Nằm khuất sau những hàng cau, Mayurasamaka là một cửa tiệm chuyên cung cấp đồ cúng lễ và trang phục truyền thống Khmer- tại ấp Giữa, xã Loan Mỹ (Tam Bình). Bên trong căn phòng khách của ngôi nhà nhỏ- nơi cả gia đình của chủ tiệm Thạch Yêu đang sinh sống, là khoảng không gian được tận dụng để trưng bày đồ cúng lễ rất chỉn chu và ngăn nắp.
Tuy ngày đầu kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay cửa tiệm của Thạch Yêu đã hoạt động ổn định. |
(VLO) Nằm khuất sau những hàng cau, Mayurasamaka là một cửa tiệm chuyên cung cấp đồ cúng lễ và trang phục truyền thống Khmer- tại ấp Giữa, xã Loan Mỹ (Tam Bình). Bên trong căn phòng khách của ngôi nhà nhỏ- nơi cả gia đình của chủ tiệm Thạch Yêu đang sinh sống, là khoảng không gian được tận dụng để trưng bày đồ cúng lễ rất chỉn chu và ngăn nắp.
Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, chàng trai người Khmer Thạch Yêu (SN 1999) lại có niềm đam mê với thiết kế thời trang từ khi còn nhỏ.
Càng hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, Yêu càng quyết tâm theo đuổi ước mơ với mong muốn thay đổi cuộc sống. “... Mê vẽ, mê thiết kế nhưng nhà khó khăn không có ruộng vườn để lo tiền đi học, khi đó chỉ có mỗi cái nền nhà. Căn nhà này là mới được cất sau khi em đi học nghề bên Campuchia về” - Thạch Yêu chia sẻ.
Thạch Yêu bên những đồ cúng lễ đặc trưng trong dịp lễ hội Dâng y Kathina. |
Sau thời gian giúp việc cho tiệm trang phục Khmer gần nhà, Thạch Yêu nhận ra truyền thống của dân tộc Khmer vẫn rất cần những người thuộc thế hệ trẻ kế thừa và gìn giữ.
Năm 2018, Thạch Yêu quyết tâm sang Campuchia để học nghề thiết kế trang phục và tổ chức lễ hội truyền thống. Trong 2 năm nỗ lực học tập, Thạch Yêu vừa được trải nghiệm công việc yêu thích vừa tiết kiệm được một khoản tiền để thực hiện ước mơ.
Về lại quê nhà tại Vĩnh Long với số vốn hơn 100 triệu đồng, Thạch Yêu quyết định kinh doanh cửa tiệm chuyên cung cấp đồ cúng lễ và trang phục truyền thống Khmer.
Nói về công việc kinh doanh của mình, Thạch Yêu cho biết: “Trong năm, người Khmer có rất nhiều ngày lễ. Có thể kể đến những ngày lễ chính như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ cúng ông bà Sel Dolta, lễ hội cúng trăng Ok Om Bok, lễ hội Dâng y Kathina... đó cũng là những thời điểm bận rộn nhất của tiệm.
Tùy theo nhu cầu của khách và nghi thức của từng lễ mà cửa tiệm có thể cung cấp những dịch vụ trang trí trọn gói”.
Đôi tay khéo léo của chàng trai người Khmer đang thoăn thoắt xe chỉ luồn kim, trang trí đồ cúng lễ thêm phần bắt mắt. |
Sau khi trừ các khoản chi phí, với mỗi đơn hàng cung cấp đồ cúng trong dịp lễ, Thạch Yêu có thể thu lời khoảng vài triệu đồng.
Bên cạnh, ngày thường Thạch Yêu cũng đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm qua các kênh bán hàng online nên có thêm lượng khách lấy hàng ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...
Thạch Yêu cho hay, vì nguồn vật liệu làm đồ cúng lễ thường được mua về từ Campuchia, trải qua các bước làm thủ công nên khách hàng phải liên hệ với Mayurasamaka để đặt làm đồ cúng trước ngày lễ ít nhất từ 3 tháng đến cả năm tùy theo quy mô của lễ.
Như với lễ hội Dâng y Kathina năm nay, ngoài số lượng bộ y cà sa dùng để dâng cho các vị tỳ kheo tăng nhiều, thì lượng đồ cúng khác như hộp đựng y, mâm bồng, cây bông... cũng tăng theo, vậy nên cửa hàng của Thạch Yêu luôn hoạt động hết công suất từ nhiều tháng để kịp giao cho khách.
Thạch Yêu còn thuê thêm các chị em trong xóm làm công việc đính hạt lên hộp đựng y, kết hoa cho cây bông... qua đó tạo thêm nguồn thu nhập cho mọi người.
Những hoa văn trên chiếc áo cưới Khmer do Thạch Yêu thiết kế. |
Mặc dù tất bật với công việc chuẩn bị đồ cúng lễ, nhưng Thạch Yêu vẫn tranh thủ thời gian nghỉ trưa để hoàn thiện bộ áo cưới do mình thiết kế. Bộ áo cưới Khmer với tổng trọng lượng gần 6kg và có giá hơn 20 triệu đồng đang được chàng trai tỉ mỉ đính từng hạt cườm lấp lánh theo những hoa văn trên mặt vải.
“Khi thiết kế áo cưới em đều phát thảo kiểu dáng và hoa văn trên giấy cho khách lựa chọn, sau đó em gửi mẫu sang Campuchia để dệt thành vải, khi vải được vận chuyển về đến Việt Nam thì em sẽ tự tay cắt may và đính hạt.
Để làm một chiếc áo cưới Khmer hoàn chỉnh thường mất khoảng 1 năm trở lên và phải do một người thực hiện tất cả các công đoạn từ đầu đến cuối, vậy mới đảm bảo tính thống nhất giữa các chi tiết trên áo” - Thạch Yêu nói.
Đối với công việc của mình, Thạch Yêu luôn có thái độ nghiêm túc và không ngại thực hiện những công đoạn kỳ công để hoàn thiện một sản phẩm.
Bởi theo Thạch Yêu, làm đồ cúng lễ và trang phục truyền thống Khmer không những giúp cải thiện kinh tế gia đình mà còn là việc làm góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin