Đúc kết hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, ông Phan Xuân Thủy- Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: "Ảnh hưởng của quê hương, gia đình giàu truyền thống yêu nước, cách mạng- là cái nôi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, chí khí cách mạng của đồng chí Phạm Hùng".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi cảm tưởng khi đến viếng Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. ẢNH: TẤN PHONG |
Đúc kết hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, ông Phan Xuân Thủy- Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Ảnh hưởng của quê hương, gia đình giàu truyền thống yêu nước, cách mạng- là cái nôi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, chí khí cách mạng của đồng chí Phạm Hùng”.
Truyền thống gia đình, quê hương, văn hóa vùng đất Nam Bộ là nền tảng ban đầu hết sức quan trọng đưa đồng chí Phạm Hùng từ một thanh niên trí thức giàu lòng yêu nước, đã sớm giác ngộ lý tưởng, hình thành ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công và trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. |
Khi mới 16 tuổi, đồng chí Phạm Hùng đã hoạt động trong phong trào học sinh, sớm giác ngộ cách mạng, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành đảng viên cộng sản lớp đầu tiên. Năm 1931, đồng chí đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, dưới sự lãnh đạo của đồng chí, nhiều cơ sở cách mạng, phong trào đấu tranh của nhân dân nơi đây nhanh chóng phát triển, chống lại chế độ áp bức của chính quyền thực dân, phong kiến. Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt, bị kết án tử hình, đưa đi biệt giam ở Khám Lớn- Sài Gòn. Sau đó, được giảm xuống chung thân khổ sai và bị đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo năm 1934.
Ra Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng được bổ sung vào Chi ủy Nhà tù. Chi bộ Nhà tù Côn Đảo được công nhận là Chi bộ đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Cuối năm 1941, đồng chí được bầu là Bí thư Chi bộ Nhà tù. Những tháng ngày trong ngục tù đế quốc, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần gang thép của người chiến sĩ cộng sản, vững tin vào tương lai tươi sáng của sự nghiệp cách mạng, hăng hái tham gia đấu tranh chống chế độ lao tù phản động, đòi cải thiện đời sống tù nhân.
Ông Phan Xuân Thủy- Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh sự ảnh hưởng gia đình, quê hương đến sự hình thành nhân cách lớn đồng chí Phạm Hùng. |
Với tinh thần “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí đã tích cực cùng Chi ủy Nhà tù tổ chức tuyên truyền, giáo dục lý luận cách mạng, tinh thần và ý chí chiến đấu trong các chiến sĩ cộng sản đang bị giam giữ, góp phần đào tạo cán bộ cho cách mạng, cho Đảng. Chớp thời cơ thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 trong đất liền, Bí thư Đảo ủy Phạm Hùng đã bàn bạc, thống nhất trong cấp ủy, lãnh đạo tù nhân đấu tranh giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình, giải phóng Côn Đảo, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám.
Bổ sung cho những tư liệu lịch sử, là những câu chuyện nổi tiếng về đồng chí Phạm Hùng thời kỳ bị giam giữ ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, làm rõ sự ảnh hưởng của gia đình, quê hương và cá tính Nam Bộ đã hình thành nên khí phách nghĩa hiệp, kiên cường của đồng chí Phạm Hùng. Giải thích thêm cho những câu chuyện nổi tiếng đó, ông Phạm Hoàng Hưng (con trai đồng chí Phạm Hùng), đã kể lại những kỷ niệm về người cha của mình, trong đó có những chi tiết chưa được sách báo ghi chép.
Đó là từ tuổi niên thiếu vốn được gia đình cho rèn luyện võ thuật khá căn cơ, trong đó có cả kỹ thuật “gồng” chịu đựng sự va đập mạnh lên cơ thể, nên khi vào tù đồng chí Phạm Hùng thường lấy thân mình đỡ đòn cho đồng đội, đồng chí. Còn trong những ngày đầu vào tù, bọn địch đã âm mưu dùng tù thường phạm để đàn áp, đánh đập, thậm chí có thể thủ tiêu tù chính trị; bằng sự dũng cảm, gan dạ và sự mưu trí của mình đồng chí Phạm Hùng đã đối phó, hóa giải được mối đe dọa này. Một con người “trí dũng song toàn” đã dám đứng mũi chịu sào vừa giáo dục, cảm hóa tù thường phạm, những kẻ giang hồ hảo hán đều cảm mến, quý phục khí chất, con người “anh Hai Hùng”.
Hội thảo luận giải và làm rõ đồng chí Phạm Hùng là người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long và vùng đất Nam Bộ- Thành đồng Tổ quốc. Truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên biết bao người con ưu tú của vùng đất “Chín Rồng”, trong đó có đồng chí Phạm Hùng- một nhân cách lớn, một người cộng sản kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Ông Phạm Hoàng Hưng (con trai đồng chí Phạm Hùng) kể lại những kỷ niệm về cha mình tại hội thảo. |
Và chính đồng chí Phạm Hùng, với tài năng và nhân cách ngời sáng của mình, đã để lại dấu ấn sâu đậm cho sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương, là nguồn động lực để Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Long phấn đấu giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước qua các thời kỳ cách mạng. Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Long mãi mãi tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của đồng chí với quê hương, đất nước; ra sức học tập và noi theo tấm gương sáng ngời, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản Phạm Hùng, xây dựng và phát triển quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
NGỌC TRẢNG- NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin