Kỳ 2: Từ thiên đường du lịch đến phát triển kinh tế biển

01:07, 26/07/2022

Nói đến Bình Định ai cũng thuộc lòng câu ca dao "Ai về Bình Định mà coi/ con gái Bình Định múa roi, đi quyền" cùng hào khí Tây Sơn sáng danh người anh hùng dân tộc Quang Trung- Nguyễn Huệ, hình ảnh những người nông dân áo vải cờ đào bách chiến bách thắng với tinh thần thượng võ lưu danh sử sách.

(VLO) Nói đến Bình Định ai cũng thuộc lòng câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi/ con gái Bình Định múa roi, đi quyền” cùng hào khí Tây Sơn sáng danh người anh hùng dân tộc Quang Trung- Nguyễn Huệ, hình ảnh những người nông dân áo vải cờ đào bách chiến bách thắng với tinh thần thượng võ lưu danh sử sách.

Đến Bình Định hôm nay, du khách dễ dàng cảm nhận “sức nóng” của một điểm đến đang vươn tới hàng đầu Châu Á, đưa du lịch trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế.

Buổi trưa nắng chói, du khách cũng tranh thủ “chạy xuống tắm biển”.
Buổi trưa nắng chói, du khách cũng tranh thủ “chạy xuống tắm biển”.

Phát triển du lịch chất lượng cao

Chúng tôi đã bỏ lỡ ngắm bình minh trên cầu Thị Nại. Người ta nói đầm có hình một cái bao tử và chứa đựng rất nhiều loại thủy hải sản nổi tiếng bổ dưỡng.

Dù nắng lên, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam vẫn khiến du khách phải dừng lại chụp hình và ngắm nhìn toàn cảnh đầm Thị Nại giữa mênh mông sóng nước. Nên không có gì ngạc nhiên khi cây cầu bắc qua đầm Thị Nại nhanh chóng lọt vào “Top 10 cây cầu nổi tiếng được du khách thích chụp ảnh nhất”.

Theo thông tin từ website Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Định, với “7 phút qua cầu Thị Nại” nhưng du khách có thể du hành ngược quá khứ hàng ngàn năm để biết vì sao từ 600 năm trước, nhà hàng hải Trịnh Hòa thời nhà Minh (Trung Quốc) đã giong buồm vào cửa Thị Nại trong chuyến hải hành khám phá những vùng đất mới của mình.

Và trước đó, những thương nhân Ả Rập cũng đã từng ghé thương thuyền vào đây buôn bán, các nhà du hành thế giới như Odorio de Pordeneno, Macco Polo đã từng đến đây và tận mắt chứng kiến sự phồn vinh của cư dân Champa và các hoạt động trao đổi nhộn nhịp tại thương cảng Thị Nại.

Ngày nay, cầu Thị Nại không chỉ kết nối những tầng văn hóa và lịch sử của vùng đất “địa linh nhân kiệt” góp phần làm giàu cho Bình Định, mà còn giúp khu kinh tế Nhơn Hội phát huy hiệu quả, bán đảo Phương Mai càng trở nên hấp dẫn với nhiều dự án lớn đầu tư phát triển kinh tế, đô thị và du lịch.

Bán đảo Phương Mai (nằm trong khu kinh tế Nhơn Hội) là một quần thể sinh thái gồm núi đồi, rừng cây thấp ven biển, là bình phong tự nhiên che chắn thiên tai cho vùng đầm Thị Nại, vịnh Mai Hương, cảng biển và TP Qui Nhơn.

Bên cạnh các dự án công nghiệp, khu kinh tế Nhơn Hội đã có những dự án điểm nhấn về du lịch như quần thể du lịch sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý, khu du lịch Kỳ Co- Nhơn Lý... đã góp phần đưa Bình Định trở thành điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020- 2025, đến nay, tỉnh đã có 68 dự án du lịch, trong đó có 17 dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành từng phần, đi vào hoạt động và 51 dự án đang triển khai xây dựng. Trong năm 2021, đã khai trương 3 khách sạn lớn tiêu chuẩn 4- 5 sao.

Bình Định được đánh giá là một trong số ít những địa phương đã tận dụng thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19 trong 2 năm qua để rà soát, thiết kế lại kết cấu hạ tầng và các sản phẩm du lịch.

Cùng với việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và bền vững, tạo thương hiệu cạnh tranh lâu dài.

Trong định hướng phát triển thị trường khách du lịch, đẩy mạnh thu hút khách quốc tế, có khả năng chi trả cao, các thị trường có đường bay thẳng đến Bình Định, cùng với khu vực Tây Bắc, ĐBSCL cũng là thị trường khách du lịch tiềm năng mà tỉnh này hướng đến.

Một chỗ lý tưởng dưới bóng dừa lả lơi.
Một chỗ lý tưởng dưới bóng dừa lả lơi.

Đi tìm “thiên đường”

Chúng tôi thuê xe máy của khách sạn và nhờ Google Maps tìm đường. Bình Định quả là “thiên đường ẩm thực” với thực đơn hải sản tươi rói và phong phú, làm hài lòng các “tín đồ sành ăn”.

Món yêu thích của chúng tôi ở Qui Nhơn là bún cá, kế đến là bún bò Huế, bánh xèo tép nhảy hay cơm gà… Bún cá ở quán nhỏ ngõ hẻm cho tới các quán ăn nổi tiếng đều có hương vị đặc trưng của cá biển tươi, chả cá nên rất dễ ăn, dễ tìm và dễ… ghiền!

Qua những đoạn đường nắng rát, chúng tôi thường nhớ đến… những món ăn để cho đường bớt xa. Chẳng hạn khi qua cầu Thị Nại, chúng tôi phải vượt qua tuyến QL19B- như lọt vào “chảo lửa” giữa ngày hè trong cái nóng đặc trưng của miền Trung “nắng như rang, gió như phan”.

Tuyến đường đi qua khu kinh tế Nhơn Hội với những phân khu, dự án đã thành hình, bên cạnh những đồi cát trải dài bất tận, chúng tôi không khỏi thán phục bàn tay con người đã biến vùng nắng- gió- cát hoang vu thành khu kinh tế đầy tiềm năng, thu hút đầu tư và trở thành động lực phát triển cho vùng đất này.

Dù vậy, cũng không khỏi miên man, trăn trở khi tình cờ đọc được một vài bài báo lo ngại rằng: nạn “cát bay, cát nhảy”, bão cát đang gia tăng, tác động nặng nề vào đời sống của người dân. Việc đánh đổi hàng trăm héc ta rừng dương ven biển về lâu dài trong phát triển kinh tế, xã hội, du lịch ở đây sẽ không bền vững, mất nhiều hơn được!

Vượt qua hơn 17km QL19B, thiên đường biển với những dự án du lịch nghỉ dưỡng, điện mặt trời, điện gió… đã hiện ra trước mắt. Gió biển lồng lộng làm xoay những tua bin gió khổng lồ trên bán đảo Phương Mai, chúng tôi đã đến Kỳ Co- Eo Gió, cặp thắng cảnh đã làm nên tên tuổi du lịch Qui Nhơn và cả Bình Định.

Trước cổng vào Khu du lịch Kỳ Co, nhiều lời chào mời “combo trọn gói 350.000 đ/người: tàu tham quan, lặn biển, san hô…” quá nhiệt tình. Nhưng chúng tôi chọn mua vé vào khu du lịch, chạy xe lên một đoạn dốc cao, gửi xe ở trạm dừng, lên xe điện lao vun vút xuống bãi biển Kỳ Co nước xanh trong như ngọc và cát trắng mịn màng.

Bãi biển Kỳ Co được bao bọc bởi núi đồi trùng điệp, mang vẻ đẹp mỹ miều, hoang sơ mà hùng vĩ. Vậy nên, dù đến đây vào buổi trưa nắng gắt, nhưng du khách vẫn đông nghẹt “xí chỗ” dưới những tán dừa hay mái che trên bãi biển.

Cảnh đẹp tự nhiên và bàn tay con người tạo ra quá nhiều góc ảnh đẹp khiến du khách trầm trồ và chen nhau chụp hình “check in”. Tại đây có nhiều dịch vụ: đi bộ dưới biển, lặn biển ngắm san hô hay các hoạt động như mô tô nước, ca nô dù bay, lướt ván… dành cho du khách thích cảm giác mạnh.

Kỳ Co được nhiều người ưu ái gọi là “nơi chỉ cách thiên đường một bước chân”. Và một điểm du lịch còn bảo là: “Maldives của Việt Nam. Đến đây được sống giữa thiên nhiên sơn thủy hữu tình, có thể ngắm bình minh trên biển vắng, chiều nhìn hoàng hôn khuất núi...”.

Thật thơ mộng, lãng mạn làm sao! Nhưng đến Kỳ Co vào lúc Mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, chúng tôi chỉ muốn… chạy trốn và vô tình tìm được một hang động có nước chảy róc rách.

Đó là một hố sụp được phả đầy cát vàng, có mái vòm cao, hình thù kỳ quái và tầm nhìn rộng ra toàn cảnh bãi biển. Khi khách đã vắng, mặc dù Kỳ Co vẫn nắng chói, ở đây chúng tạm coi như của riêng mình. Tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi trên cát, tựa lưng vào vách đá, đọc vài trang sách, đón gió thổi vào từng đợt và nghe sóng biển rì rào vào bờ cát dịu êm. Đúng là đã… đặt chân lên thiên đường!

Kỳ sau: Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay

Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh