ghi nhớ và tổ chức cúng giỗ vị Thủ tướng vì dân.
Văn bia và tượng Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu kênh T5 (Tri Tôn - An Giang). Chính quyền và người dân địa phương luôn ghi nhớ và tổ chức cúng giỗ vị Thủ tướng vì dân.
 
“Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối… Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là “dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương theo dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc”. 
(Trích Văn bia đầu kênh Võ Văn Kiệt- kênh T5).
 
Khởi xướng công trình khai thác Tứ giác Long Xuyên
 
Lịch sử có một sự trùng hợp đến lạ kỳ, khi trên vùng đất Tứ giác Long Xuyên từ 200 năm trước đã ghi dấu công trình vĩ đại là 2 dòng kênh mang tầm vóc lịch sử to lớn: kênh Vĩnh Tế và kênh Thoại Hà, do vị tướng kiệt xuất Thoại Ngọc Hầu (Thống chế khâm sai Thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại) cùng vợ là bà Châu Thị Vĩnh Tế trực tiếp chỉ huy.
 
Đó là những nhân vật gắn bó với cù lao Dài huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) như quê hương thứ hai trên bước đường vào Nam mở cõi. Rồi “lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam”, vùng đất thiêng một lần nữa ghi dấu ấn một nhân vật xuất chúng thời hiện đại - Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng là người con của làng Bình Phụng, quê hương Vũng Liêm (Vĩnh Long).
 
Một con kênh mà chúng tôi vẫn thích cách gọi của người dân miền Tây là “kênh Ông Kiệt” (T5), giống như người dân Vĩnh Long vẫn thích cách gọi là bác Sáu Dân- ấm áp một tình cảm gần gũi, thân thương.
 
Vì lẽ đó, mà trải nghiệm đi dọc kênh Ông Kiệt nơi dòng nước đổ ra biển Tây thuộc địa phận xã Bình Giang (huyện Hòn Đất - Kiên Giang), cho đến đầu kênh thuộc huyện Tri Tôn (An Giang), với chúng tôi là một bài học thực tế thấm thía biết bao điều.
 
Và thật đặc biệt, khi đứng trước tượng đài Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nghiêm cẩn cúi đầu trước những dòng văn bia cảm nhận được dòng lịch sử trăm năm cuộn chảy trong huyết quản, nghe trào dâng dòng cảm xúc của sự cảm mến, kính phục và lòng biết ơn sâu nặng. Người là hiện thân của cá tính, phong cách Nam Bộ, một lãnh đạo kiệt xuất dành cả đời mình với tất cả tâm huyết, trí tuệ chỉ với mục đích duy nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. 
 
Nhớ căn nhà sàn nhỏ bên dòng kênh T5, đêm càng về khuya bàn lại càng thêm đông người, nghe nói có người từ “quê ông Kiệt” xuống, họ xem như người nhà vậy, giúp đỡ tận tình mọi thứ, những người dân bình thường thôi nhưng họ nói rất nhiều về Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhiều người còn “ganh tỵ” với bà con trên Tri Tôn vì “ở đó có bia “ông Kiệt” sao tụi tui dưới này hổng có?”.
 
Bác Sáu Dân đã sống giữa lòng dân một cách thật ấm áp, chân tình như vậy đó. Đơn giản bởi vì một quyết định của ông đã thành 3 vạch kẻ song song trên bản đồ xẻ nên 3 dòng kênh T4, T5, T6; để chỉ trong thời gian ngắn, cả vùng đất trên nửa triệu mẫu đất phần lớn nhiễm phèn, mặn đầy những lung hoang trở thành những cánh đồng bát ngát bội thu. 
 
Tứ giác Long Xuyên hình thành trên địa phận tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và phần nhỏ TP Cần Thơ. 4 cạnh của tứ giác là biên giới Việt Nam - Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu với 4 góc đô thị là: TP Long Xuyên - TP Châu Đốc - TP Rạch Giá- TP Hà Tiên.
 
Tứ giác Long Xuyên có nhiều loại đất, trong đó đất phù sa và đồi núi chiếm gần 60%; nhóm đất nhiễm phèn, mặn có cấu tạo từ trầm tích biển trẻ chiếm trên 40%. Ngày xưa, đất này chỉ trồng được 1 vụ lúa mùa nổi, còn lại là rừng tràm và đất hoang hóa phủ đầy năn, lác. Nông nghiệp Tứ giác Long Xuyên sau năm 1975 chậm phát triển, đời sống người dân vô cùng khó khăn.
 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khởi xướng và để cả tâm huyết của mình vào các công trình nhằm khai thác hiệu quả vùng Tứ giác Long Xuyên. Quyết định của người đứng đầu Chính phủ đã làm thay đổi toàn bộ cục diện khai thác vùng nhiễm phèn nặng.
 
Chỉ thời gian ngắn sau khi đưa vào khai thác các công trình thoát nước ra Biển Tây đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Những dòng kênh có công năng xổ phèn ra biển, đồng thời dẫn nước ngọt vào sâu nội đồng, lúa 2 vụ, hoa màu, cây trái lấn dần cỏ dại, đồng hoang. Theo đó, đường sá, điện, trường, bệnh viện, thị tứ mở mang. Những công trình đã khai phóng “rốn phèn”, biến vùng đất “khỉ ho, cò gáy” thành một trong hai vựa lúa chính của đồng bằng.
 Kênh Ông Kiệt. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
Kênh Ông Kiệt. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
 
Công cuộc tiến công vào Đồng Tháp Mười
 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là người khởi xướng và nhiệt tình ủng hộ công cuộc tiến công vào Đồng Tháp Mười, khai thác hết tiềm năng “rốn phèn” lớn nhất ĐBSCL với gần 700.000ha, góp phần giải quyết nguy cơ thiếu đói của cả nước trong những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
 
Ông Tám Phong (Nguyễn Thanh Phong- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp), có nhắc tại hội nghị tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười: “Hồi nhỏ, tôi cùng gia đình sinh sống và làm ruộng ở huyện Tháp Mười. Khi học Trường ĐH Kinh tế ở Hà Nội, tôi chọn ngành quản lý nông nghiệp.
 
Lúc trở về Nam năm 1965, Trung ương Cục định bố trí tôi làm chuyên viên nghiên cứu của Ban Kinh tài R. Tôi xin phép được trở về Khu 8 để khai thác Đồng Tháp Mười theo nguyện vọng từ lâu của mình. Sau này, được sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi vô cùng phấn khởi và xông vào say sưa nghiên cứu. Đầu tiên, phải làm sao xử lý được đất phèn - trở ngại đầu tiên và hóc búa nhất”. 
 
Việc ém phèn để có thể trồng trọt theo đoàn chuyên gia Hà Lan tuyên bố: “Xử lý 1ha đất phèn cần tới 1 triệu USD”; nhưng năm 1981 họ trở lại nhìn những cánh đồng lúa Hè Thu xanh mướt đã rất ngạc nhiên và thán phục.
 
Đó là nhờ đóng góp của nhiều nhà khoa học, kết hợp với kinh nghiệm dân gian đã đưa ra những giải pháp ít tốn kém và hiệu quả. Đặc biệt, sự chỉ đạo và ủng hộ nhiệt tình của Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm cho lãnh đạo các tỉnh thêm vững tin.
 
Theo lời kể của ông Tám Phong: Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời đại diện 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đến nhà trực tiếp chỉ đạo và động viên: “Phải mạnh dạn tấn công vào Đồng Tháp Mười, không nhất thiết phải theo bài bản sách vở nào cả. Nếu có mất thì chỉ mất một phần ở Đồng Tháp Mười, nếu được thì được cho cả nước. Có khó khăn gì tôi sẽ giúp các anh”. Đó là tác phong chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí trực tiếp khảo sát, nắm tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, suy nghĩ rồi quyết đoán và kiên quyết làm, dù có ai bàn vô, bàn ra đồng chí cũng làm.
 
Qua kết quả thu được từ công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười, ông Tám Phong cho rằng mình đã học được rất nhiều điều từ tác phong lãnh đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đó là: Phải căn cứ vào tình hình thực tế để đề xuất những chủ trương chính sách phù hợp. Thường xuyên đi sâu, đi sát theo dõi sự biến đổi để tùy tình hình thay đổi định hướng. Không “giáo điều”, “rập khuôn” rất dễ thất bại.

 

Cuộc khai thác Đồng Tháp Mười, biến vùng đất nhiễm phèn thành một trong hai vựa lúa lớn nhất ĐBSCL.  Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
Cuộc khai thác Đồng Tháp Mười, biến vùng đất nhiễm phèn thành một trong hai vựa lúa lớn nhất ĐBSCL. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
Phải dựa vào ý kiến các nhà khoa học (cả tự nhiên lẫn xã hội), lấy những ý kiến mà nhiều người cho là hay, là đúng nhất, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của nông dân lao động. Cán bộ phải dám quyết đoán và quyết tâm, dù ai có bàn vô ra cũng kiên quyết làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và trước Nhân dân.
 
Phải thường xuyên theo dõi phản ứng của người dân, dân hoan nghênh hưởng ứng tức là chủ trương đúng và ngược lại. Kịp thời phát hiện những cái hay, nhân tố mới, kịp thời chớp lấy và nhân rộng ra.
 
Người dân đồng bằng nặng lòng tri ơn sâu sắc một vị Thủ tướng vì dân; thời gian, lịch sử không bao giờ dừng lại nhưng dấu ấn của bác Sáu Dân vẫn luôn in đậm trên những công trình lịch sử của đồng đất miền Tây Nam Bộ.
Cuộc khai thác Đồng Tháp Mười, biến vùng đất nhiễm phèn thành một trong hai vựa lúa lớn nhất ĐBSCL.  Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
Cuộc khai thác Đồng Tháp Mười, biến vùng đất nhiễm phèn thành một trong hai vựa lúa lớn nhất ĐBSCL. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
 
Trời chiều mây trắng vương vấn trên dãy Thất Sơn huyền thoại, in bóng lồng lộng xuống những dòng kênh lịch sử của trăm năm trước và của hôm nay. Không chỉ có bia đá tạc dáng người với ánh nhìn đăm đắm xuống dòng trôi, lưu lại ngàn năm hậu thế một tầm nhìn thế kỷ, mà hình ảnh của bác Sáu Dân sẽ còn sống mãi giữa lòng dân.
 
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh