Kỳ 3: Đi dọc Việt Nam

01:07, 27/07/2022

Tạm biệt Qui Nhơn. Chuyến tàu SE2 rời ga Diêu Trì lúc 8 giờ 10 phút qua những xóm làng xanh tươi, trù phú, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi… Đối với chúng tôi, được ngồi trên chuyến tàu ngắm nhìn quê hương "đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi" là một niềm hạnh phúc lớn lao để càng thêm tự hào và yêu đất nước mình.

(VLO) Tạm biệt Qui Nhơn. Chuyến tàu SE2 rời ga Diêu Trì lúc 8 giờ 10 phút qua những xóm làng xanh tươi, trù phú, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi… Đối với chúng tôi, được ngồi trên chuyến tàu ngắm nhìn quê hương “đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi” là một niềm hạnh phúc lớn lao để càng thêm tự hào và yêu đất nước mình.

Mênh mông lướt ngoài cửa sổ

“Bây giờ đi tàu lửa thoải mái, tiện nghi hơn hồi xưa lắm”, nhiều hành khách trên tàu đã nói với tôi như vậy. Thật vậy, dù cặp vé ngồi mềm điều hòa chúng tôi miễn cưỡng mua “vé chót” vì đã hết vé khoang nằm, nhưng vẫn cảm nhận sự thoải mái với sự tiện nghi trong khoang tàu được gọi là bình dân này.

Trong khi “vấn đề lớn” khách lo ngại: Nhà vệ sinh và bữa cơm trên tàu, đã không còn là ám ảnh lớn đối với người đi tàu lửa nữa. Ngày nay, những bữa cơm trên tàu dễ ăn với giá phải chăng và phòng vệ sinh luôn sạch sẽ.

Du khách tận hưởng sự tiện nghi trên tàu và nhìn ngắm mênh mông lướt ngoài cửa sổ.
Du khách tận hưởng sự tiện nghi trên tàu và nhìn ngắm mênh mông lướt ngoài cửa sổ.

Có người cho rằng: Khách đi tàu phải có nhiều thời gian, nhưng lại… ít tiền. Điều đó chỉ đúng một phần, bởi giá vé khoang 4 nằm điều hòa tương đương, thậm chí còn cao hơn vé máy bay giá rẻ. Khách đi tàu được ăn uống tự nhiên, đi lại khá dễ dàng.

Trên tàu trang bị sẵn máy nước nóng đủ làm chín ly mì, mà trẻ con thích thú vừa ăn vừa đùa giỡn, người lớn cũng khoái vì tiết kiệm tiền quà bánh.

Ly mì nóng trên tàu làm đầy những cái dạ dày mau đói, hẳn là ly mì ý vị và đắt giá nhất thế giới. Không đắt giá sao được khi ăn mì giữa khung cảnh hùng vĩ tàu qua đèo Hải Vân.

Tuyến đường sắt Bắc- Nam đi qua Lăng Cô- đèo Hải Vân được xem là cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam. Tàu qua đèo Hải Vân thường di chuyển chậm do nhiều khúc cua và địa hình hiểm trở. Điều này tạo điều kiện cho du khách thấy được thân tàu uốn lượn qua núi, có thể tận hưởng, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên quanh đèo Hải Vân huyền thoại.

“Chúa ơi, thật là một đất nước tươi đẹp”- tác giả Paul Theroux trong cuốn du ký Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, đã viết như vậy khi ông ghé đến Việt Nam, lên con tàu băng qua đèo Hải Vân. Và ngỡ ngàng nhận ra trong suốt cuộc hành trình, đây là vùng đất của những cảnh tượng thiên nhiên thơ mộng nhất…

Một bên tựa vào núi cao sừng sững, một bên hướng ra biển xanh sâu thẳm, tạo nên một cảnh sắc vô cùng độc đáo... Nhiều du khách chứng kiến cảnh tượng đó lần đầu tỏ ra tiếc nuối, vì đã không đi tàu lửa dọc dài đất nước mình sớm hơn.

Hành trình từ Nam ra Bắc, tàu đưa chúng ta đi qua những khung cảnh hùng vĩ, những làng quê tươi đẹp lướt ngoài cửa sổ thật thanh bình hồn hậu làm sao!

Tàu cũng đưa ta qua những vùng đất lịch sử anh hùng. Quảng Trị là mảnh đất của những trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là một trong những nơi đụng độ quyết liệt nhất, chiến trường khốc liệt nhất, là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt của đất nước trong 21 năm.

Mảnh đất có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, mỗi nơi có hơn 10.000 liệt sĩ an nghỉ. Những con số ấy phần nào diễn tả sự khốc liệt của cuộc chiến đã qua trên mảnh đất này.

Dọc dài đất nước theo bánh con tàu qua những miền đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, hôm nay những vết thương chiến tranh đang được chữa lành bằng màu xanh ngút ngàn trải dài nương lúa, đất nước đi lên phát triển và hội nhập trong dáng đứng tự do mang lại hòa bình, ấm no cho dân tộc.

Điều đó càng ý nghĩa hơn trong những ngày tháng 7, cả nước kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, chúng ta càng trân trọng và tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sĩ trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Một thoáng Hà Nội, một chuyến xe lên Sapa

Nhìn lại lịch sử, tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam được xây dựng vào năm 1881 với chiều dài 71km nối Sài Gòn với Mỹ Tho.

Một thoáng Hà Nội thân thương.
Một thoáng Hà Nội thân thương.

Sau đó tuyến đường sắt xuyên Việt bắt đầu được khai thác vào năm 1936. Đến nay, mạng đường sắt đã có bước tiến vượt bậc về cả quy mô và năng lực so với giai đoạn đầu. Mạng lưới đường sắt bao gồm 7 tuyến chính nối liền nhiều tỉnh- thành qua nhiều địa hình đặc biệt xuyên suốt chiều dài đất nước.

Theo website của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, mạng lưới đường sắt cả nước hiện dài 2.600km, nối liền các khu dân cư, trung tâm văn hóa nông nghiệp và công nghiệp, với 5 tuyến đường sắt chính nối liền 35 tỉnh- thành. Trong nhiều tỉnh- thành không có tuyến đường sắt chạy qua, đặc biệt khu vực ĐBSCL- người dân luôn mong mỏi đường tàu “chạy ngang nhà mình”.

Chuyến tàu ghé các ga dọc đường trả khách và đón khách mới. Tàu băng băng trong đêm cảm giác như đang chui vào đường hầm dài lắm và khi vượt ra khỏi đường hầm đã tới một nơi rất xa tràn đầy ánh sáng.

Chúng tôi có thể nhìn thấy tàu đang qua ga Phủ Lý, Thường Tín, Bình Lục, Chợ Tía… và đến ga Hà Nội sáng sớm mùa hè mát mẻ. Thoát ra khỏi nhóm người chèo kéo taxi, xe ôm, chúng tôi đón xe Grab 50.000đ- giá chỉ bằng 1/4 ở khu vực nhà ga, đoạn đường chừng 3 cây số đến nhà xe đi Sapa.

Chúng tôi có đủ thời gian ăn phở Hà Nội, làm cái nâu (cà phê sữa đá) vỉa hè, thăm Ô Quan Chưởng- cửa ô duy nhất còn lại với thời gian của kinh thành Thăng Long.

Di tích Ô Quang Chưởng cổ kính giữa lòng Hà Nội.
Di tích Ô Quang Chưởng cổ kính giữa lòng Hà Nội.

Di tích không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc mà còn in đậm dấu ấn lịch sử Hà Nội xưa. Quanh quanh ngã tư Hàng Chiếu- Đào Duy Từ, chúng tôi nhận ra một Hà Nội bình dị qua dãy phố, hàng quán cổ kính và đặc biệt những chiếc xe đạp bán hàng rong chở đầy hoa tươi, trái cây theo mùa…

Ai cũng bảo chúng tôi may mắn gặp lúc thời tiết Hà Nội chút dịu dàng buổi sáng, trưa tới sẽ nóng hầm hực cho mà coi.

Chúng tôi bỏ lại cái nóng Hà Nội bước lên chuyến xe đi Sapa. Bạn có thể đi Sapa bằng tàu hỏa, xe đò thì có ghế ngồi thường, nằm thường và nằm VIP. Đi du lịch mà, nên chúng tôi chọn vé VIP giường nằm cabin đôi để vừa nghỉ ngơi sau 1 ngày 1 đêm đi tàu, vừa muốn trải nghiệm “cung điện di động” có như lời quảng cáo hay không?

Cabin đôi đủ chỗ cho 2 người tận hưởng chặng đường dài thoải mái với nhà vệ sinh, các tiện ích như tivi, máy lạnh, sạc pin, tai nghe nhạc… Nhưng chúng tôi chỉ mê cái nút bấm massage và tận dụng hầu như suốt tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai êm ru, bên ngoài cửa sổ “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” nối tiếp nhau chạy theo.

Điều chúng tôi khá bất ngờ tới trạm dừng ở TP Lào Cai, được mời một bữa buffet bánh ngọt, trái cây, khoai lang luộc… “để lấy sức” cho xe leo dốc lên thị trấn mù sương.

Như lời cô nhân viên bán vé, giá vé VIP cao hơn vì xe đi nhanh hơn 1- 2 giờ vé bình thường, chúng tôi đã bỏ tiền không chỉ mua thời gian mà còn mua cả dịch vụ chất lượng.

Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần cho ngành du lịch Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Kỳ sau: Say tiếng khèn, điệu múa, ngất ngây Phan Xi Păng

Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh