Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) là huyện cù lao nơi có 3 cửa sông Hậu đổ ra biển Đông, nhưng thực sự chỉ còn 2 cửa vì sông Ba Thắc đã bồi lấp chỉ còn là con rạch nội vùng.
Vương quốc mía Cù Lao Dung. |
(VLO) Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) là huyện cù lao nơi có 3 cửa sông Hậu đổ ra biển Đông, nhưng thực sự chỉ còn 2 cửa vì sông Ba Thắc đã bồi lấp chỉ còn là con rạch nội vùng.
Với hơn 360 con rạch và 2 con khém trên diện tích nhỏ hẹp, Cù Lao Dung tựa đồng bằng thu nhỏ, khi nơi đây có hệ sinh thái tự nhiên vô cùng đa dạng. Hai lần đến cù lao này vẫn chưa thể hiểu hết vùng đất hấp dẫn, lạ kỳ.
Nhìn từ trên cao, Cù Lao Dung như hình tam giác có cạnh đáy giáp biển rộng nhất cũng chỉ 6,5 cây số, với vạt rừng phòng hộ xanh dày bao phủ.
Nếu những cửa biển khác phải đối phó với nạn sạt lở, thì cửa Trần Đề phải chi hàng trăm tỷ đồng để nạo vét, nếu muốn thông thương các tàu thuyền có tải trọng lớn.
Tương lai, nếu cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh với cù lao và phía Sóc Trăng, cảng Trần Đề được hoàn thành, Cù Lao Dung sẽ càng trở nên phát triển nhanh chóng, bật dậy hết tiềm năng vô cùng phong phú đa dạng vùng đất này.
Đi đâu cũng nghe bà con bàn chuyện làm du lịch, ngoài hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, cù lao còn nhiều nét văn hóa độc đáo, như rạch Long Ẩn, sân Tiên và những vườn cây ăn trái có độ ngọt hơn hẳn các nơi khác.
Ông Hai Văn (Nguyễn Thành Văn- nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung), giải thích: “Do nguồn nước pha trộn mặn, ngọt và lợ cùng với đất phù sa màu mỡ nên đất này thọt cây gì xuống cũng tốt. Đó cũng là lý do, mía các nơi khác trong khoảng 6 - 7 chữ đường, thì mía cù lao phải 11 - 12 chữ đường, nên các nhà máy rất mê đường xứ này”.
Vương quốc mía từng lao đao, nhưng các nông dân đủ tiềm lực họ không bao giờ bỏ cây mía. Ông Hai Văn cơ cấu đất mình với 5ha nuôi tôm, 5ha trồng mía và 4ha trồng nhãn. Trái nhãn ở đây không bị sâu bệnh, sống khỏe và rất sai trái.
Là một trong những nông dân đầu tiên đưa cây nhãn về cù lao, ông Hai Văn kể chuyện vui, khi đang loay hoay lên liếp, ông Sáu Phúc ngang qua hỏi trồng cây gì, nghe trồng nhãn, ổng cười khà khà: “Đất này mà trồng nhãn là cha mày chết lần thứ hai”.
Vậy mà những nông dân trồng nhãn “đời đầu” đều giàu lên hết. 500 gốc nhãn, Hai Văn cứ đếm mỗi gốc là sắm hơn chỉ vàng hồi năm 1997. Và cây nhãn vẫn ăn bền cho tới giờ này.
Có điều lý thú là tiếp xúc nhiều nông dân ở đây, thấy họ có điểm chung là rất nhạy bén, cần cù, thông minh, nói chuyện nghề nông với bề dày kinh nghiệm và rất bài bản, khoa học.
Có lẽ chính hệ sinh thái giàu có đã bắt người nông dân phải biết cách thích ứng, không ngừng tư duy để làm giàu. Nếu nói một cách cơ bản, nước sông Mekong có thủy chế bán nhật triều, tức trong ngày sẽ có 2 lần nước lớn và 2 lần nước ròng.
Nhưng nhiều ngư dân giàu kinh nghiệm cù lao cho rằng xứ này có tới… 9 con nước. Ngay trong ngày có thời điểm nước sông như “da lợn” có 3 màu pha trộn nhau. Họ biết cách nhìn dòng chảy, nhìn màu nước mà biết đúng thời điểm đi bắt con cá gì.
Mới có câu chuyện vui, các ông già ngồi nhậu, thấy tụi trẻ vác cần đi câu, mấy ổng phán một câu xanh rờn: “Nước này mà mấy đứa bây đi câu dính cá, dìa để trên lưng tao mà nướng”.
Đất này cũng nghe nhiều chuyện lạ lùng, như anh Năm Trầm (bạn của Sáu Phương), thuộc thế hệ thứ ba của thầy thuốc rắn nổi tiếng là ông Sáu Độ. Nghe kể thời chưa có bệnh viện, trạm xá lại thời còn rừng rú um tùm, người dân rất dễ gặp các loài rắn độc.
Ông Hai Văn bên vườn nhãn đơm trái sum suê. |
Ông Sáu Độ nhìn vết cắn biết được loại rắn gì để mà hái thuốc chữa trị. Có người tới nơi còn mạnh xân xẩn nhưng ông bảo không trị được là thua, còn những người đã hôn mê nhưng ông nói được là trị được. Tài chữa rắn cắn của ông nổi tiếng, phần cũng vì cả đời ông cho đến đời con, đời cháu đều chữa bệnh giúp dân hoàn toàn không lấy cắc bạc nào.
Nông dân vùng này không chỉ biết thích ứng với đất đai mà nuôi trồng, họ còn rất thông minh khi thích ứng với thị trường. Anh Sáu Phương thì luôn chia diện tích đất thành nhiều loại cây con cân đối và giải thích: “Chia ra nhiều loại cây trồng để lỡ có “té” cây này còn “nắm” cây kia”.
Điểm đặc biệt ở cù lao, là cây bần đi đâu, bất kỳ con rạch nào cũng đầy những dãy bần mọc um tùm hai bờ. Cây bần giữ đất, cũng là tạo nên một món ăn nổi tiếng vào mùa nước đổ là cá tra bần nấu canh chua bần, mà người dân từng nói chưa ăn món trứ danh này coi như chưa tới Cù Lao Dung.
Con sông Ba Thắc ngày xưa rộng thênh thang chia cù lao thành 2 phần, giờ thì bồi lấp và khép dần lại chỉ còn là một con rạch nhỏ, phía cửa biển thì đã hoàn toàn bồi lấp.
Ngoài hệ thống sông rạch dày đặc, Cù Lao Dung còn có hiện tượng độc đáo của sông ngòi đó là hình thành 2 con khém ở đầu trên và dưới đuôi cù lao, gọi là Khém Cạn và Khém Sâu.
Khém lớn hơn con rạch nhưng nhỏ hơn các dòng sông, và chúng kẻ một đường thẳng tắp như kênh đào. Đặc biệt, là không chảy xuôi ra hướng biển mà chúng cắt ngang cù lao.
Tại mỗi con khém người dân cất cái đình thờ cúng từ xa xưa. Còn hiện tượng sân Tiên cũng được người dân tín ngưỡng tâm linh xem là mảnh đất thiêng.
Bởi đất ở đây chỗ nào cũng có thể mọc cây rừng, nếu chưa được khai phá, nhưng sân Tiên rộng vài mẫu đất là bãi cát vàng hoàn toàn trống trải, cùng với rạch Long Ẩn, được xem là điểm tham quan tâm linh và là nơi người dân hương khói quanh năm.
Cù Lao Dung có chiều dài chỉ hơn 30 cây số, nơi hẹp khoảng 1,5 cây số nhưng hai lần đến dành cả ngày lang thang cũng thấy chưa giáp, cũng cảm thấy còn… thèm thuồng nghe chuyện. Phần chưa được thưởng thức đặc sản cá tra bần, nên chắc sẽ một ngày trở lại với cù lao.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin